Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 05/12/2023 12:55 GMT+7

Người cao tuổi tích cực tham gia bảo vệ biên giới

Biên phòng - Nước ta hiện có khoảng 13 triệu người cao tuổi. Cùng với các tầng lớp nhân dân, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng luôn đồng hành cùng BĐBP xây dựng và giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhiều người cao tuổi đã trực tiếp tham gia và vận động có hiệu quả người dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, vùng biển của Tổ quốc.

Ông Giàng Chứ Măng (thứ hai từ trái qua) thường xuyên chia sẻ tình hình an ninh trong bản với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lèo, BĐBP Sơn La. Ảnh: Ngọc An

Trong nhiều năm nay, ông Giàng Chứ Măng, người dân tộc Mông, bản Sam Quảng, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La là “thủ lĩnh” của phong trào quần chúng tự quản đường biên, cột mốc ở bản Sam Quảng. Là già làng, người có uy tín trong bản nên tiếng nói của ông Măng luôn được người dân lắng nghe và làm theo.

Bản Sam Quảng có 52 hộ dân đều là người dân tộc Mông. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần chia sẻ trách nhiệm cùng BĐBP, trong nhiều năm qua, người dân bản Sam Quảng đã nhận bảo vệ, quản lý đoạn biên giới dài gần 7km, 3 mốc quốc giới từ mốc 152 đến mốc 154, đảm bảo an toàn, nguyên vẹn. Ông Măng luôn là “đầu tàu” thực hiện công việc kiểm tra đường biên, cột mốc, phát quang đường tuần tra biên giới.

Năm nay đã ngoài 80 tuổi, sức yếu, không trực tiếp đi tuần tra, kiểm tra cột mốc được, ông Măng lui về phía sau, động viên con cháu và người dân trong bản giữ gìn biên cương, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy ước, hương ước của địa phương. Tiếp bước ông Măng, các con cháu của ông đều gương mẫu trong làm ăn phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa và đồng lòng cùng BĐBP bảo vệ đường biên, cột mốc.

Không chỉ vận động người dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, ông Măng còn phối hợp với BĐBP và lực lượng công an xã đấu tranh với các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, vận động nhân dân tố giác đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật.

Theo các cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lèo, ông Măng luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động giữ gìn an ninh trật tự thôn bản. Với vai trò là Nhóm trưởng nhóm liên gia tự quản, ông thường xuyên động viên, và hòa giải các vụ việc phức tạp gây mâu thuẫn, mất đoàn kết trong nhân dân, củng cố mối đoàn kết toàn dân và giữ gìn bản sắc dân tộc, đẩy lùi tệ nạn xã hội.

Ngoài ông Măng, trong các chuyến công tác tại các tỉnh biên giới xa xôi, chúng tôi đã gặp rất nhiều người cao tuổi một lòng gắn bó với biên cương. Tôi ấn tượng về sự nhanh nhẹn, dẻo dai và tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết với công tác giữ gìn bờ cõi biên cương của ông Chu Lù Chừ, xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Ông Chừ, người dân tộc Hà Nhì là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh xã Thu Lũm. Vóc dáng nhỏ nhắn, nhưng đôi chân của ông đã đi thăm hầu hết các mốc quốc giới trên địa bàn xã Thu Lũm. Ông luôn tự hào khi kể lại kỷ niệm đi tuần tra biên giới cùng với BĐBP cho con cháu của mình nghe.

