Biên phòng - Người mà chúng tôi muốn nhắc đến là Thiếu tá Phan Văn Thắm, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Môn Sơn, BĐBP Nghệ An. Với tình thương và trách nhiệm của người lính Biên phòng, anh đang hằng ngày đồng hành với nhân dân biên giới trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, mà trực tiếp là chăm sóc, dìu dắt 72 học sinh dân tộc Đan Lai nuôi dưỡng ước mơ được học tập dưới mái trường bán trú.
Hết lòng chăm lo cho học sinh trên địa bàn
Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, Thiếu tá Phan Văn Thắm cùng với cán bộ, chiến sĩ trong Đội Vận động quần chúng thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ 4 em học sinh là “Con nuôi đồn Biên phòng”, 3 em học sinh được đơn vị đỡ đầu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”.
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Môn Sơn đánh giá: “Thiếu tá Phan Văn Thắm là cán bộ có trách nhiệm, nhiệt tình, hăng say trong công việc. Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, anh đã dành thời gian để chăm lo cho các cháu học sinh người Đan Lai ở ký túc xá, giúp các cháu xóa bỏ sự tự ti, mặc cảm để phấn đấu vươn lên trong học tập”.
Do đặc thù địa bàn có 2 bản người Đan Lai nằm sâu trong vùng lõi Rừng quốc gia Pù Mát, cách trung tâm xã từ 20km, đường sá đi lại khó khăn, mùa mưa hầu như bị chia cắt không đi lại được nên nhiều em học sinh ngại đến trường, thường xuyên bỏ học giữa chừng. Thiếu tá Thắm và đồng đội đã lặn lội hàng chục cây số đường rừng vào tận bản vận động các em đến trường học tập. Anh đã trực tiếp tuyên truyền, vận động 8 em học sinh dân tộc Đan Lai bỏ học tiếp tục trở lại trường.
Qua nắm tình hình được biết, tại khu ký túc xá bán trú Trường Trung học cơ sở Môn Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An có 72 em học sinh là con em đồng bào dân tộc Đan Lai ở 2 bản Khe Búng và Cò Phạt, xã Môn Sơn đang học tập tại đây, 100% gia đình các em học sinh là hộ nghèo. Bước đầu, các em mới xa gia đình, không quen nếp sống tự lập nên việc học tập, sinh hoạt tại đây còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Một số em thường xuyên trốn học, bỏ về nhà.
Trước tình hình trên, Thiếu tá Phan Văn Thắm và các cán bộ, nhân viên Đội Vận động quần chúng đã tham mưu chỉ huy đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương, nhà trường xây dựng mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên”. Thực hiện sự chỉ đạo của chỉ huy đơn vị, Thiếu tá Thắm vừa đảm nhiệm công tác địa bàn, vừa trực tiếp phối hợp với nhà trường duy trì nền nếp, chế độ học tập; giúp đỡ, hướng dẫn các cháu học sinh Đan Lai trong quá trình sinh hoạt và học tập. Đây thực sự là nhiệm vụ hết sức khó khăn với bản thân Thiếu tá Thắm. Tuy nhiên, với ý chí quyết tâm và trách nhiệm của người lính, anh chủ động tìm tòi, học hỏi cách làm, kinh nghiệm của các trường thiếu sinh quân, các khóa học trong học kỳ Quân đội..., từ đó áp dụng các nội dung phù hợp với khu ký túc xá bán trú.
Để duy trì nền nếp học tập ở khu ký túc xá, Thiếu tá Thắm đã xây dựng thời gian biểu trong ngày. Theo đó, buổi sáng, anh gọi các em dậy tập thể dục bằng hiệu lệnh còi; sau đó, hướng dẫn các em gấp chăn màn, vệ sinh nhà cửa, cá nhân, chủ động ăn uống, chuẩn bị sách vở, đến trường học tập. Buổi trưa, anh duy trì cho các em ăn cơm, ngủ nghỉ và đến giờ buổi chiều lên lớp học tập. Sau ca học chiều, các em vui chơi thể dục, thể thao, trồng và chăm sóc hoa màu. Buổi tối, các em được hướng dẫn ôn bài và đi ngủ đúng giờ. Vào các ngày thứ 7, Chủ nhật, một số em xin phép về thăm nhà, số còn lại ở ký túc xá vẫn được duy trì và hướng dẫn tham gia các hoạt động phù hợp...
