Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:34 GMT+7

Người anh hùng bên bờ sông Bến Hải

Biên phòng - Đại tá Trương Chí Cương (tức Xà), sinh năm 1935, nhập ngũ năm 1953. Khi ở bộ đội cũng như lúc chuyển sang Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), Trương Chí Cương luôn gương mẫu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Thời kỳ hoạt động công khai (1954 - 1962) là chiến sĩ bảo vệ Giới tuyến Quân sự tạm thời (Vĩnh Linh) - nơi thường xuyên đối mặt với kẻ thù, Trương Chí Cương luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, bảo vệ Đảng và cách mạng, góp phần bảo vệ trật tự an ninh khu vực giới tuyến.

wn5u_6a
Đại tá Trương Chí Cương, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Từ năm 1963, do yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng, Ban Chỉ huy CANDVT Vĩnh Linh quyết định Trương Chí Cương tham gia hoạt động bí mật ở bờ Nam giới tuyến quân sự tạm thời, làm Tổ trưởng giao thông liên lạc giữa vùng căn cứ với vùng địch kiểm soát; bảo vệ cán bộ cấp trên qua lại công tác với các cơ sở bí mật địa phương; diệt trừ ác ôn, gián điệp, biệt kích, phá ấp chiến lược, nhằm phá thế kìm kẹp, đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng bờ Nam sông Bến Hải.

Nam giới tuyến vốn là vùng đồng bằng, dân cư đông đúc, nhưng kẻ địch đã xua đuổi dân đi nơi khác để chúng lập khu phi quân sự. Địch xây dựng nhiều đồn bốt, kiềm chế nhân dân rất chặt chẽ và lập nhiều tổ chức chống phá cách mạng. Chúng lập những ấp chiến lược trở thành phòng tuyến dân sự và thường xuyên có các đội lính tuần tra, canh gác rất cẩn mật. Trên các tuyến đường mà địch nghi lực lượng vũ trang của ta có thể lọt vào được thì chúng đều xây dựng các trạm gác, canh phòng, kiểm soát chặt chẽ. Do địch kiểm soát và o ép nghiêm ngặt nên các cơ sở cách mạng của ta hầu hết bị phá vỡ, vì thế, công tác giao thông liên lạc qua lại sông Bến Hải gặp muôn vàn khó khăn, nguy hiểm.

Được cấp trên giao nhiệm vụ vượt sông giới tuyến sang bờ Nam hoạt động bí mật, Cương rất phấn khởi và có kế hoạch tỉ mỉ thực hiện, anh thường xuyên nắm chắc sự chỉ đạo của cấp trên và tranh thủ ý kiến của anh em trong Tổ giao thông. Sau mỗi chuyến công tác, Cương đều cho anh em trong tổ rút kinh nghiệm và bổ sung phương án hoạt động trong lòng địch. Cương đã dày công nghiên cứu địa hình, địa vật, thời gian hoạt động cho thích hợp và vượt sông Bến Hải bảo đảm an toàn. Những lúc rảnh rang, Cương thường cùng anh em trong tổ tập bơi có phao và không có phao, tập bơi thuyền trên sông đi theo nhiều cách khác nhau, làm thế nào để đổ bộ lên bờ Nam giới tuyến nhanh nhất, tránh không cho kẻ thù phát hiện. Cương còn nghiên cứu quy luật hoạt động, tiếng kêu của chim, cò, ếch, nhái ở hai bờ sông để phán đoán và xử lý khi có địch. Nhờ nắm được quy luật hoạt động của sinh vật nên Cương đã biết được quy luật hoạt động của địch: Mỗi khi địch hoạt động ở khu vực nào, đoạn sông nào thì quân số ở đồn của chúng còn rất ít. Lúc đó, anh em trong tổ vượt sông Bến Hải sẽ lọt vào xóm gặp cơ sở bí mật dễ dàng, địch không phát hiện được.

Khi địch phục kích thì bao giờ cũng chiếm địa hình có lợi, súng tiểu liên của địch đặt sát mặt đất, nếu ta dùng súng bắn địch thì không kết quả mà phải dùng lựu đạn ném phủ đầu, buộc địch phải chúi đầu xuống và có bắn thì bắn vọt lên cao, ta tiến vào an toàn. Nắm được quy luật đó, tổ của Cương nhiều lần vượt giới tuyến quân sự bị địch phục kích, nhưng anh em vẫn bảo đảm an toàn. Kinh nghiệm đó được địa phương rất hoan nghênh và áp dụng rộng rãi, đạt hiệu suất cao trong chiến đấu. Nhờ tinh thần tích cực rút kinh nghiệm và thường xuyên phát huy sáng kiến công tác nên tổ của Cương có năm vượt sông giới tuyến Bến Hải đến 200 lần. Có tuần vượt sông 5, 6 lần đưa đón cán bộ, thư từ bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Để đưa đón cán bộ chu đáo và an toàn tuyệt đối, ngoài việc thường xuyên giáo dục tư tưởng chính trị cho chiến sĩ, Trương Chí Cương còn cho anh em tập dượt các phương án cất giấu và lấy tài liệu; khi gặp địch hoặc bị địch bắt thì cất giữ và thủ tiêu ra sao, huấn luyện cho anh em dùng các tín hiệu, mật hiệu công tác, thành thạo các công việc của người làm nhiệm vụ giao thông liên lạc trong vùng địch kiểm soát.

Với tinh thần trách nhiệm cao, ý thức chiến đấu kiên cường, dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng hy sinh để vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, Trương Chí Cương đã cùng tổ xây dựng và bảo vệ tốt đường dây giao thông từ bờ Bắc vào Nam, góp phần đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng ở bờ Nam giới tuyến. Kinh nghiệm công tác của tổ Trương Chí Cương có tác dụng phục vụ trực tiếp cho việc đánh địch trước mắt và lâu dài ở cả hai miền Nam - Bắc. Nó còn mở ra cho ta biết được phương thức hoạt động giao thông liên lạc, trinh sát ngoại biên.

Được cơ sở bí mật bờ Nam giúp đỡ, kết hợp với các lực lượng quần chúng, Trương Chí Cương đã tham gia phá nhiều ấp chiến lược mà tiêu biểu là lần phá ấp Cao Xá. Thôn Cao Xá trong kháng chiến chống Pháp và 10 năm liên tục nằm trong vùng địch tạm chiếm, bọn đế quốc và tay sai cho là một thôn an toàn nhất của chúng (vì thôn này không còn cơ sở cách mạng). Địch tuyên truyền rùm beng là thôn này đang được chính quyền ngụy chuẩn bị tuyên dương công trạng để gây ảnh hưởng. Đây là một thôn có nhiều tên ác ôn, gián điệp, thám báo...

Muốn đột nhập thôn này phải vượt qua 2 con sông và một cánh đồng lầy. Đường vào, lối ra anh em trong tổ chưa ai biết mà kẻ địch cũng canh phòng rất cẩn mật. Trước yêu cầu của Huyện ủy: “Bằng mọi giá cũng phải đột nhập vào được thôn này”. Nhiệm vụ nặng nề và vô cùng khó khăn nhưng Trương Chí Cương không hề ngần ngại, anh đã lập kế hoạch, cho anh em trong tổ tập dượt các phương án và phân công công việc cụ thể cho từng chiến sĩ. Ngoài nhiệm vụ chung, Cương còn nhận dẫn đầu mũi xung kích. Theo kế hoạch, đêm đột nhập vào Cao Xá, đội hoạt động vũ trang của Cương đã tiến hành nhiệm vụ rất tốt và vượt yêu cầu đề ra. Kết quả đào được 3 ụ chướng ngại, chôn một số mìn, cắm biểu ngữ, rải truyền đơn, treo trên 100 lá cờ Mặt trận giải phóng miền Nam, bắn 42 phát đạn, ném 4 quả lựu đạn vào nhà bọn nghĩa quân, toàn tổ rút lui an toàn về căn cứ.

Đại tá Trương Chí Cương, quê xã Hương Thanh, huyện Hương  Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong quá trình công tác, anh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì; 1 Huân chương Chiến thắng hạng Nhì; 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang Nhất, Nhì, Ba; 3 năm liền là Chiến sĩ thi đua; nhiều Bằng khen, Giấy khen của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh BĐBP.

Qua vụ đó làm cho địch lo sợ, rất hoang mang và thôn Cao Xá dần dần được tiếp xúc với cán bộ cách mạng, tư tưởng nhân dân được giác ngộ, nhiều cơ sở bí mật được xây dựng và tổ chức hoạt động trong lòng địch. Trương Chí Cương còn trực tiếp diệt được 4 tên ác ôn nguy hiểm khét tiếng. Lần diệt tên trùm xã ác ôn, gián điệp Trương Đình Nghi là tiêu biểu về tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của Trương Chí Cương. Nghi là một tên phản bội cách mạng, đầu thú, theo địch chống phá ta rất kịch liệt. Nhưng diệt được Nghi không phải là dễ dàng vì hắn thường xuyên thay đổi chỗ ngủ và có lính bảo vệ cẩn thận. Sau một thời gian nghiên cứu quy luật hoạt động, đi lại về ăn nghỉ của Nghi, được cơ sở bí mật giúp đỡ, Trương Chí Cương đã đóng giả trung úy cảnh sát dã chiến của địch, cùng đồng đội đột nhập vào đúng nơi ngủ đêm của Nghi, trói hắn lại và nhét giẻ vào miệng rồi đọc Lệnh tử hình của Mặt trận giải phóng miền Nam và diệt hắn tại chỗ. Sau vụ này, nhân dân địa phương rất tin tưởng và phấn khởi giúp đỡ cách mạng.

Ngày 1-1-1967, Trương Chí Cương đã được Quốc hội, Chính phủ tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, khi ấy anh mang quân hàm Thượng sĩ. Anh là một trong 5 chiến sĩ CANDVT lần đầu tiên được tuyên dương anh hùng.

Mạnh Vũ

Bình luận

ZALO