Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 02:38 GMT+7

Ngư dân thiếu dầu đi biển

Biên phòng - Khoảng 1 tuần nay, tàu cá của ông Trần Văn Hải, phường Thuận An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế phải nằm bờ do không mua được dầu DO chạy tàu. Nhiều ngư dân khác ở phường Thuận An cũng không thể ra khơi do không mua được dầu DO để nạp nhiên liệu cho tàu đánh bắt hải sản.

Ông Trần Văn Hải (bên phải) chủ tàu cá ở phường Thuận An trao đổi với phóng viên về tình hình khan hiếm dầu DO. Ảnh: Phú Minh

Tất tả tìm mua dầu

Ông Hải là chủ tàu cá TTH99613TS, công suất 1.064CV, trú tại phường Thuận An, thành phố Huế. Ông cho biết, thời gian này, nguồn lợi thủy sản trên biển rất nhiều, bà con ra khơi là có lãi. Thế nhưng, những ngày gần đây, nhiều ngư dân không thể mua được dầu DO để cho tàu ra khơi. Ông Hải làm nghề hậu cần nghề cá, mỗi lần ra khơi phải cần tới 3.000 lít dầu. “Tôi hỏi các cửa hàng đều bảo, dầu rất khan hiếm. Họ bán nhỏ giọt cho mỗi người 10 lít” - ông Hải bức xúc nói.

Vì sinh kế, ông Hải chấp nhận mua dầu với giá “chợ đen” nhưng cũng rất khó khăn. “Tôi sẵn sàng mua dầu với giá cao hơn hiện tại một chút, nhưng các cửa hàng cũng không bán. Tôi lên cả thành phố Huế cũng không mua được dầu. Tôi được biết, ở Quảng Trị vẫn có dầu bán cho ngư dân, nhưng nếu tàu của tôi chạy sang đó thì phí tổn sẽ tăng thêm 5 triệu đồng”.

Cùng cảnh ngộ với ông Hải, trong vòng 1 tuần nay, anh Dương Văn Ngà, chủ tàu cá TTH90223TS, ở tổ dân phố Tân Bình, phường Thuận An cũng phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm mua dầu nhưng đều thất bại. “Tàu của tôi có công suất hơn 900CV chuyên làm nghề dịch vụ hậu cần nghề cá. Thời gian này cá nhiều, ngư dân làm ăn có lãi, có điều giá dầu cao lại khan hiếm gây nhiều khó khăn cho ngư dân. Hơn 20 năm làm nghề biển, tôi chứng kiến nhiều lần giá nhiên liệu tăng cao khiến ngư dân lao đao, nhưng chưa lần nào khó khăn như lần này” - anh Ngà cho biết.

Anh Ngà cho biết thêm, tàu của anh thường đi thu mua cá của các tàu cá đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, mỗi chuyến đi biển thường tiêu tốn 4.000-5.000 lít dầu. “Tôi hỏi tất cả cửa hàng xăng dầu ở Thuận An đều bảo hết dầu. Lên thành phố Huế thì họ chỉ bán cho 100-200 lít, nếu mua gom số lượng ít như vậy không biết bao giờ mới đủ dầu để ra khơi. Hy vọng sau đợt điều chỉnh vừa qua, dầu sẽ đỡ khan hiếm hơn” - anh Ngà giãy bày.

Ngư dân Nguyễn Khơ, ở tổ dân phố An Hải, phường Thuận An cũng phải chạy ngược chạy xuôi để mua dầu mà không có. “Bình thường, tàu cá của tôi đi 3-4 ngày mới về bờ, mỗi lần ra khơi tiêu tốn 1.000 lít dầu. Mấy ngày nay, dầu khan hiếm quá, tôi đi 10 cây xăng thì chỉ 2 cây có dầu nhưng cũng không có nhiều. Tôi chạy khắp nơi, nhưng chỗ nào cũng hiếm dầu. Cả tuần nay, tôi mới mua gom được 300 lít. Ở phường Thuận An, 10 chiếc tàu thì chỉ 2 tàu có đủ dầu ra khơi, còn lại phải nằm bờ” - ông Khơ nói trong tiếng thở dài.

