Biên phòng - Chúng tôi có dịp gặp người Anh hùng của ngành hậu cần BĐBP khi ông chuẩn bị bước vào tuổi 78, với niềm tự hào 58 năm tuổi Đảng. Ông là Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Duy Cận, nguyên Cục trưởng Cục Hậu cần BĐBP vẫn tràn ngập niềm yêu đời và lòng nhiệt huyết cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước.
Trong kháng chiến, ông đã chiến đấu anh dũng cùng đồng chí, đồng đội, góp phần đảm bảo cho những chuyến xe đưa người, đưa hàng ra tiền tuyến được an toàn... Trong hòa bình, ông cùng Cục Hậu cần BĐBP tạo nên nhiều đổi mới trong công tác hậu cần đảm bảo, đời sống của bộ đội, về ăn, mặc, ở, sinh hoạt được nâng lên; trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật như vận tải, xăng dầu, quân y, quân nhu... được bổ sung, đổi mới theo hướng tiên tiến, hiện đại. Về với đời thường, người anh hùng ấy vẫn giản dị, hồn hậu bên những người đồng đội đã trải qua một thời lửa đạn, nuôi dạy con cháu nên người, trở thành người có ích cho xã hội.
Đại tá, Anh hùng Lê Duy Cận chia sẻ: Khi còn là một thanh niên, được giáo dục trong môi trường xã hội chủ nghĩa, ông xác định rõ trách nhiệm phải ra sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Năm 1962 vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang, với nhiệm vụ lái xe ô tô, ông luôn phấn khởi, yêu nghề, bền bỉ phấn đấu, lập thành tích ngày càng cao, đặc biệt trong những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.
Tháng 3 năm 1966, Lê Duy Cận đi công tác ở Quảng Bình, ông kiêm cả lái phụ, lái xe suốt 26 ngày đên liên tục. Khi đến phà Nghiên (Hà Tĩnh), bị địch đánh phá, hai đồng chí phụ trách phà hy sinh, Lê Duy Cận động viên số anh em còn lại cùng mình kéo phà vượt qua nơi nguy hiểm, bảo đảm người và hàng an toàn. Tháng 2 năm 1967, Lê Duy Cận lái xe chở hàng vào Vĩnh Linh, bị máy bay địch phát hiện, đánh bom, ông đã dũng cảm, khôn khéo lái xe qua sông Gianh, đảm bảo an toàn. Đến cầu Đá Mài lại bị địch đánh phá, lợi dụng pháo sáng, ông vững tay lái mở hết tốc độ cho xe chạy vượt qua khu vực nguy hiểm. Lê Duy Cận tìm đường tránh, tiếp tục chạy đến địa điểm đã định, giao hàng xong quay trở về đơn vị an toàn.
Tháng 2 năm 1968, Lê Duy Cận lái xe chở cán bộ vào miền Nam công tác. Khi đến Đô Lương, Nghệ An, xe bị gãy cần số, ông dũng cảm đi vào khu vực bãi bom nổ chậm tìm trong số xe bị cháy, lấy được một cần số khác mang về thay thế, xe lại chạy tốt. Khi tới ngầm Thanh Lạng, bị địch đánh phá, sức ép của bom làm máu trong miệng trào ra, ông cố gắng giữ vững tay lái cho xe vượt qua ngầm, tiếp tục đưa đoàn cán bộ tới nơi tập kết an toàn, đúng thời gian quy định
Thấm sâu lời dạy Bác Hồ "Yêu xe như con, quý xăng như máu", Lê Duy Cận trở thành người tiêu biểu của đơn vị về bảo quản, sử dụng xe tốt nhất. Ông đã lái xe chạy trên 41 nghìn km bảo đảm an toàn tuyệt đối người và hàng. Người chiến sĩ lái xe ấy chịu khó thu nhặt từng chiếc ốc, sợi dây điện và những phụ tùng cần thiết ở những chiếc xe hỏng khác về tự sửa chữa chiếc xe cũ nát và “uống xăng như nước lã” của mình. Sau một thời gian, chiếc xe của ông chạy tốt, hạ mức ăn xăng xuống chỉ còn 29 lít/100km, rồi 25 lít/100km. Trong 4 năm, Lê Duy Cận đã tiết kiệm được 805 lít xăng, lập kỷ lục tiết kiệm xăng nhiều nhất trong toàn lực lượng.
