Biên phòng - Đón Tết giữa biển trên những con tàu cá ra khơi xuyên từ cuối tháng Chạp qua ngày Tết Nguyên đán chẳng còn xa lạ gì với ngư dân các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, vì cuộc mưu sinh, bà con vẫn lênh đênh trên những chiếc tàu, đón khoảnh khắc giao thừa ngoài khơi xa.

Đón Tết giữa mênh mông biển cả
Cả năm chỉ có mấy ngày Tết, chẳng ai muốn xa nhà, thế nhưng ở xã biển Nghĩa An (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi), có những ngư dân chấp nhận đón Tết trên những con tàu đánh cá giữa muôn trùng khơi. Cảng cá xã Nghĩa An những ngày cuối cùng của năm vẫn rộn ràng. Bởi năm nay với ngư dân làng chài này là một mùa biển no ấm.
Sau 2 năm đại dịch Covid-19 đã khiến nghề biển của ngư dân các tỉnh miền Trung gặp nhiều khó khăn, thế nên tranh thủ trời yên biển lặng, ngư dân lại ra khơi. Anh Võ Ngọc Hòa, ngư dân ở thôn 5, xã Nghĩa An vừa kiểm tra lại chiếc tàu cá của mình, vừa cho biết: “Chẳng ai muốn xa gia đình trong những ngày Tết nhưng công việc là công việc, cứ đến đúng buổi, đúng ngày là chúng tôi phải ra khơi. Biển đâu có biết Tết nhất mà chờ chúng tôi ăn Tết xong mới đi được. Ở đây có nhiều người đã có đến chục lần đón giao thừa trên biển”.
Việc đón Tết của ngư dân xã Nghĩa An cũng như nhiều ngư dân khác ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa... diễn ra vào những thời điểm đặc biệt nhất. Theo nhiều ngư dân, vào thời điểm Tết Nguyên đán, luồng cá từ ngoài khơi xa bắt đầu về, nếu không tranh thủ thì sẽ chẳng thu được bao nhiêu. Anh Hòa cho biết, hầu như năm nào ngư dân xã Nghĩa An cũng “làm cú chót” rồi mới về đón Tết. Bản thân anh Hòa cũng đã có 6 năm rồi chưa đón Tết ở nhà.
Những lời chúc Tết giữa biển trời quê hương
Cũng nhiều lần đón Tết trên biển, anh Trương Văn Phả đang luôn tay sửa lại chiếc lưới. Anh hào hứng cho biết, chuyện đón giao thừa trên biển không kém ở đất liền. Thời điểm ấy, các ngư phủ lênh đênh trên những con sóng dập dềnh, bốn phía biển đêm đen kịt, chỉ có chiếc Icom sử dụng được nên các nhóm, tổ tàu đánh cá định vị để tìm nhau. Những tàu cá từ khắp mọi miền đất nước tìm thấy nhau qua định vị hoặc ở gần nhau thì sẽ tập trung một điểm. Nếu biển êm, vài chiếc tàu buộc dây chụm lại như một xóm chài thu nhỏ trên biển để đón Tết cùng nhau.

