Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:36 GMT+7

Ngư dân Phú Yên “chuẩn chỉ” trong khai thác xa bờ

Biên phòng - Tỉnh Phú Yên có đội tàu đánh cá xa bờ khá lớn, mặc dù sản lượng khai thác hải sản bị giảm, nhưng ngư dân luôn tìm ra nhiều cách để có doanh thu tốt. 4 năm qua, tỉnh Phú Yên không có chiếc tàu nào vi phạm vùng biển nước ngoài, mọi hoạt động trên biển đều tuân thủ các quy định của pháp luật.

Bài 1: Kiên cường bám biển

“Theo truyền thống, qua rằm tháng Giêng, tàu tôi làm thủ tục xuất bến đi đánh bắt ở vùng biển Trường Sa, làm nghề lưới vây. Năm nay, kỳ lạ ghê, cuối tháng 2 âm lịch rồi mà gió lớn thổi kéo dài, sóng lớn phải cho tàu vào âu thuyền đảo Đá Tây (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) núp gió nhiều ngày. Tàu đi biển mua nhiên liệu, lương thực... 150 triệu đồng, nên cả tàu phải chịu đựng sóng lớn, kiên cường bám biển mới đạt 3 tấn cá, coi như mới đủ tổn”.

Tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân cập vào cảng bán cá. Ảnh: Hải Luận

Đó là chia sẻ của chủ tàu và thuyền trưởng Dương Tấn Khởi, phường Hòa Hiệp Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Khai thác hải sản xa bờ bây giờ khó khăn đủ thứ, làm “đủ tổn” là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu và động lực thúc đẩy của thuyền trưởng hành động mạnh mẽ, quyết đoán ở giữa Biển Đông.

“Tàu chuẩn bị ra khơi, mấy ông làm ở cảng đến yêu cầu không được vi phạm vùng biển nước ngoài, phải mở liên tục máy giám sát hành trình kết nối với máy chủ ngành thủy sản, ghi chép sổ nhật ký khai thác đầy đủ... Nếu mà vi phạm, mấy ổng ra quyết định xử phạt 300-400 triệu đồng, nghe nói tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài sẽ phạt kịch khung lên cả tỷ đồng, như thế coi như dẹp nghề luôn” - thuyền trưởng Khởi nói tiếp.

Chặn đầu đàn cá từ xa

Ý thức chấp hành các quy định trong khai thác thủy sản của thuyền trưởng Khởi bắt nguồn từ cuộc sống, bởi ông hiểu rõ giá cá lên cao, số ngày làm biển “đủ tổn” và có lãi sẽ được rút ngắn. Thuyền trưởng Khởi giãi bày: “Nghề lưới vây khơi cứ cho chạy tàu đuổi theo đuôi con cá, nếu chỉ có tàu mình đi “đơn độc” ngoài biển rộng mênh mông sẽ khó gặp được đàn cá. Chính vì vậy, tập hợp 8 thuyền trưởng “thiệt ăn, thiệt làm” lại thành đội tàu chí cốt, ra biển cùng tỏa đi tìm đàn cá. Tàu nào phát hiện ra đàn cá phải thông báo lên tần số bộ đàm (Icom) nội bộ cho các tàu khác biết tọa độ, khoảng cách để họ tính toán thích hợp. Khi xảy ra sự cố bất trắc ở khơi xa, các tàu chí cốt sẵn sàng đến giúp đỡ vô điều kiện”.

Lưới vây khơi thường hay đánh bắt được các loại cá thuộc dòng họ cá ngừ (người dân hay gọi là cá sọc dưa, cá dưa gang, cá chù...), cá này thường di chuyển theo dòng hải lưu, có thể tháng này ở vùng biển Việt Nam, tháng sau có thể chạy qua vùng biển Philippines và ngược lại. Thuyền trưởng Khởi nêu kinh nghiệm: “Tàu mình chạy đến gần biên (ranh giới giữa biển Việt Nam và nước ngoài) cách khoảng 7 hải lý, trên màn hình máy giám sát hành trình đã phát tín hiệu thông báo tàu chuẩn bị đến đường “ranh giới đỏ”, phải quay mũi tàu ngay. Nếu còn cố tình vượt qua ranh giới, mấy ổng Biên phòng, Chi cục Thủy sản ngồi quan sát trên màn hình máy tính thấy rõ đường đi của tàu mình, lập tức gọi điện ra nhắc nhở liền. Nếu cố tình vi phạm, lo chuẩn bị tiền phạt sẵn trước đi, tàu cập cảng, mấy ổng xuống mời lên xử phạt ngay. Tốt nhất phải “chuẩn chỉ” trong khai thác, cả cuộc đời gây dựng nên sự nghiệp nghề biển bằng tàu to, lưới lớn, không dại gì vi phạm mà bị ăn phạt”.

