Biên phòng - Với vai trò là Bí thư chi bộ thôn, ông A Im, 63 tuổi, người uy tín tại thôn Rờ Kơi, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, luôn làm tốt vai trò của mình, đi đầu trong các hoạt động và là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Đến thôn Rờ Kơi, chúng tôi không nghĩ người đàn ông nhanh nhẹn, khỏe khoắn đang tất bật sửa sang ngôi nhà trước mắt ấy lại là ông A Im - Bí thư chi bộ đã 63 tuổi mà mình cần tìm. Chẳng cần thuê thợ, một mình ông như con thoi tự tay làm mọi việc.
Ông cười: “Tiết kiệm là quốc sách, Bác Hồ dạy rồi mà. Những việc tôi có thể làm được thì tôi sẽ tự làm, để tiết kiệm chi phí, bất đắc dĩ lắm tôi mới thuê thợ. Làm nông cũng vậy, tôi sắp xếp thời gian sao cho hợp lý, để vừa lo việc nước, vừa lo việc nhà. Tự tay mình chăm sóc vườn thì mới yên tâm được”.
Ông A Im dẫn chúng tôi ra trang trại của gia đình cách nhà không xa. Vườn cà phê, cao su xanh mướt, cùng chuồng trại sạch sẽ hiện ra trước sự ngỡ ngàng của tôi. Theo nhiều người dân ở xã Rờ Kơi kể lại, năm 1996, khi bà con vẫn chỉ đang quanh quẩn với cây mì, vốn là người có tầm nhìn xa, ông A Im đã thấy được giá trị kinh tế của cây cao su nên trở thành một trong những người đi đầu trồng loại cây này. Thấy 1,5ha cao su của ông A Im cho thu nhập cao, nhiều người cũng mạnh dạn trồng theo. Giờ đây, mỗi năm, trừ mọi chi phí, ông A Im thu lãi hơn 70 triệu đồng từ loại cây công nghiệp này.
Không chỉ cao su, ông A Im cũng sớm nhận ra giá trị và hiệu quả kinh tế mà cây cà phê mang lại. Không có điều kiện theo các lớp đào tạo, tập huấn, nhưng với quyết tâm của mình, ông thường xuyên tự mày mò đọc sách báo, xem trên tivi và tìm hiểu kiến thức trồng cà phê từ các địa phương khác, sau đó, về áp dụng cho gia đình.
Khi tích lũy đủ vốn kiến thức cơ bản, năm 2016, ông mạnh dạn phá bỏ 1ha mì cằn cỗi, cải tạo rồi trồng cà phê. Vừa chăm sóc, vừa tiếp tục học hỏi và đúc rút kinh nghiệm, đến nay, ông A Im đã thu lãi ròng trên 70 triệu đồng từ hơn 1ha cà phê.

Không chỉ tiên phong trong trồng cao su và cà phê tại thôn Rờ Kơi, ông A Im còn đi đầu thay đổi thói quen nuôi thả rông gia súc của bà con. Ông bảo, dân làng thường thả rông gia súc, sáng thả đi, chiều lùa về, cứ thế phó mặc cho trời cho đất, khiến con trâu, con bò không được chăm sóc tốt. Ăn uống kém, trâu, bò không chỉ còi cọc, lại còn dễ bị bệnh tật mỗi khi gặp thời tiết khắc nghiệt.
Không những vậy, việc chăn thả tự do còn làm mất vệ sinh môi trường, gia súc phá hoại hoa màu, ảnh hưởng đến kinh tế của bà con, ở thôn đã có không ít trường hợp các gia đình bất hòa vì bò nhà này tới phá vườn nhà kia.
Nghĩ vậy, ông quyết tâm chuyển sang nuôi nhốt, đầu tư làm chuồng trại, đảm bảo thoáng mát trong mùa hè, quây kín trong mùa đông. Đồng thời, ông trồng cỏ voi trong vườn nhà, để những ngày bận việc, hay mưa rét, vẫn có thức ăn cung cấp cho đàn bò. Nhờ đó mà đàn bò của ông A Im luôn khỏe mạnh, sinh sản đều đặn. Lợi nhuận từ việc nuôi bò cho ông hơn 60 triệu đồng/năm.
Trồng trọt giỏi, chăn nuôi khéo, nên người dân ở thôn Rờ Kơi rất nể phục và học tập ông A Im, từ cách bón phân, tưới nước đúng định kỳ, tới việc làm chuồng trại, chăm sóc gia súc ra sao.
Đặc biệt, phát huy vai trò người uy tín, Bí thư Chi bộ thôn, ông A Im còn miệt mài với việc vận động bà con xóa bỏ tập tục lạc hậu. Ông thành thật kể: “Thực ra, trước đây, cũng như bao người, tôi từng tin thầy cúng hơn thầy thuốc. Hễ đau ốm là tôi lại tìm thầy cúng, họ bảo gì tôi cúng nấy, có khi còn cúng cả trâu, cả bò. Cũng may là thầy không bảo cúng voi, chứ không thì không biết lấy đâu ra” - ông đùa.

Dần dà, sau nhiều lần cúng, mất trâu mất bò, đã xót của lại thấy bệnh tình không chuyển biến, ông A Im dần nhận ra, cúng bái hoàn toàn không có tác dụng gì đối với việc chữa bệnh. Từ đó, mỗi lần đau ốm, ông đến các cơ sở y tế để khám, lấy thuốc, đồng thời, vận động bà con đến cơ sở y tế khám chữa bệnh thay vì mất tiền, tốn thời gian vào việc cúng bái. Bây giờ, bà con khác xưa lắm rồi, tin thầy thuốc, tin vào y học hơn.
Bên cạnh đó, trong những đợt dịch Covid-19 bùng phát căng thẳng, ông A Im luôn phối hợp với chính quyền xã, tổ chức vận động, tuyên truyền đến bà con về việc chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời, kiểm soát chặt công dân ra vào trên địa bàn. Khi chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 được triển khai, ông A Im cùng cán bộ xã, thôn vận động bà con đến trạm y tế xã tiêm phòng.
Với đặc thù thôn Rờ Kơi là thôn biên giới, dưới sự chỉ đạo của UBND xã, thôn đã thành lập Tổ bảo vệ rừng và Tổ tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn hoạt động thường xuyên, có hiệu quả. Trong thời gian qua, ông A Im luôn cùng các thành viên trong Tổ thường xuyên phát quang đường biên, cột mốc, giữ gìn hệ thống dấu hiệu đường biên giới, tham gia tuần tra, kiểm soát bảo vệ đường biên giới, góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với nước bạn Campuchia.
Với vai trò là người uy tín, Bí thư chi bộ thôn, ông A Im luôn năng nổ, đi đầu trong các hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ ở địa phương. Ông là tấm gương làm kinh tế giỏi cho thế hệ trẻ học tập, là người cha, người ông tốt trong gia đình, giáo dục con cháu học tập, noi gương những điều hay. Mới đây, ông A Im được Huyện ủy Sa Thầy, tỉnh Kon Tum tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Bác. Đây là sự ghi nhận xứng đáng dành cho người Bí thư chi bộ thôn tận tâm, nhiệt huyết này”- ông A Trường, Phó Bí thư Đảng ủy xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum khẳng định.
Tùng Lâm