Hầu như tất cả các tàu đi biển thời điểm trong đêm giao thừa và ngày mùng một Tết đều buông neo, tạm nghỉ xả hơi một ngày. Họ cũng “xông đất”, nhưng là bước qua tàu của ngư dân khác để lì xì, chúc nhau năm mới được mùa. Và trong câu chuyện đầu năm mới, bao giờ cũng là những chuyện về luồng cá, về ngư trường, về cuộc sống gia đình, về vùng biển, đảo yêu thương của Tổ quốc. Có nhiều chàng trai chưa vợ lần đầu tiên ăn Tết trên biển cứ ngơ ngác như con tàu lạc hướng, may mà có nhiều ngư phủ lão luyện tâm sự sẻ chia nên cũng dần nguôi ngoai.
Anh Phan Văn Thường, một ngư dân có kinh nghiệm hơn 20 năm đi biển chia sẻ, bình thường khi lên tàu lênh đênh cả tháng ngoài biển chẳng ai đem theo tiền, bởi chẳng có gì để trao đổi mua bán. Nhưng những chuyến biển đi ngày Tết thế này, bao giờ chủ tàu và các ngư dân cũng mang theo một ít tiền, để đến lúc đón năm mới thì mừng tuổi cho nhau. Đặc biệt là với những chủ tàu, họ mang theo tiền để thưởng cho những người “đi bạn” nhằm khuyến khích họ tích cực hơn trong công việc. Các thủy thủ sau khi nhận được tiền mừng tuổi của chủ tàu, họ cũng mừng lại và cầu chúc cho tàu bình yên trước bão tố, chủ tàu thu được nhiều nguồn lợi thủy sản và giúp cho họ có được thu nhập ổn định hơn.
Sau những lời chúc, họ quây quần lại với những ly rượu đầu năm pha lẫn chút mùi của biển. Ít hạt dưa, kẹo, mứt, nhưng mồi nhắm thì… ôi thôi, cả khoang tàu ấy, đủ các loại cá còn tươi roi rói, muốn ăn thì vào mà lấy con ngon nhất để nướng, luộc... Bữa tiệc thịnh soạn chỉ toàn đồ biển, nhấm nháp rồi ca hát. Họ cũng “đi chơi Tết”, nhưng xa nhất chỉ… vài chục mét trên các tàu và không có tục hái lộc đầu năm.

Đấy là những lúc biển êm đềm, còn những khi sóng lớn, các thuyền không thể kết lại được với nhau thành một khối, họ sẽ bật bộ Icom rồi hét to: “Chúc mừng năm mới!”. Tàu nào cũng bật máy nghe, rồi thi nhau hát mỗi tàu một bài. Rồi họ cùng vẫy cờ Tổ quốc và cùng chúc những lời tốt đẹp đầu năm. Giữa biển đêm trong giây phút giao thừa, họ cũng nhận được những lời chúc Tết đầy ấm nồng từ đất liền qua bộ đàm của BĐBP, Cảnh sát Biển...
Tuy thời gian gần đây, do sự biến động bất thường của giá xăng dầu và ảnh hưởng của dịch bệnh, một thời gian dài ngư dân các làng biển phải để tàu nằm bờ, nhưng rồi vì cuộc sống mưu sinh, họ lại ra biển, lại bám biển như nghìn đời trước cha ông đã gắn bó với biển cả. Những ngư dân vẫn vững vàng ra khơi, sống cùng biển cả bất chấp những khó khăn gian khổ, bất chấp cả những niềm vui tạm gửi lại quê nhà trong ngày Tết đến.
Ở giữa trùng khơi, những con tàu cùng lá cờ đỏ sao vàng vẫn bay phấp phới trên màu xanh thẳm, như sự khẳng định chắc nịch về chủ quyền biển, đảo của quê hương. Hy vọng cho chuyến biển ngày Tết của họ được thuận buồm xuôi gió, cá đầy khoang và những câu hát miền biển được cất lên cùng những nụ cười bội thu mùa mới…
“Đón giao thừa trên biển cũng có niềm vui riêng. Cũng tay bắt mặt mừng, những lời chúc rôm rả, những cái ôm hôn thắm thiết. Chẳng cần biết tàu của anh đến từ địa phương nào, miền Bắc hay miền Nam, chỉ cần định vị được tàu bạn ở gần tàu mình, rồi dùng Icom liên lạc với nhau và hội tụ nhau lại tại điểm gần nhất. Rồi cùng mang ra tất cả những thứ gì trên tàu để sắp mâm cơm cúng giao thừa, rồi cùng nhau chúc tụng” - anh Trương Văn Phả hào hứng kể.
Tiêu Dao