Biên phòng - “Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phải kiểm tra, kiểm soát tàu đánh cá xa bờ 100% trước khi xuất bến và suốt cả hải trình đánh bắt, 100% phải ghi sổ nhật ký khai thác... Lãnh đạo tỉnh Phú Yên ráo riết đôn đốc, nhắc nhở chính quyền các huyện, thị xã phải thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng, quyết tâm gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với ngành thủy sản của nước ta” - ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên khẳng định với các phóng viên tại cảng cá Đông Tác.
Bài 2: Siết chặt hải trình đánh bắt
“Đài Biên phòng”- “Mắt thần” giữa biển khơi
Thực tế, nhiều năm qua, các trạm kiểm soát Biên phòng trên tuyến biển Phú Yên luôn duy trì nghiêm yêu cầu thuyền trưởng và chủ tàu trước khi cho tàu đánh cá xuất bến ra khơi sản xuất phải ký giấy cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài trong quá trình khai thác.
“Tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng và Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá Đông Tác đều có mạng máy tính theo dõi tàu đánh cá ngoài khơi. Nếu tàu nào bị ngắt kết nối máy giám sát hành trình, thuyền trưởng phải báo cáo với đất liền qua hệ thống thông tin có sẵn trên tàu. Trường hợp bị ngắt kết nối quá thời gian qui định, tôi sẽ gọi điện trực tiếp với thuyền trưởng bằng Icom để hỏi xem nguyên nhân vì sao bị ngắt kết nối. Gặp mùa mưa gió thường hay bị trục trặc về kết nối” - Thiếu tá Nguyễn Ngọc Ry, cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng, Đồn Biên phòng Tuy Hòa, BĐBP Phú Yên cho biết.
20 năm nay, người dân ở các phường có tàu đánh cá đã quen thuộc với đài thông tin của Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng. Trời yên biển lặng, hằng ngày, từ 7 giờ đến 11 giờ 30 phút và 13 giờ 30 phút đến 22 giờ, máy thông tin của trạm mở theo tần số 7979, kết nối với tàu đánh cá đang hoạt động ở ngoài khơi xa. Có gió bão, máy thông tin trực kênh 24/24 giờ, liên tục phát những bản tin báo bão và hướng dẫn bà con đưa tàu vào các đảo ẩn nấp an toàn.
“Cách đây mấy ngày, có một tàu bị hỏng thiết bị giám sát hành trình, tàu báo với trạm biết, anh em trạm chạy xe đến nói với người nhà, họ gọi công ty cung cấp máy đến trạm để nói chuyện trực tiếp với thuyền trưởng tàu cá, qua vô tuyến điện. Thiết bị máy giám sát hành trình bị hỏng, người nhà phải mua thiết bị mới, gửi theo tàu cá ra thay thế. Có những lúc, bà con đến chờ rất đông để được nói chuyện trực tiếp với tàu đánh cá ngoài biển, chủ yếu hỏi thăm tình hình đánh bắt, sức khỏe, rồi mua lương thực, thực phẩm… gửi tàu chở ra” - Thượng úy Huỳnh Văn Phi, trực thông tin ở Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng kể.
Tại Phú Yên, ngư dân đặt tên đài thông tin của Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng là “đài Biên phòng” để họ dễ phân biệt với đài thông tin duyên hải tỉnh Phú Yên. Thuyền trưởng Huỳnh Quang Hội, phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa tâm sự: “Tàu ra biển có chuyện gì là tôi gọi ngay vào “đài Biên phòng”, mấy anh ở trạm biết rõ từng tàu, từng thuyền trưởng và chủ tàu. Thiếu bao gạo, thèm rau xanh…, nhờ mấy anh nói với người nhà mua đồ gửi tàu mang ra. Máy hỏng, gọi thợ máy đến “đài Biên phòng” nói chuyện trực tiếp với thuyền trưởng và hướng dẫn sửa chữa, có khi nói qua, nói lại cả ngày mới sửa xong máy. Nếu bị gãy cốt, tắc bơm dầu…, phải chuyển từ bờ ra thay thế. Có chuyện gì ngoài biển, chúng tôi cũng báo lại với cán bộ Biên phòng để biết tình hình”.
