Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:19 GMT+7

Ngư dân Mỹ Đức không khai thác thủy sản bất hợp pháp

Biên phòng - Hiện nay, ở một vài địa phương vẫn còn tình trạng ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Theo số liệu mới nhất của các cơ quan chức năng BĐBP, trong 4 tháng đầu năm 2019, có 16 vụ/26 tàu/96 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy, hải sản trái phép. Thế nhưng, riêng với ngư dân xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, trong nhiều năm nay, họ luôn nói không với khai thác hải sản bất hợp pháp.

7xru_7a
Cán bộ Đồn Biên phòng Mỹ An trao đổi tình hình với Tổ tàu thuyền đoàn kết xã Mỹ Đức. Ảnh: Bích Nguyên

Tôi tới Mỹ Đức trong một ngày hè rực nắng. Dưới vòm cây xanh mát, những ngư dân lão luyện của các Tổ tàu thuyền đoàn kết xã Mỹ Đức ngồi trò chuyện thân tình với cán bộ Đồn Biên phòng Mỹ An, BĐBP Bình Định. Họ chia sẻ với nhau về kết quả đánh bắt hải sản, sự hỗ trợ nhau trên biển và cả những thông tin về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong vùng biển Việt Nam.

Dứt khoát không vi phạm biển nước ngoài

Mở đầu cuộc trò chuyện với tôi, anh Võ Văn Minh, Tổ trưởng Tổ tàu thuyền đoàn kết thôn Phú Hòa tự hào khẳng định: “Ở Mỹ Đức nhiều năm nay không có ngư dân nào xâm phạm vùng biển nước ngoài, đánh bắt cá bất hợp pháp. Đó là truyền thống của ngư dân chúng tôi”. 

Tiếp lời anh Minh, ngư dân Nguyễn Đình Lâm, thôn Phú Hòa, chủ tàu 900CV khẳng khái nói: “Dứt khoát không bao giờ tôi nghĩ tới việc vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt cá bất hợp pháp”. Như nhiều ngư dân khác ở vùng biển Bình Định, anh Lâm làm nghề biển theo truyền thống cha truyền con nối nhiều đời nay. Cả 7 anh em anh Lâm hiện đều theo nghề biển.

Gắn bó với biển hàng chục năm nay, nhưng anh Lâm cũng như những người anh em của mình chưa bao giờ nghĩ tới việc vượt sang vùng biển nước khác để đánh cá, dù có những thời điểm biển nước  ta “đói cá”, làm ăn khó khăn. “Mình làm nghề của mình và chỉ khai thác trong vùng biển của nước mình thôi. Dại gì vi phạm vùng biển nước ngoài để bị họ tịch thu tàu, nhốt vào tù, mất cả tài sản lẫn uy tín” - Anh Lâm nói.

Ngồi nghe lớp trẻ nói chuyện, lão ngư Nguyễn Văn Mai phấn khởi bảo rằng, ông rất mừng vì những người “làm chủ” biển cả hiện nay đều có ý thức tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm với biển đảo của Tổ quốc. “Đến nay, 100% ngư dân Mỹ Đức không vi phạm vùng biển nước ngoài” - Ông Mai thổ lộ.

Ở tuổi 72, sau thời gian gian gắn bó với biển cả, ông Mai giờ đã “gác kiếm”, để lại chiếc tàu 782CV cho người con trai tiếp quản. Không đi biển nữa nhưng ông vẫn là “quân sư” cho con cháu trong nhà, thậm chí chỉ đạo cả việc đánh bắt cá trên biển qua hệ thống thông tin liên lạc. Ông Mai chia sẻ: “Từ năm 2002, tôi đã đầu tư sắm tàu lớn để đánh bắt ở khơi xa. Tàu của gia đình tôi làm nghề lưới vây. Nhờ nghề biển, kinh tế gia đình tôi phát triển hơn. Nhà nước cũng quan tâm, hỗ trợ cho ngư dân nên cuộc sống của chúng tôi được cải thiện nhiều hơn, tạo cho chúng tôi sự yên tâm khi lao động ngoài biển xa”.

