Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:18 GMT+7

Ngư dân làm thương lái quốc tế

Biên phòng - Từ một người ở Quảng Ngãi, phiêu bạt vào Vũng Tàu đi làm thuê trên tàu đánh cá, đến hôm nay, ông Võ Ngọc Tùng trở thành ông chủ của 2 tàu đánh cá và doanh nghiệp kinh doanh thuỷ sản “ăn nên làm ra” với doanh nghiệp nước ngoài. Tàu của ông tham gia vào Tổ, đội bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Ông Võ Ngọc Tùng. Ảnh: Hải Luận

“Tình thương mến thương”

Tôi ấn tượng với hình ảnh ông chủ tàu đánh cá Võ Ngọc Tùng, ở xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, lái chiếc xe ôtô 7 chỗ đời mới xuống cảng cá Hòn Rớ bán cá. “Mấy ngày trước, một chiếc tàu của tôi chạy vào cảng bán cá trước, sản lượng gần 5 tấn, nghỉ 1 ngày rồi bơm dầu đi biển tiếp. Hôm nay, chiếc tàu này vào bờ, cá để đầy 2 hầm bảo quản. Tháng này bắt đầu vào mùa biển động, là chính vụ khai thác nghề lưới cản (rê)” - Ông Tùng mở màn câu chuyện với tôi.

- Các tỉnh Nam Trung Bộ đang vào mùa mưa bão và gió mùa Đông Bắc, đa số tàu đánh cá phải nằm bờ. Tại sao anh nói “chính vụ khai thác”? - Tôi hỏi ngược lại.

- Nghề lưới cản bắt con “cá nổi”, chỉ đánh bắt cá có trọng lượng từ 0,5kg đến mấy tạ, biển sóng to, gió lớn, cá càng chạy nhiều. Tàu của ông nào “chịu” được sóng gió sẽ làm ăn hiệu quả. Làm nghề lưới cản nó khắc nghiệt vậy đó.

Quan sát chiếc tàu của ông Tùng đang chuyển cá lên cảng, thấy toàn “cá ngon”: Thu, ngừ, cờ,... Bí quyết của ông Tùng cho tàu đi biển trễ hơn thiên hạ khoảng 5 ngày. Ông Tùng lý giải: “Theo quy luật đi biển của ngư dân, từ ngày 7 - 15 (âm lịch), các tàu đánh cá ầm ầm đổ về cảng bán cá. Cảng cá Hòn Rớ (Nha Trang) là chợ cá lớn ở Nam Trung Bộ, tàu trong tỉnh đã nhiều, rồi tàu Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận,... cũng đổ dồn về đây bán cá, lập tức giá cá tụt xuống thấp. Khoảng ngày 20, cảng bắt đầu hết cá, tàu tôi mới chạy về cảng bán cá giá cao hơn nhiều. Phải luôn lấy chợ “làm chuẩn” cho mọi hoạt động đánh bắt trên biển”.

Vì nhắm vào mục tiêu bán “cá chợ” lãi cao hơn so với bán cho các công ty chế biến đóng hộp, đòi hỏi ông Tùng phải nỗ lực bảo quản tốt chất lượng cá sau khi đánh bắt. Việc đầu ên, chủ tàu luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống các lao động trên tàu đánh cá, chỉ khi “tình thương mến thương” với ông chủ, họ sẽ có trách nhiệm trong khai thác và bảo quản cá tốt nhất. Ví dụ, 1 con cá thu lớn được bảo quản tốt, đưa vào bờ bán với giá 1,5 triệu đồng, nhưng cũng con cá này, nếu bảo quản không tốt, cá rớt xuống loại 3 - 4, chỉ bán với giá 400.000 đồng.

“Lực lượng lao động nghề biển ở Khánh Hoà rất khó khăn, đa số các chủ tàu cá phải “mua bạn”, trả tiền cứng theo chuyến biển từ 4 - 7 triệu đồng/người. Tàu ông Tùng trả theo ăn chia lợi nhuận phần trăm thu được, từ 18 - 25 triệu đồng/người/chuyến biển. Gặp chuyến biển đói, ông chủ “bù lỗ” 4 -5 triệu đồng/người. Tính ông Tùng luôn “rộng rãi” với anh em lao động, ai cũng thích đi biển với tàu ổng. Tàu có nhiều thợ khai thác giỏi, siêng năng, làm lúc nào cũng no” - Ông Nguyễn Hùng Cường, lao động trên tàu cá chia sẻ về ông chủ của mình.