Ngồi tại bờ đếm từng tàu ở giữa Biển Đông
Trung tuần tháng 3 năm 2023, cảng cá Phú Lạc, Đông Tác (tỉnh Phú Yên) tấp nập tàu cập cảng bán cá, nhiều tàu khác bơm dầu, lấy đá lạnh chuẩn bị ra khơi. Thiếu tá Nguyễn Ngọc Ry cho biết: “Khoảng 1 giờ nữa sẽ có 3 chiếc tàu câu cá ngừ đại dương cập cảng bán cá, anh đợi chụp ảnh. Có một tàu đạt sản lượng 2 tấn, năm nay giá cá giảm xuống thấp, bà con khó có lãi, làm đủ tổn là khá lắm rồi”.

- Tàu chưa vào cập cảng, vì sao anh Ry lại biết rõ sản lượng đánh bắt từng tàu và thời gian tàu đến cảng? - tôi hỏi.
- Theo quy định, tàu đánh cá vào gần bờ phải báo cho cảng cá Đông Tác biết sản lượng đánh bắt, dự kiến thời gian tàu cập cảng. Qua hệ thống giám sát tàu cá, ngồi tại bờ đếm từng tàu đang hoạt động ở giữa Biển Đông.
- Làm sao mình đếm từng tàu được?
- Anh đến Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá cảng Đông Tác mà xem, có màn hình to, cán bộ văn phòng sẽ theo dõi sát từng tàu đánh cá đang hoạt động ở vùng biển Việt Nam.
Tôi đến văn phòng, thấy ông Đoàn Thượng Huỳnh, thanh tra thủy sản điều khiển hệ thống quản lý tàu đánh cá trên máy tính và phóng qua màn hình lớn. Đếm được tàu Phú Yên đang đánh bắt ở quần đảo Trường Sa có 110 tàu, bãi Tư Chính 14 tàu, quần đảo Hoàng Sa 8 tàu. Ông Huỳnh nhấp chuột vào dòng “toàn quốc”, lập tức hiện ra hàng nghìn tàu đang ở khắp các vùng biển nước ta, xếp theo từng nhóm tàu. Có nhóm tàu đang đánh bắt ở gần sát biên hiện lên màu cam nổi bật trên màn hình, 55 tàu ở tình trạng SOS (khẩn cấp).
“Nhóm tàu có hiện màu cam, các tỉnh, thành phố đang theo dõi chặt, chắc họ cũng đã gọi trực tiếp cho thuyền trưởng nhắc nhở rồi. Còn SOS là tình trạng khẩn cấp, tàu đánh cá đang gặp sự cố, thuyền trưởng bấm nút khẩn cấp ở trên máy giám sát hành trình, có thể do máy giám sát hành trình đang bị ngắt kết nối tạm thời, máy tàu bị hỏng, hoặc bị sự cố gì đó trên tàu cần hỗ trợ. Trên hệ thống giám sát tàu đánh cá của ngành thủy sản sẽ lưu lại toàn bộ hải trình đánh bắt từng tàu” - ông Huỳnh giải thích.
Nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Phú Yên không có tàu đánh cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép.
“Ngày 13/2/2023, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định về kế hoạch triển khai 180 ngày hành động trước khi đoàn của ECvào thanh tra lần thứ 4 đối với ngành khai thác thủy sản ở nước ta. Tỉnh Phú Yên đã nghiêm túc chấp hành và thực hiện đầy đủ kế hoạch của Chính phủ. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quán triệt đến các ngành, địa phương hành động quyết liệt. Những năm qua, tỉnh đã làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, giải thích cho ngư dân hiểu được tầm quan trọng của việc gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Cùng với đó, xử phạt hành chính nghiêm những tàu đánh cá nào cố tình vi phạm. Chính vì vậy, ngư dân đã tự giác chấp hành tốt các quy định” - Đại tá Nguyễn Thanh Hương, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Phú Yên cho biết.
Hải Luận