Biên phòng - Chỉ sau gần một tuần vươn khơi, thuyền trưởng Trần Xuân Sinh, ở xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, cũng là chủ tàu cá Triệu Vy 09, số hiệu HT 96709 cùng 8 thuyền viên đã cập bờ với lượng cá thu đánh bắt được có giá trị khoảng 400 triệu đồng. Những chuyến đi biển thắng lợi của ngư dân trên con tàu mới đóng đang khẳng định sự thiết thực, hiệu quả của Nghị định 67, đồng thời tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho ngư dân hành nghề trên biển.

Vào một ngày đầu tháng 4 vừa qua, khi có mặt tại Cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, bên cạnh những con tàu đánh bắt gần bờ cập cảng, tàu vỏ sắt Triệu Vy 09, số hiệu HT 96709, do ngư dân trẻ Trần Xuân Sinh làm chủ đã nổ máy chuẩn bị ra khơi. Từ trên boong tàu, anh Sinh cho biết, con tàu vỏ sắt này có công suất máy 829CV, được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ, ra khơi lần này là chuyến thứ 4, chủ yếu hành nghề câu cá ngừ và đánh cá thu.
Theo dự kiến ban đầu, con tàu sẽ hành nghề ở ngư trường vịnh Bắc bộ với thời gian khoảng 15 ngày đánh bắt trên biển. Thế nhưng, may mắn cùng với sự chuyên nghiệp trong quá trình đánh bắt nên chuyến tàu đã trở về bờ sớm hơn dự định khi chưa đầy một tuần rời cảng, với hơn 3 tấn cá thu, 2 tạ cá ngừ trị giá ước tính khoảng 400 triệu đồng. Theo chủ tàu cá, đây là chuyến đi biển thắng lợi nhất từ khi con "tàu 67" đi vào hoạt động, trừ mọi chi phí chủ tàu có lãi khoảng hơn 150 triệu đồng. Trong niềm vui sau những chuyến đi biển thắng lợi, anh Sinh khẳng định, con tàu mình đang sở hữu đánh bắt rất hiệu quả, đáp ứng được nguyện vọng của ngư dân. Với chiều dài hơn 27m, cao 6m, tàu vỏ sắt Triệu Vy 09 có thể chịu được sóng cấp 7-8, trên tàu được lắp đặt những thiết bị hiện đại hỗ trợ cho việc khai thác hải sản. Lao động trên con tàu đều được đào tạo nghề, có tính chuyên nghiệp cao. "Tất cả 10 thuyền viên trên tàu đều được tôi thuê với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Họ đã được đào tạo nghề và có kinh nghiệm trong quá trình khai thác cá ngừ, cá thu. Phần lớn các thuyền viên đến từ các tỉnh có truyền thống đánh bắt hải sản như Nam Định, Quảng Trị... Mọi thao tác trên tàu đến các công đoạn đánh bắt trên biển được thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp" - Thuyền trưởng Trần Xuân Sinh khẳng định.
Câu chuyện ngư dân Trần Xuân Sinh sở hữu một trong những con tàu vỏ sắt lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh đã đến như một giấc mơ. Sinh ra trong gia đình có truyền thống vươn khơi bám biển tại xã Thạch Bằng, ngư dân Trần Xuân Sinh xuất phát từ nghề lộng và nung nấu ước mơ có tàu công suất lớn để đánh bắt xa bờ. Sau quá trình dài tích góp, anh đóng được con tàu 105CV hành nghề đánh bắt xa bờ cho thu nhập khá ổn định. Thế nhưng, khả năng chịu sóng, gió của biển khơi, thiết bị hành nghề trên tàu lạc hậu đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hành nghề. Rồi trong những chuyến đi biển ở vùng đánh cá chung vịnh Bắc bộ, thấy ngư dân bạn sở hữu những con tàu có công suất lớn khiến anh không ngừng khát khao. Từ khi Nghị định 67 của Chính phủ được ban hành với rất nhiều chính sách ưu đãi dành cho ngư dân, anh Sinh đã quyết tâm biến ước mơ của mình thành hiện thực. Thông qua chính quyền địa phương, ngư dân Trần Xuân Sinh làm đầy đủ mọi thủ tục theo quy định với mong muốn sẽ đóng con tàu vỏ sắt trị giá khoảng 16 tỉ đồng. Sau khi xem xét hồ sơ, anh đã được phê duyệt, cấp vốn. Trải qua thời gian dài chờ đợi, đến cuối năm 2016, con tàu đã được hoàn thành và chính thức hạ thủy, ra khơi hành nghề. Sau 4 chuyến đánh bắt thắng lợi, ngư dân Trần Xuân Sinh đã khai thác được những tính năng ưu việt mà con tàu mang lại.
Thế nhưng, sau chuyến đánh bắt thắng lợi trở về, Trần Xuân Sinh vẫn còn trăn trở một nỗi niềm. Đó là việc tiểu thương nhiều nơi lợi dụng tàu cá mang số hiệu Hà Tĩnh để ép giá thấp. Cái cớ họ vin vào để ép giá ngư dân vẫn là sự cố môi trường biển ở các tỉnh miền Trung xảy ra đã hơn một năm trước. Nói về điều này, anh Trần Xuân Sinh chia sẻ: "Sau khi trúng mẻ cá lớn ở ngư trường vịnh Bắc bộ, tôi đã cho tàu cập cảng ở một số tỉnh phía Bắc để bán hàng, dự định sẽ nhanh chóng ra khơi trở lại. Thế nhưng, tiểu thương ở các cảng cá phía Bắc lấy lí do tàu cá mang số hiệu Hà Tĩnh, vùng sự cố môi trường biển hơn một năm trước đây để ép giá thấp quá nên đành phải quay về cảng cá ở quê bán cho những bạn hàng quen biết. Tuy giữ được giá bán, nhưng mất nhiều thời gian và chi phí đi lại".
Viết Lam