Nếu tàu lưới vây phát hiện đàn cá đang di chuyển ra hướng phía ngoài vùng biển của Việt Nam, họ đã có nhiều năm kinh nghiệm, lập tức tăng tốc tàu để chặn đầu đàn cá đánh bắt ngay, cách đường ranh giới khoảng 10-20 hải lý. Có những nhóm tàu kiên trì chờ đợi và theo dõi các đàn cá đi theo dòng hải lưu vào sâu vùng biển của nước ta.

Thuyền trưởng Huỳnh Kim Hoàng, cùng nhóm tàu với ông Khởi góp thêm câu chuyện: “Tàu đánh bắt cá ở vùng biển gần biên xếp vào hạng cao thủ, số này ít, bởi khai thác ở giữa Biển Đông nó còn dựa vào vận may - rủi, ranh giới bị thua lỗ và đủ tổn, có lãi rất mong manh. Nhóm tàu chúng tôi hay đánh bắt ở vùng biển Trường Sa, rồi kéo xuống bãi Tư Chính, Phúc Nguyên, nhà giàn DK của Việt Nam. Ở chỗ này có nhiều bãi rạn san hô rộng lớn, ở giữa có nhiều vực sâu, trữ lượng cá nhiều, tàu mình dễ kiếm ăn”.

Thượng úy Huỳnh Kim Đinh, cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Nông, Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, BĐBP Phú Yên tuyên truyền cho ngư dân chấp hành tốt các quy định trong khai thác hải sản. Ảnh: Hải Luận

Đi xuyên hai trăng để “cắt” lỗ

Phú Yên đang sở hữu đội tàu câu cá ngừ đại dương khá lớn, những năm trước, mỗi chuyến biển tàu đi từ 15-25 ngày. Do sản lượng đánh bắt bị sụt giảm, giá cá hạ thấp dưới 120.000 đồng/kg (năm 2022), hiện chỉ còn 105.000 đồng/kg, nhiều ngư dân bị thua lỗ. Từ năm 2021, chuẩn bị ra khơi, chủ tàu mua nhiên liệu, lương thực... đủ cho hoạt động sản xuất trên biển từ 45-60 ngày mới đưa tàu vào cảng bán cá, nghỉ ngơi, mua nhiên liệu rồi đi tiếp.

“Nghề câu cá ngừ đại dương, tiền dầu chiếm khoảng 80% tổng chi phí, bởi ngư trường đánh bắt ở quá xa đất liền. Chạy tàu từ bờ ra quần đảo Trường Sa, rồi chạy vào lại bờ tiêu tốn trên dưới 100 triệu đồng tiền dầu. Trước đây, 2 tháng đi 2 chuyến biển, mất 200 triệu đồng tiền dầu. Bây giờ 2 tháng đi 1 chuyến biển, coi như “cắt” lỗ 100 triệu đồng. Ở lại liên tục 2 tháng trên biển, bạn cũng thích, vì có thời gian câu mực, tăng thêm khoản thu nhập riêng từ 5-10 triệu đồng/người” - chủ tàu Nguyễn Quang Hội lý giải thực tiễn.

Riêng thành phố Tuy Hòa có 332 tàu câu cá ngừ đại dương, đã hình thành nhiều đội tàu tương trợ lẫn nhau. Thời điểm từ ngày 10-20 âm lịch luôn có tàu cập vào cảng bán cá, rồi lấy nhiên liệu, lương thực đi biển. Ông Hội tâm sự: “Tàu câu được 10 con cá ngừ, không thể chạy tàu vào bờ được, mà gửi tàu bạn chở cá vào bờ, có người nhà xuống cảng nhận. Nếu cần mua thêm lương thực, thực phẩm... cũng nhắn người nhà mua gửi tàu đưa ra. Hết dầu, ghé vào các đảo ở Trường Sa mua vài nghìn lít, giá bán cũng như ở đất liền. Nhờ cách làm linh hoạt này, tàu ở Tuy Hòa xoay vòng lẫn nhau, đủ sức ở lại đánh bắt qua hai trăng mới quay vào bờ”.

Sản phẩm cá ngừ đại dương được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật Bản, Mỹ... Tại ngư trường đánh bắt, ngư dân phải ghi chép đầy đủ nhật ký đánh bắt từng con, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý quốc tế dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm đánh bắt.

Bài 2: Siết chặt hải trình đánh bắt

Hải Luận

Bình luận

ZALO