Thành thương lái quốc tế

Gần 30 lao động đi làm trên 2 chiếc tàu đánh cá xa bờ của ông Tùng, có lẽ ít ai trong số họ biết đến lai lịch của ông chủ mình. Mới 17 tuổi, ông Tùng đã vào làm thuê trên tàu giã cào ở thành phố Vũng Tàu, sống đất phương Nam một thời gian, cuộc sống vẫn tràn ngập khó khăn. Có người bạn thuyền bảo ở Nha Trang “làm ăn được”, ông quyết định ngược ra Nha Trang đi làm thuê trên tàu lưới cản. “Cưới vợ, cắm cái “nhà chồ” (làm bằng cột gỗ nhỏ) sát cửa biển sông Cái, ông tích góp được ít vốn, sắm chiếc xuồng và vài mảnh lưới. Đó là cuộc đời tôi bắt đầu làm chủ, hàng đêm một mình ngồi trên xuồng ra thả lưới ven bờ kiếm tiền mua gạo, khỏi phải bị ai sai khiến đủ chuyện như trước” - Ông Tùng nhớ lại như in dấu ấn khởi đầu ông chủ.

Tàu vừa cập cảng, hai vợ chồng ông Tùng cùng bán cá. Ảnh: Hải Luận

Cuộc sống của gia đình ông Tùng phụ thuộc vào thủy triều lên - xuống nơi cửa biển. Một ngày, ông bắt gặp một thương lái người Trung Quốc, hỏi thăm chỗ bán hàng thủy sản. Ông Tùng “bám theo” mối làm ăn quốc tế, hỏi họ đầu đuôi như thế nào, xin làm một chân “cò” hàng hóa ở vùng Cầu Bóng, thành phố Nha Trang, nơi có số lượng tàu đánh cá lớn nhất tỉnh Khánh Hoà.

Từ làm “cò” hàng hóa, ông Tùng tích cóp rồi dần phát triển lên thành trạm thu mua hàng hóa với số lượng lớn. Ông Tùng tâm sự: “Làm ăn với mấy thương lái người Trung Quốc được một thời gian, tôi đi sang Trung Quốc tìm hiểu các loại mặt hàng tiêu thụ như thế nào. Sau đó, tôi về nhà mở rộng thị trường ra các tỉnh có tàu đánh cá lớn như: Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... và thiết lập người đứng ra thu mua hàng hóa cho mình”.

“Ông Võ Ngọc Tùng là một chủ doanh nghiệp, chủ tàu đánh cá kiểu mẫu của xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang. Từ kinh nghiệm kinh doanh và đi biển hiệu quả, ông đã giúp đỡ nhiều anh em thuyền trưởng biết vượt lên khó khăn trong sản xuất. 2 tàu đánh cá của ông Tùng nằm trong tổ đội tự quản, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc” – Ông Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang cho biết.

Sau khi gây dựng được chút vốn, ông Tùng bị một số người ở Vũng Tàu lừa gạt, “ăn quỵt” mất 1,5 tỉ đồng. Gần như trắng tay, ông tiếp tục trụ vững trước mọi sóng gió, giúp ông có thêm nhiều bài học kinh nghiệm kinh doanh lớn trong nước và ngoài nước, suốt mấy chục năm qua. Hiện nay, việc kinh doanh với đối tác đã tạo thành nếp, hàng hóa đóng gói gửi xe ôtô đi thẳng sang Trung Quốc, bên đó chuyển tiền vào tài khoản cho ông Tùng.

Từ lợi nhuận kinh doanh các mặt hàng thủy sản, ông Tùng đã đầu tư sang đóng tàu khai thác xa bờ. Tôi hỏi ông Tùng:
- Tại sao phải đóng tàu đánh cá để phải quản lý cho cực?

- Mình kinh doanh khấm khá lên là nhờ vào sản vật của biển, đóng tàu xa bờ cũng là kênh đầu tư kinh doanh thứ hai. Trước đây, tôi luôn ước mơ sở hữu chiếc tàu đánh cá lớn, cả cuộc đời gắn bó với biển cả. Chiếc tàu đánh cá cũng giống như một doanh nghiệp nhỏ, nếu anh biết hoạch toán tốt sẽ có lãi. Ban đầu, tôi chỉ đóng một chiếc, sau đóng chiếc thứ 2. Biển bây giờ khó khăn, đụng đâu lỗ đó, người ta kêu bán tàu đầy ra đó. Muốn không bị lỗ, có lãi cao, mọi thứ phải tính toán thật chi li, phán đoán “trận địa” đánh bắt ngoài biển chính xác.

Hải Luận

Bình luận

ZALO