Để các em được sinh hoạt vui nhộn và gần gũi với nhau hơn, Thiếu tá Thắm đã phối hợp với nhà trường thành lập một tổ văn nghệ gồm 12 học sinh; đồng thời tham mưu, đề xuất chỉ huy đơn vị tổ chức cho đoàn viên, thanh niên của đơn vị phối hợp với Đoàn Thanh niên xã và các Chi đoàn bạn tổ chức mỗi tháng một lần giao lưu văn hóa, văn nghệ tại trường. Để động viên học sinh, hằng tháng, anh Thắng tổ chức bình xét để biểu dương, khen thưởng cho các em gương mẫu trong học tập, sinh hoạt.
Đến nay, các em học sinh Đan Lai đã mạnh dạn, tự tin hơn, không còn bỡ ngỡ, e ngại như những ngày đầu. Việc sinh hoạt, học tập đã đi vào nề nếp; không có học sinh bỏ học giữa chừng; đặc biệt là các em đã biết tự lập hơn trong các hoạt động. Các em luôn coi Thiếu tá Thắm như người cha thứ hai của mình. Em La Vi Đạt, học sinh lớp 6, Trường Trung học cơ sở Môn Sơn chia sẻ: “Cháu được bố Thắm dạy cho nhiều điều bổ ích và được sinh hoạt vui chơi với các bạn nên cháu cũng đỡ nhớ nhà, yên tâm học tập”.
Chăm lo cho các “con nuôi”, Thiếu tá Phan Văn Thắm đã kêu gọi các tổ chức thiện nguyện hỗ trợ cho các em 120 thùng mì tôm, 70 thùng sữa, 250kg gạo, 70 bộ quần áo đồng phục và 28,8 triệu đồng tiền mặt để bổ sung vào khẩu phần ăn, củng cố nơi ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho các em trong khu ký túc xá, được nhân dân, chính quyền địa phương đánh giá cao.
Trích lương mua con giống tặng người dân
Chúng tôi được biết, Thiếu tá Thắm hiện đang phụ trách 6 hộ gia đình ở khu vực biên giới. Qua công tác nắm tình hình, anh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ưu tiên các nguồn kinh phí xóa đói, giảm nghèo, các chương trình hỗ trợ vay vốn ưu đãi của Nhà nước, nguồn hỗ trợ từ các nhà hảo tâm cho các gia đình khó khăn phát triển sản xuất, đồng thời hướng dẫn các hộ dân áp dụng các mô hình phát triển kinh tế khả thi, phù hợp.
Bản thân Thiếu tá Phan Văn Thắm trích tiền lương trực tiếp hỗ trợ 50 con gà, 2 con lợn trị giá 2 triệu đồng cho 2 hộ gia đình trên địa bàn để người dân có sinh kế thoát nghèo. Ngoài ra, anh và đồng đội còn giúp đỡ người dân Đan Lai ở bản Cửa Rào, xã Môn Sơn xây dựng bể dẫn nước sạch trị giá gần 70 triệu đồng về bản, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh hoạt hằng ngày.
Năm 2022, Thiếu tá Phan Văn Thắm cùng với cán bộ, nhân viên trong Đội Vận động quần chúng tham mưu cho chỉ huy đơn vị triển khai “Gian hàng 0 đồng” (mở gian hàng phát đồ dùng cho nhân dân trong các phiên chợ hằng tháng). Đến nay, đã có hơn 8 tấn quần áo cũ, mới các loại, giày dép, sách vở, cặp sách được tặng miễn phí cho người dân trên địa bàn. Mô hình này đã được Huyện ủy, UBND huyện Con Cuông và cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao, xem đây là mô hình cần được nhân rộng ra trên địa bàn các xã biên giới của huyện.
Cùng với đó, Thiếu tá Phan Văn Thắm tích cực tham mưu cho Đảng ủy Đồn Biên phòng Môn Sơn hỗ trợ cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố cơ sở chính trị. Trong đó, anh trực tiếp phối hợp với cán bộ xã Môn Sơn xây dựng tổ chức đảng và các đoàn thể bản Khe Búng từ yếu kém vươn lên vững mạnh, đặc biệt trong năm 2022, chi bộ bản Khe Búng đã lựa chọn, bồi dưỡng, kết nạp được 2 đảng viên người Đan Lai.
Hải Thượng