“Ngày xưa, tôi thường cùng BĐBP đi tuần tra, phát quang đường biên, cột mốc. Từ mốc 27 sang mốc 28 phải đi đường rừng hơn 7km, toàn dốc đứng, leo được một đoạn là thở cả ra đường tai. Mốc 33 và 34 là khó đi nhất, từ Trạm Kiểm soát Biên phòng U Ma Tu Khoòng, Đồn Biên phòng Thu Lũm phải đi bộ 1 ngày đường trong rừng rậm mới tới mốc. Thông thường, mỗi lần đi lên hai mốc này, chúng tôi phải lên đường từ 5 giờ sáng, đi cật lực mà phải đến 7 giờ tối mới về được đến điểm xuất phát. Có lần, tôi cùng bộ đội đi phát quang thông tầm nhìn biên giới, khi quay về thì trời đã tối rồi. Việc tìm đường đi là rất khó, bởi bốn bề là rừng rậm, anh em phải vừa đi, vừa gọi nhau, rồi cầm đèn soi để biết hướng tìm về với nhau. Với những mốc ở xa, không kịp đi về trong ngày, chúng tôi phải làm lán trên đường biên để tối quay về ăn, hôm sau lại đi tuần tra tiếp” -Ông Chừ nhớ lại.

Trong những năm qua, ông Chu Lù Chừ luôn đồng hành cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thu Lũm, BĐBP Lai Châu bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: Bích Nguyên

Quay trở lại thực tại, ông Chừ kể: “Tôi và bà con trong thôn hiện nhận tự quản cộc mốc 26. Mốc này ở ngay gần nương thảo quả nhà tôi nên tôi có thể đến thăm hàng ngày. Mỗi lần lên nương, tôi đều lên kiểm tra mốc, nếu cỏ mọc nhiều, tôi sẽ phát dọn quanh mốc. Là người dân biên giới, tôi luôn xác định bản thân phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn biên cương”.

Trò chuyện với ông Chừ, tôi có cảm nhận, đường biên, cột mốc Tổ quốc luôn nằm trong trái tim ông. “Ngày xưa, Thiếu tá Nguyễn Đức Quỳnh, cán bộ Đồn Biên phòng Thu Lũm có nói với tôi rằng, cán bộ chỉ có 2 mắt, 2 tay thôi, nhưng người dân thì có trăm mắt, trăm tay, có sự giúp đỡ của nhân dân thì BĐBP mới hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Nghe anh ấy nói, bà con chúng tôi rất hiểu và luôn ủng hộ BĐBP. Mỗi người dân chúng tôi đều xác định phải có trách nhiệm giữ gìn đất đai của Tổ quốc. Vì thế, dù có khó khăn, vất vả, ngày nào còn đi nương được là ngày đó tôi đến thăm cột mốc. Không chỉ tôi, bà con ở đây đều tự giác tự quản đường biên, cột mốc thuộc địa bàn thôn, bản của mình” - ông Chừ chia sẻ.

Cũng một lòng bảo vệ biên cương Tổ quốc, ông Chu Nụ Cà, bản Mé Gióng, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã dành nhiều thời gian cùng BĐBP bảo vệ đường biên, cột mốc. “Từ năm 1995, tôi đã cùng anh em Biên phòng thường xuyên đi tuần tra biên giới. Xã Ka Lăng có nhiều mốc, nhưng tôi hay cùng bộ đội đi tuần tra, phát quang mốc 18 và mốc 19. Trước đây phải đi tuần tra trên sông suối, vất vả, mệt nhọc, nhưng tôi rất vui vì được góp phần bảo vệ biên cương bờ cõi” - ông Chu Nụ Cà kể.

Trên thực tế, thời gian qua, các già làng, trưởng bản, người cao tuổi, người có uy tín đã trực tiếp tham gia cùng BĐBP tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát quang đường biên, bảo vệ mốc giới; nắm tình hình thôn bản, cung cấp nhiều thông tin, trong đó có nhiều thông tin giá trị, giúp BĐBP kịp thời xử lý nhiều vụ việc phức tạp, góp phần giữ gìn, ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới, bảo vệ chủ quyền đất nước. Nhiều người tuổi cao, sức đã yếu, nhưng với tâm huyết của mình vẫn luôn đi đầu động viên bà con tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, trở thành tấm gương sáng trong cộng đồng.

Văn Trí

Bình luận

ZALO