Theo các ngư dân, hiện tại, đang vào vụ cá, thời tiết thuận lợi nên nhu cầu ra khơi khai thác hải sản của bà con là rất lớn. Nếu tình trạng khan hiếm nhiên liệu kéo dài, tàu cá phải nằm bờ sẽ gây thiệt hại lớn cho ngư dân.

Nguồn cung bị gián đoạn?

Đại úy Nguyễn Minh Phú, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Thuận An, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, BĐBP Thừa Thiên Huế cho hay: “Ngư trường dồi dào tôm cá hơn thời gian trước, nhưng ngư dân lại gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu”.

Do khan hiếm, ngư dân Thuận An phải đi mua gom dầu để đủ nhiên liệu cho tàu cá ra khơi. Ảnh: Phú Minh

Cũng theo Đại úy Nguyễn Minh Phú, trên địa bàn phường Thuận An có 6 cửa hàng xăng dầu. Hiện tại, các cửa hàng đều khan hiếm dầu, nhiều tàu thuyền công suất nhỏ phải nằm bờ vì thiếu dầu. Trao đổi với chúng tôi, chủ doanh nghiệp xăng dầu Xuân Mai, ở phường Thuận An cho biết, hiện tại, nguồn cung rất khó khăn, các doanh nghiệp tư nhân không nhập được hàng để bán chứ không phải có hàng mà găm lại chờ tăng giá mới bán.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, những tàu khai thác gần bờ, đi về trong ngày thường mua dầu trước, trả tiền sau. Nhưng hiện tại, dầu khan hiếm, chủ cửa hàng xăng dầu không cho nợ mà yêu cầu trả tiền mặt luôn. Một số ngư dân không có tiền thanh toán ngay đành phải để tàu nằm bờ. Một thông tin khác chúng tôi nắm được là không chỉ ở Thuận An, một số địa phương khác như huyện Tuy Phong, thị xã La Gi… của tỉnh Bình Thuận, ngư dân cũng đang chật vật tìm mua dầu để ra khơi khai thác hải sản.

Việc ngư dân ra khơi lao động sản xuất không chỉ vì đảm bảo sinh kế, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Chính vì lẽ đó, các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để xử lý vấn đề này, đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu ổn định, ngăn chặn kịp thời tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá để trục lợi.

Được biết, trước đó, tại cuộc họp khẩn về đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên phạm vi cả nước diễn ra vào ngày 26/8/2022, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Từ đầu năm tới nay, Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu; hai là, bằng mọi cách, Bộ Công thương sẽ đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước”.

Để khẩn trương ổn định tình hình dư luận và giữ ổn định thị trường kinh doanh xăng dầu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu, phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ Công thương, đồng thời đề nghị UBND, Sở Công thương, MTTQ, các tổ chức thành viên như Hội Bảo vệ người tiêu dùng, các hiệp hội, ngành hàng, nhất là Hiệp hội xăng dầu Việt Nam tại các tỉnh, thành phố chấn chỉnh ngay các hoạt động quản lý trong hạm vi và thẩm quyền trách nhiệm của mình.

Chú trọng triển khai ngay các lực lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị kinh doanh xăng dầu, nhất là giám sát các hoạt động của thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ trên phạm vi cả nước. Nếu phát hiện sai phạm như: Dừng hoạt động kinh doanh không có lý do chính đáng; bán hạn chế về số lượng và thời gian trong ngày; các sai phạm khác thì căn cứ theo quy định của pháp luật tiến hành xử lý và đề xuất xử lý kiên quyết, đúng luật, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc cố ý vi phạm nhiều lần, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn hoặc ở mức cao thì đề nghị xử lý hình sự. Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động vận chuyển, lưu thông xăng dầu trên phạm vi cả nước và trên từng địa bàn để tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.

An Nhiên

Bình luận

ZALO