Biên phòng - Như thường lệ, sau Tết Nguyên đán, ngư dân thành phố Đà Nẵng lại “mở biển” đầu năm. Không có một ngày cố định, mỗi ngư dân chọn cho mình một ngày tốt để “cúng biển”, cầu cho một năm được nhiều “lộc” và thời tiết mưa thuận, gió mùa. Những mẻ lưới đầu tiên mang theo bao hy vọng về một năm cá, tôm đầy thuyền.

“Mở biển” - hoạt động việc cúng lễ cho chuyến đi biển đầu tiên của một năm không chỉ là phong tục, mà từ lâu đã trở thành văn hóa, tín ngưỡng của ngư dân miền Trung nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Năm nay, nhiều ngư dân ở thành phố Đà Nẵng lựa chọn ngày mùng 2 và mùng 6 tháng Giêng làm ngày tốt để cúng “mở biển”, bắt đầu cho một năm vươn khơi mới.
Có những người cúng lấy ngày, nhưng đa số ngư dân tranh thủ đi chuyến biển đầu tiên luôn sau lễ cúng. Ngay từ mùng 2, ngư dân các làng chài ở Mân Thái, Thọ Quang, Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) đã bắt đầu cúng biển. Lễ cúng diễn ra ngay trên bãi biển hoặc trên ghe, thuyền. Đồ cúng được người phụ nữ trong gia đình chuẩn bị trước đó gồm hoa quả, bánh kẹo (gọi là cúng chay).
Việc khấn cúng chỉ dành riêng cho đàn ông, phụ nữ chỉ chuẩn bị lễ, cũng không lại gần khi cúng. Trước biển cả mênh mông, người ngư phủ kính cẩn, thành tâm thỉnh cầu những điều mình mong muốn. Bài khấn cầu cho mưa thuận, gió hoà và cá, tôm đầy thuyền. Sau khi cúng, ngư dân ở lại trên ghe, chờ đến nửa đêm thì dong thuyền ra biển.
Vì đi cách bờ vài hải lý nên chỉ 5-6 giờ sáng hôm sau, những chiếc ghe nhỏ, thuyền thúng đã quay lại bờ. Ngư dân ai cũng vui mừng vì chuyến đi đầu năm không ai về tay không. Ghe, thúng cập bến cũng là lúc bãi biển Thọ Quang, Mân Thái diễn ra cảnh tấp nập mua bán. Tôm, cá, ruốc, ghẹ tươi roi rói. Tiếng cười nói, gọi nhau í ới, xôn xao cả bãi biển ngày mới.
Cảnh nhộn nhịp mua bán của ngư dân và tiểu thương “mở hàng” năm mới cũng khác với ngày thường. Người bán, người mua đều vui vẻ vì mua bán đầu năm chỉ như hành động “mở hàng” tượng trưng để cả năm “mua may, bán đắt”. Bởi vậy mà người bán, người mua ai cũng xông xênh lấy lộc. Những chiếc ghe nhỏ, đi vài tiếng, trừ tiền xăng ra, mỗi người chỉ được 5 trăm, một triệu, nhưng ai cũng cho rằng chuyến mở biển để lấy may mắn chứ không tính lỗ hay lãi, miễn là có tôm, ruốc, cá, ốc mang về.
Phiên chợ đầu Xuân trên các bãi biển đông đúc hơn vì có nhiều người dân sau khi tắm biển cũng chờ để có thể mua những con cá, ruốc tươi về nấu bữa sáng. Ông Đồng Xuân Chúc (tổ 26 phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết: “Nhiều năm nay, tôi duy trì việc tắm biển buổi sáng, xong rồi chờ các thuyền của ngư dân về để mua hải sản luôn. Cá, tôm tươi đều là đồ tự nhiên, giá lại rẻ hơn ngoài chợ nữa. Chưa kể, nhìn không khí chợ quê trong lòng thành phố này cũng mang lại niềm thích thú riêng cho tôi”.
Quận Sơn Trà là địa phương có nhiều tàu đánh bắt xa bờ nhất thành phố Đà Nẵng. Những con tàu có công suất máy hàng trăm CV đã được bơm đầy dầu, “ăn đá” từ các xưởng ngay sát âu thuyền Thọ Quang. Với ngư dân, Tết không chỉ là vui xuân mà còn được vươn khơi, bởi vậy mà, ngay từ ngày mùng 2 tháng Giêng, nhiều chủ tàu và các bạn thuyền đã rời bờ đi đánh bắt hải sản. Năm 2020, nhiều tàu của thành phố Đà Nẵng phải nằm bờ vì suốt mấy tháng cuối năm bão chồng bão. Dịch Covid-19 khiến giá cả hải sản bị xuống, có khi chỉ còn 1 nửa so với cùng thời điểm năm 2019.
Bởi vậy, ngay sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, các chủ tàu đã chuẩn bị chu đáo cho chuyến “mở biển”. Ông Huỳnh Văn Sơn, chủ tàu, kiêm thuyền trưởng tàu ĐNa 73129TS cho biết: “Năm vừa rồi mưa bão nhiều, tàu của tôi gần như nằm bờ suốt những tháng cuối năm. Tôi và các bạn thuyền đi chuyến này là lấy khí thế cho cả năm nên rất mong sẽ thu được nhiều tôm, cá. Phí tổn cho chuyến đi đầu năm mất gần 200 triệu gồm tiền dầu, đá bảo quản hải sản và lương thực, thực phẩm cho 11 thuyền viên. Tàu chúng tôi đánh bắt vùng khơi, nếu thuận lợi chỉ 15-20 ngày có thể quay lại bờ rồi. Nếu gặp may đúng luồng cá, chúng tôi sẽ bán ngay cho các tàu hậu cần trên biển và tiếp tục đánh bắt”.
Các thuyền viên cũng rất hy vọng chuyến mở biển sẽ được bội thu, mang may mắn cho cả năm, vì thế mà ông Lê Văn Lập (tổ 8 phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) chia sẻ: “Năm vừa rồi dịch bệnh, mưa bão liên tục, tàu không ra khơi được nên nhiều ngư dân đã đi tìm nghề khác. Cả cuộc đời tôi gắn bó với biển rồi nên tôi cũng không muốn thay đổi nữa. Mấy tháng nay mới lại được ra khơi, tôi rất vui, mong chuyến này trúng đậm để mọi người cùng có khí thế đi biển những chuyến khác”.
Những ngày đầu Xuân Tân Sửu, thành phố Đà Nẵng nắng vàng rực rỡ, biển xanh ngát một màu. Đứng trên cầu cảng nhìn những con tàu sơn xanh, phấp phới cờ đỏ sao vàng rẽ sóng tiến ra biển khơi mới cảm nhận được rõ ràng khí thế ra quân đầu năm của đội tàu đánh bắt xa bờ. Ai cũng tràn ngập niềm phấn khởi, hi vọng vào một năm thắng lợi, bội thu tôm cá.
Trúc Hà