Cũng theo ông Mai, hiện tại, ngư dân Mỹ Đức sử dụng nhiều máy móc, công nghệ vào nghề đánh cá, tuy nhiên, vẫn phải dựa vào kinh nghiệm mới khai thác hiệu quả, bởi “thấy cá mà không có kinh nghiệm cũng không bắt được cá. Đã có lần gặp đàn cá lớn, chúng tôi thả lưới mà không lường dòng nước chảy mạnh nên bị nước cuốn, mất cả lưới, thiệt hại tới 400 triệu đồng. Phải thuận theo con nước, hướng gió mới đánh cá được” - Ông Mai chia sẻ kinh nghiệm làm nghề.
Điều khiến ông Mai yên tâm khi con cháu đi biển là hiện đã có những Tổ tàu thuyền đoàn kết. Trên biển, ngư dân trong những Tổ tàu thuyền đoàn kết tương trợ, giúp đỡ nhau rất nhiều. Còn có cả sự giúp đỡ của BĐBP, Hải quân, Cảnh sát Biển. “Tàu của gia đình tôi tham gia Tổ tàu thuyền đoàn kết số 2. Khi đi biển, thấy chỗ nào có cá nhiều, chúng tôi sẽ gọi nhau tới cùng khai thác. Hoặc khi máy móc bị hỏng thì cũng liên lạc để giúp đỡ nhau, đỡ mất mát, thiệt hại”.

Vững tâm trên biển nhờ đoàn kết

Nói về sự ra đời của Tổ tàu thuyền đoàn kết, ông Phan Văn Châu, Trưởng ban Vạn, Bí thư chi bộ thôn Phú Thứ cho hay: “Hơn 10 năm trước, UBND tỉnh Bình Định có chỉ thị thành lập các Tổ tàu thuyền tự quản, tôi cùng với các cán bộ Biên phòng bàn bạc và tham mưu thành lập các Tổ tàu thuyền đoàn kết. Ban đầu, ngư dân còn hoài nghi, nhưng dần dần, sau mấy mùa khai thác hiệu quả, giúp đỡ nhau giảm thiểu được nhiều thiệt hại khi gặp sự cố trên biển, bà con đã tin tưởng và tự nguyện tham gia Tổ tàu thuyền đoàn kết nhiều hơn”.

Đến nay, Mỹ Đức đã thành lập được 8 Tổ tàu thuyền đoàn kết, mỗi tổ có 12 tàu cá. Tất cả phương tiện trong tổ đều có công suất từ 350 đến 500 mã lực, với các thiết bị máy móc hiện đại để vươn khơi xa. Hàng tháng, các Tổ tàu thuyền đoàn kết đều tổ chức sinh hoạt tại trạm Biên phòng. Ngoài ra, còn có những buổi sinh hoạt đột xuất. Nội dung được ngư dân nhắc nhở nhau nhiều nhất là tuân thủ pháp luật, không sang nước ngoài đánh bắt cá bất hợp pháp.

“Trước đây, ngư dân mạnh ai nấy làm, dẫn tới tình trạng tranh chấp ngư trường, có lúc xảy ra xô xát trên biển, thậm chí dẫn tới đổ máu. Có khi gặp cả đàn cá lớn, một tàu không đánh bắt hết cũng không chia sẻ cho tàu khác. Từ khi có Tổ tàu thuyền đoàn kết, không còn hiện tượng “thân ai người đó lo nữa”. Các tàu đều có trang bị các phương tiện thông tin liên lạc nên trên biển, ngư dân có thể trao đổi thông tin với nhau, gặp đàn cá lớn là gọi nhau tới vây bắt. Các ngư dân cũng luôn nhắc nhở nhau bám biển làm kinh tế, bảo vệ ngư trường, nắm bắt tình hình tàu thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển nước ta. Chúng tôi cũng ứng cứu, hỗ trợ nhau khi gặp thiên tai, giữ gìn an ninh trật tự trên biển. Nhờ vậy mà giảm được nhiều thiệt hại” - Ông Châu vui vẻ cho biết.

Có những thời điểm, tàu nước ngoài liên tục vào sâu trong vùng biển nước ta, khai thác tận diệt thủy sản, quấy rối, nhưng ngư dân Mỹ Đức vẫn vững tâm vươn khơi bám biển, đoàn kết, gắn bó, tạo nên những cột mốc khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Đó chính là điều mà ông Châu và những ngư dân khác ở Mỹ Đức luôn tự hào. “Khi làm ăn trên biển, chúng tôi không chỉ chia sẻ ngư trường, giúp đỡ nhau khi gặp hoạn nạn trên biển, mà còn đoàn kết, đồng lòng bảo vệ vùng biển nước ta” - Ông Phan Văn Châu nói.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO