Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 25/09/2023 11:09 GMT+7

Ngư trường Hoàng Sa -"Sóng dữ không đến từ thiên tai"

Biên phòng - Trời yên, biển lặng, song ngư dân đánh bắt trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa vẫn không một phút yên bình. Hơn hai tháng qua, nhiều tàu cá của ngư dân Bình Châu (Quảng Ngãi) đi về không còn đúng lịch trình, ngược lại, mỗi chuyến đi biển của ngư dân luôn tiềm ẩn đầy bất trắc.

7mvp_14
Các ngư dân đang trình báo với BĐBP sau khi được cứu nạn vào bờ. Ảnh: Văn Tánh

Những con tàu hành nghề từ Hoàng Sa trở về mang trên mình đầy thương tích, tiếng máy nổ lạch cạch phun khói đen mù mịt, mạn trái, mạn phải, ca bin bị vỡ toác, thiết bị khai thác hải sản trên tàu bị tháo gỡ, băm nát, hải sản, lương thực, nước ngọt dự trữ bị thu giữ hoặc trộn hóa chất lạ. Xót xa hơn, một trong nhiều con tàu ấy đã nằm lại giữa biển khơi, 6 ngư dân may mắn thoát chết. Đó là hành động mà nhân viên trên các tàu quân sự nước ngoài hoạt động phi pháp trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam đối xử với ngư dân và những con tàu vô tội vốn chỉ biết khai thác hải sản mưu sinh. Những con tàu sắt nước ngoài hung hăng thường xuyên rình mò, rượt đuổi, tông va tàu vỏ gỗ của ngư dân ta, đẩy bà con vào thế oằn mình chống đỡ.

Ngư dân mất "đầu cơ nghiệp"

Quá nửa đời bám biển làm thuê, năm 2015, ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cùng con trai là Nguyễn Tấn Hòa dồn vốn liếng tích cóp, vay nợ ngân hàng 1,5 tỉ đồng đóng con tàu 400 mã lực vươn khơi mưu sinh, nuôi cả gia đình. Ba năm qua, công việc làm ăn trên biển bấp bênh, nợ nần chưa trả được bao nhiêu thì ngày 20-4 vừa qua, ông đã phải ngậm ngùi nhìn con tàu của mình đắm dần trên vùng biển Hoàng Sa vì hành động vô nhân đạo của tàu nước ngoài.

Nước mắt lưng tròng, chủ tàu cá QNg 90332 kể lại phút sinh tử trên vùng biển mà ông khẳng định là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông Ngọt cho biết: Khoảng 8 giờ, ngày 20-4, khi tàu đang đánh bắt tại tọa độ 16 độ 36 phút vĩ Bắc - 112 độ 43 phút kinh Đông, cách đảo Linh Côn - Hoàng Sa khoảng 7 hải lý về hướng Đông Đông Nam thì bất ngờ xuất hiện 2 tàu vỏ sắt sơn màu trắng, ghi dòng chữ China, số hiệu 46001 và 45103 chạy về hướng tàu mình với tốc độ cao. Linh tính mách bảo có việc chẳng lành, ông kêu con trai là Thuyền trưởng Nguyễn Tấn Hòa kéo ga tăng tốc. Thế nhưng không còn kịp nữa, 2 con tàu vỏ sắt chiều dài chừng 50m, cao khoảng 7-8m đã áp sát 2 bên, kẹp con tàu ông vào giữa, tông, va liên tục hơn 1 giờ đồng hồ. Những cú va chạm mạnh, làm tàu cá QNg 90332 hỏng máy, bể ván, dợp đường hồ..., nước tràn vào các khoang.

Ông Ngọt nói: "Khi máy tàu tôi bị chết, lập tức 5 người mặc đồng phục xanh đen, trang bị vũ khí nhảy sang tàu dùng dùi cui dồn chúng tôi về mũi tàu, bắt cùm tay lên đầu rồi ghi họ tên, lăn tay, lục soát... Lúc bọn chúng qua tàu sắt chạy về đảo Linh Côn, tàu tôi chìm dần giữa biển". Mặc dù bị đàn áp, nhưng ông vẫn huy động thuyền viên trên tàu nỗ lực tát nước, tìm mọi cách chống chìm, nhưng không có kết quả.

May mắn cho ông và những người đi cùng là trong phút sinh tử, ngư dân Nguyễn Chính, Thuyền trưởng tàu cá QNg 90592 TS đã nhận được tiếng kêu cứu nạn trên máy icom và nhanh chóng tổ chức tìm kiếm. Ngừng câu chuyện tai nạn trong nỗi uất nghẹn, ông Ngọt lo lắng: "Vào đến bờ, tính mạng anh em trên tàu an toàn, mừng lắm, nhưng tài sản đã mất hết rồi. "Con tàu là đầu cơ nghiệp" mà "cơ nghiệp" đã nằm dưới đáy biển thì lấy gì sinh sống. Bản thân tôi đã đành, nhưng còn nhiều người sống theo con tàu!".

Không chỉ ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt, mà trước đó đã có rất nhiều ngư dân ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn bị tàu nước ngoài uy hiếp trên vùng biển Hoàng Sa. Có thể kể đến trường hợp Thuyền trưởng tàu cá QNg 90440 Đặng Duy Bình, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu.

Theo ngư dân Bình trình bày: Khoảng 10 giờ, ngày 22-3-2018, ông cùng 7 lao động đang neo phương tiện trú gió tại khu vực đảo Đá Lồi, thuộc quần đảo Hoàng Sa thì xuất hiện 2 tàu quân sự nước ngoài sơn màu trắng, số hiệu 46106 và 45103 vây đuổi, tông vào tàu, làm hư hỏng nhiều chỗ quanh thân tàu. Sau những cú đâm va "dằn mặt", tàu sắt thả 2 ca nô chở theo 8 người leo lên tàu cá khống chế ngư dân về trước mũi tàu. 8 người này mang mặc, trang bị và hành động không khác gì so với số người đi trên 2 tàu 46001 và 45103 đã tông chìm tàu cá ngư dân Ngọt.

Sau khi khống chế ngư dân, chúng thả sức lục soát đập phá và thẳng tay tháo gỡ thiết bị phục vụ liên lạc, sản xuất trên tàu... Chúng biến ngư lưới cụ vô tri thành tội đồ để thi nhau chặt chém và sử dụng vũ khí uy hiếp, ép buộc ngư dân chuyển sang tàu của chúng hơn 6 tấn hải sản, số hải sản mà họ phải bán mặt cho nước, bán lưng cho trời trên 20 ngày mới khai thác được. Trở về đất liền, trong khoang thuyền trống rỗng, tinh thần căm phẫn, oan ức...

Thuyền trưởng Bình phẫn nộ: “Hành động của chúng quá tàn độc. Chúng lấy tài sản của mình đã đành, nhưng dùng hóa chất đổ vào nước uống làm cho anh em trên tàu phải nhịn đói, chịu khát mấy ngày liền. Bọn chúng làm như vậy thì ngư dân trắng tay, mà tính mạng nhiều lúc cũng mong manh giữa biển”.

Quyết tâm bám giữ “ao nhà”

Vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Quảng Ngãi nói chung và ngư dân Bình Châu nói riêng. Không chỉ bây giờ mà từ xưa đến nay, bà con xem đây là "ao nhà" của mình. Thế nhưng, năm nào họ cũng bị cướp phá, uy hiếp ngay trên vùng biển của mình. Ra biển, ngư dân không thể yên tâm khai thác hải sản, phải thường xuyên cảnh giới, bởi chỉ lơ là mất cảnh giác thì tính mạng, tài sản của họ bị đe dọa nghiêm trọng.

Ngư dân Nguyễn Chính, sinh năm 1977, Thuyền trưởng tàu cá QNg 90592 cho biết: “Tôi là thế hệ thứ tư trong gia đình có truyền thống đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa. Những năm gần đây, chúng tôi thường xuyên bị những con tàu đó hành hung, quấy phá... Nhưng mình là ngư dân thì phải ra biển, bám ngư trường, bảo vệ ngư trường thuộc chủ quyền biển đảo Việt Nam. Không làm ở Hoàng Sa, ngư dân mình biết đi đâu. Chúng có đe dọa đuổi đánh thì ngư dân mình vẫn quyết bám biển quê hương Việt Nam cho đến cùng”.

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi, từ tháng 3-2018 đến nay, đã có 26 tàu cá với gần 200 ngư dân trong tỉnh bị tàu nước ngoài tấn công khi hành nghề ở vùng biển Hoàng Sa. Riêng xã Bình Châu, có 18 tàu cá bị tàu nước ngoài tông va, cướp phá tài sản, trong đó, 1 tàu và 6 ngư dân bị chìm. Thiệt hại kinh tế của ngư dân ước tính hàng tỉ đồng, còn thiệt hại về tinh thần thì không gì có thể bù đắp được. Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, ông Nguyễn Thanh Hùng kịch liệt phản đối hành động của người và phương tiện của nước ngoài đàn áp ngư dân Việt Nam.

Ông Hùng nói, đây là vùng biển truyền thống của ngư dân Việt Nam. Vùng biển này đã nuôi sống ngư dân từ đời này qua đời nọ, nhưng việc lao động sản xuất của ngư dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì những hành động thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế của lực lượng chức năng nước ngoài. Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu nói: “Hành vi đổ hóa chất vào thức ăn, nước uống của ngư dân là vô nhân đạo, trực tiếp đe dọa tinh thần, an toàn tính mạng đối với ngư dân. Đây là thủ đoạn mới của lực lượng quân sự nước ngoài uy hiếp trực tiếp đến tính mạng của ngư dân, làm cho họ không còn thức ăn, buộc phải quay về bờ và hòng làm nản lòng, nhụt chí bám biển Hoàng Sa của ngư dân”.

Ông Hùng đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân trong hoạt động lao động sản xuất trên biển; đấu tranh, ngăn chặn những hành động tương tự của tàu quân sự Trung Quốc để ngư dân Bình Châu cùng ngư dân Quảng Ngãi yên tâm vươn khơi, bám biển.

Văn Tãnh

Bình luận

ZALO