Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:04 GMT+7

Ngừng sử dụng amiang để giảm gánh nặng bệnh tật

Biên phòng - Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, amiang là chất gây ung thư. Phần lớn các nước trên thế giới đã cấm sử dụng amiang trắng. Trong khi đó, tại Việt Nam, amiang vẫn còn sử dụng trong các sản phẩm công nghiệp, nhất là sản phẩm tấm lợp fibro ximăng.

grpt_13
Tấm lợp làm từ vật liệu amiang là vật liệu chủ yếu được đồng bào dân tộc thiểu số lựa chọn để lợp mái nhà. Ảnh: Bích Nguyên

Mỗi năm có khoảng 2.000 người Việt Nam chết do amiang trắng

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã tuyên bố, amiang là chất gây ung thư, nhất là ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng, ung thư trung biểu mô và bệnh bụi phổi amiang trong suốt nhiều thập kỷ qua. Năm 2004, WHO ước lượng, trên 100.000 người chết mỗi năm do tiếp xúc với amiang. 

Gần đây, nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBDS) ước tính, số lượng người chết do amiang trên thế giới là khoảng 220.000 người mỗi năm. Châu Âu và Mỹ hiện phải chịu phần lớn gánh nặng các bệnh liên quan tới amiang toàn cầu do hậu quả của việc sử dụng quá nhiều amiang trong các thập kỷ trước. Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu cũng cho biết, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 2.000 người chết do amiang trắng. 

Trong nhiều thập kỷ qua, các bằng chứng khoa học đều chỉ ra, rõ ràng phơi nhiễm sợi amiang tại nhà, nơi làm việc hay ở ngoài môi trường đều có thể gây ra ung thư bụi phổi, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, ung thư thanh quản và buồng trứng. WHO đã chỉ ra rất rõ ràng không có mức độ phơi nhiễm an toàn. Amiang trắng mang tính chất gây ung thư dù bất kể đến từ đâu. 

Phần lớn các bệnh ung thư trung biểu mô là do tiếp xúc với amiang. Khoảng 80% bệnh nhân ung thư trung biểu mô đã có một số tiếp xúc trong công việc với amiang. Trong khi việc phơi nhiễm với sợi amiang là nguyên nhân trực tiếp gây ung thư phổi. 

Theo tài liệu của Tổ chức Nhân dân vì y tế, giáo dục và phát triển hải ngoại của Australia, điều đáng lo ngại là bệnh ung thư và các bệnh khác liên quan đến amiang có thể cần tới vài thập kỷ để phát triển sau khi bị phơi nhiễm. Đối với những quốc gia tại châu Á chỉ mới tiêu thụ amiang những thập kỷ gần đây thì trong tương lai, đây sẽ là đại dịch ung thư nếu không chấm dứt ngay việc sử dụng amiang.

Australia được biết đến là nước có mức độ tiêu thụ amiang trắng bình quân đầu người cao nhất trên thế giới, (năm 1970). Hậu quả là, hiện tại, Australia là một trong những nước có tỉ lệ tử vong do mắc bệnh ung thư trung biểu mô cao nhất trên thế giới.

Ông San McCardle, Giám đốc cơ quan An toàn và Loại từ amiang Australia cho biết, Chính phủ Australia  khẳng định, phơi nhiễm amiang trắng gây ra một loạt các bệnh ung thư và các bệnh khác ở người, xảy ra chủ yếu thông qua đường hô hấp khi các sợi siêu nhỏ đi vào phổi. Ước tính mới nhất về gánh nặng bệnh tật do amiang gây ra ở Australia duy trì ở mức 4.000 ca tử vong mỗi năm.

Còn tại Nhật Bản, theo ông Naoki Toyama, Trung tâm Sức khỏe và an toàn nghề nghiệp Tokyo, Nhật Bản phơi nhiễm amiang đã và đang gây ra những hậu quả nặng nề. Năm 1995, Nhật Bản ghi nhận có 500 trường hợp chết do ung thư trung biểu mô. Đến năm 2016, con số này tăng lên 1.550 trường hợp. Và hằng năm, khoảng 1.000 lao động được coi là nạn nhân bị ảnh hưởng bởi những vấn đề liên quan đến amiang.

64 nước đã cấm việc sử dụng amiang trắng

Sợi amiang cực nhỏ rất nguy hiểm khi được đưa vào không khí, gạch, tấm lợp chứa amiang hay các sản phẩm có chứa amiang khác bị hỏng, cải tạo hoặc bị tàn phá do thiên tai hay thảm họa do con người gây ra. Vì lý do này, nhóm Ngân hàng thế giới, các tổ chức nhân đạo và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn đã khuyến cáo các vật liệu chứa amiang bao gồm cả các sản phẩm xây dựng amiang không  được dùng để cứu trợ thiên tai.

Ông Xan Mác Các-đơ cho biết, kể từ năm 2003, Chính phủ Australia đã cấm nhập khẩu hàng hóa có chứa tất cả các dạng amiang. Chính phủ Australia coi những chất thải có chứa amiang là chất thải nguy hại. Việc thu gom phế thải có chứa amiang được thực hiện rất cẩn thận. Phế thải chứa amiang được xử lý tại các bãi xử lý đã được đăng ký với Nhà nước, sau đó được chôn lấp ở những hố rất sâu.

Chính phủ Australia cũng có những chính sách, pháp luật để phòng ngừa việc tiếp xúc với amiang và có những quy định để cộng đồng tránh bị ảnh hưởng bởi amiang, khi họ sống trong những ngôi nhà quá cũ và được xây bằng những vật liệu có chứa amiang. Còn ở Nhật Bản, amiang đã bị cấm sử dụng trong xây dựng từ năm 2004. Đến năm 2012, amiang bị cấm sử dụng trên tất cả mọi lĩnh vực.

Đa số các quốc gia trên thế giới đã chính thức cấm sử dụng hoặc không còn sử dụng amiang trắng trong sản xuất công nghiệp vì gây ung thư chết người của nó đối với người lao động và cộng đồng. Trong năm 2015, chỉ có 87 quốc gia báo cáo về việc tiêu thụ amiang thô và hầu hết trong số này tiêu thụ một lượng rất nhỏ. Có ít hơn 15% trong số 195 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc sử dụng hơn 1.000 tấn amiang trắng trong năm 2015. Trong năm đó, chỉ có 7 quốc gia trên thế giới sử dụng hơn 50.000 tấn (đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Uzbekistan, Nga và Brazil). Châu Á hiện là khu vực tiêu thụ amiang trắng nhiều nhất, chiếm hơn 75% lượng tiêu thụ hàng năm của thế giới.

Ông San McCardle cho rằng, Australia giống như là một bài học kinh nghiệm hay là một ví dụ mà Việt Nam có thể học theo để chúng ta tránh, không phải hứng chịu những hậu quả như Australia  đang phải gánh chịu hiện nay. “Và chúng ta có thể bắt đầu đưa các lệnh cấm sử dụng amiang để tránh hậu quả trong tương lai” - Ông San McCardle nói.

PGS. TS Hoàng Mạnh Hùng, Hội Hóa học Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cho biết, qua 100 năm nghiên cứu, các nhà khoa học mới rút ra được tác hại nguy hiểm của amiang trắng. Nguy hiểm lớn hơn đối với nhân loại là sợi amiang rất khó tiêu hủy. Hàng triệu người sẽ phải hứng chịu sợi amiang qua nước mưa hay bụi bay...

Theo ông Hùng, nước ta cần nhìn thấy những tác hại mà amiang đã mang đến cho các nước khác để từ đó tiến tới chấm dứt sử dụng loại vật liệu độc hại này, để cuộc sống của người dân tốt hơn. Các tổ chức xã hội, mỗi người dân cần có đóng góp, Chính phủ phải quyết liệt hơn, có tầm nhìn chiến lược trong việc xử lý amiang. 

Một trong những hành động đầu tiên của nước ta là ngày 1-1-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 01/NQ-CP, trong đó, giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng “Xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiang trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiang từ năm 2023”. Ngày 7-8-2018, Ủy ban Dân tộc ký Quyết định 476/QĐ-UBDT phê duyệt về kế hoạch tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số dừng sử dụng tấm lợp amiang trắng.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO