Biên phòng - Nhắc đến Thiếu tá Trương Văn Tới, cán bộ tăng cường giữ chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cô Mười, huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng, người dân vùng cao nơi đây thường gọi vui là “anh bốn cùng” của nhân dân. Để nhận được những tình cảm tốt đẹp của đồng bào, anh đã phải trải qua chặng đường 20 năm lăn lộn với vùng biên.

Sinh ra và lớn lên tại quê hương Hòa An (Cao Bằng), năm 1990, chàng trai trẻ Trương Văn Tới xung phong nhập ngũ, rồi thi đỗ vào Học viện Biên phòng. Năm 1996, tốt nghiệp ra trường, anh về nhận công tác tại Đồn BP Tổng Cọt.
Anh Tới nhiều lần cùng với đồng đội vượt hàng chục ki-lô-mét đường rừng đến tận từng bản làng xa xôi để vận động, tuyên truyền người dân không vượt biên trái phép, chấp hành nghiêm các quy định, quy chế biên giới để tránh kẻ xấu lợi dụng làm mất đoàn kết, ảnh hưởng đến an ninh biên giới. Qua việc đi thực tế tại các điểm nóng, anh đã nắm bắt được cốt lõi vấn đề, về những thứ mà người dân cần trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Là một sỹ quan trẻ, năng động, anh đã tham mưu cho chỉ huy đồn đề xuất với chính quyền địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua lồng ghép thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, thành lập các lớp học xóa mù chữ cho người dân để nâng cao dân trí, kết hợp lồng ghép việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách hiệu quả.
Thiếu tá Trương Văn Tới chia sẻ, điều dân cần là lòng tin. Muốn có lòng tin của dân thì bất cứ việc gì cán bộ phải làm trước. Anh nhớ mãi kỷ niệm về chuyện một số xóm giáp biên, người dân chưa biết trồng rau. Sau một thời gian tuyên truyền, hướng dẫn bà con tự quy hoạch vườn tược, trồng rau xanh, nhưng tuyên truyền rồi bà con để đấy, hằng ngày vẫn thấy người dân xuống chợ mua rau xanh. Tìm hiểu mới biết, việc tuyên truyền suông là chưa đủ, mà phải nói đi đôi với làm, để bà con biết cách trồng, chăm bón và làm theo thì mới đem lại hiệu quả.
Giữ vững an ninh chính trị
Để nâng cao dân trí, anh Tới cùng đồng đội thực hiện một số điểm dạy xóa mù chữ cho đồng bào. Với phương châm “giáo dục không bằng thuyết phục, thuyết phục không bằng gắn bó”, các anh đã “cùng ăn, cùng làm, cùng ở, cùng nói tiếng dân tộc” với dân. “Mưa dầm thấm lâu”, thông qua các lớp học, đã có trên 20 người độ tuổi từ 15 - 25 biết đọc, biết viết. Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đến vận động nhân dân phát quang đường biên, mốc giới, tham gia tích cực vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Năm 2006, anh được điều động về nhận công tác tại Đồn BP Hùng Quốc và được đơn vị phân công làm cán bộ tăng cường xã Quang Hán (Trà Lĩnh). Cuối năm 2007, anh về nhận công tác tại xã Cô Mười với vai trò Phó Bí thư Đảng ủy xã. Xác định công tác tổ chức xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, anh Tới đã tham mưu cho Đảng ủy xã củng cố hệ thống chính trị cơ sở và có những định hướng về phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Trong công tác phát triển Đảng, Đảng bộ chú trọng phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới. Anh đến sinh hoạt tại những xóm biên giới, chú trọng tìm nguồn bồi dưỡng... Nhờ đó đã hoàn thành mục tiêu “xóa trắng” đảng viên. Toàn Đảng bộ hiện đã có 91 đảng viên, sinh hoạt tại 10 chi bộ, chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị từng bước được nâng lên. Tại Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010 - 2015, anh Tới được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã.
Nói về anh, ông Lý Văn Du, Chủ tịch UBND xã Cô Mười cho biết: Thiếu tá Trương Văn Tới đã tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả các nội dung, chương trình công tác, tập trung lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Trên cơ sở đó, chính quyền thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, như: Chăn nuôi lợn đen, bò và vịt đàn; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các loại giống mới, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, vùng núi đá được phủ xanh bởi ngô, đậu tương, cỏ voi...
Cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Đến nay, 7/7 xóm có đường ô tô, hơn 97% hộ dân được sử dụng điện, trên 80% người dân được sử dụng nước sinh hoạt tập trung, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm. Nhân dân trong xã tích cực tham gia xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh. Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản được đẩy mạnh. Năm 2011, đã có 431 lượt người tham gia tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc; 369 lượt người tham gia phát quang đường biên...