Năm 1978, từ Tiểu đoàn 22 Công an nhân dân vũ trang, Lê Duy Cận được điều động về Cục Hậu cần, đảm nhiệm vị trí Phó Trưởng phòng Chính trị và được cử đi học tại Học viện Hậu cần. Năm 1988, ông được lực lượng cử đi học nghiệp vụ tại Liên Xô. Hoàn thành khóa học, năm 1989, ông được bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Hậu cần BĐBP.
Đảm nhận vị trí quan trọng giữa thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn do bị cấm vận, ngân sách Nhà nước cấp cho BĐBP có hạn, song, xuất phát từ những đặc điểm hoạt động, chiến đấu của lực lượng, ông cùng tập thể Đảng ủy, chỉ huy Cục Hậu cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hướng về cơ sở, phục vụ đắc lực cho chiến đấu và công tác, phát huy tinh thần tự lực tự cường, cần, kiệm... Từ đó, công tác tổ chức đảm bảo hậu cần - kỹ thuật trong BĐBP được đổi mới cho phù hợp với cơ chế quản lý mới của Nhà nước. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo ngành hậu cần toàn lực lượng đảm bảo ngân sách hợp lý cho các hoạt động chiến đấu và công tác của BĐBP ở cả ba cấp như đảm bảo công tác quân nhu, quân trang cho bộ đội; xây dựng, sửa chữa doanh trại, các công trình chiến đấu trên biển; phòng chống thiên tai, bão lụt; quản lý, sử dụng và sửa chữa trang thiết bị kĩ thuật chuyên ngành; dự trữ vũ khí, đạn dược, xăng dầu...
Là người trưởng thành từ cơ sở, nên Cục trưởng Lê Duy Cận rất hiểu thực tế sinh hoạt, chiến đấu của anh em. Ông thường xuyên đi kiểm tra thực tế tại các đồn trạm, cùng anh em nghiên cứu phương pháp đảm bảo hậu cần toàn diện, tạo nguồn tại chỗ từ hoạt động tăng gia sản xuất, tổ chức nuôi gia súc theo đàn lớn, thành lập các trại sản xuất... Từ cơ chế bao cấp, phụ thuộc vào các đợt cấp phát từ trên xuống, công tác hậu cần đã từng bước được tiêu chuẩn hóa, tiền tệ hóa các mặt về chuyên ngành, nghiệp vụ; kết hợp giữa đảm bảo bằng kinh phí và đảm bảo bằng hiện vật. Bên cạnh đó, được sự hướng dẫn về nghiệp vụ và sự mở đường của Cục Hậu cần, các đơn vị trong toàn lực lượng đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tìm hướng đi mới cho phát triển kinh tế tập trung và linh hoạt khai thác đảm bảo hậu cần tại chỗ cho các đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa.
Trong công tác cũng như trong sinh hoạt, Lê Duy Cận luôn nêu cao vai trò gương mẫu, khiêm tốn, giản dị, chịu khó học tập, cầu tiến bộ, được tập thể yêu mến và giúp đỡ. Ông đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 3 năm liên tục là Chiến sĩ thi đua (1966 - 1968), được tặng 19 Bằng khen và Giấy khen. Ngày 25 tháng 8 năm 1970, Lê Duy Cận được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Một trong những thành công của ngành hậu cần BĐBP giai đoạn này (có vai trò đáng kể của Cục trưởng Lê Duy Cận) là việc Quân y BĐBP đã khắc chế thành công tình trạng sốt rét đáng báo động trong cán bộ, chiến sĩ tại cơ sở. Ông tâm sự, khi được bổ nhiệm làm cán bộ cục, ông đã luôn đau đáu với tâm nguyện phải làm cách nào giảm tỷ lệ anh em hy sinh vì sốt rét hằng năm xuống càng nhiều càng tốt. Ông đã động viên các cán bộ quân y giỏi tìm tòi, nghiên cứu các bài thuốc dân gian, từ đó tìm ra cách chiết xuất dược liệu từ cây thanh hao hoa vàng để chữa sốt rét. Công trình nghiên cứu thành công, Cục trưởng Lê Duy Cận báo cáo Thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP cho phép xây dựng cơ sở sản xuất thuốc viên nén trị sốt rét tại kho 101, với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của lực lượng.
Năm 2000, Cục trưởng, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Duy Cận nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Là người ham hoạt động cộng đồng, ông tiếp tục tham gia Ban liên lạc hưu trí, Ban liên lạc truyền thống BĐBP và nhiều tổ chức hội khác. 10 năm liền, ông đảm nhận vai trò Bí thư chi bộ tổ dân phố và luôn năng nổ tham gia xây dựng khu dân cư văn hóa, tổ chức Đảng vững mạnh tại địa phương.
Yến Nhi