Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:00 GMT+7

Ngư dân gặp khó trước “cơn bão” Covid-19

Biên phòng - “Cá hạ chỉ còn một nửa giá, mấy tàu lớn phải neo bờ để chờ giá” - Nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ ở Hoàng Sa, Trường Sa chia sẻ câu chuyện đầy khó khăn giữa “cơn bão” đại dịch Covid-19. Nhìn mặt các thuyền trưởng trên con tàu cập bến sau 20 ngày lênh đênh ở Hoàng Sa, tôi hỏi chuyện: “Vậy tính sao?” thì các ngư dân kiên định cho biết, ráng vượt qua khó khăn, vẫn phải đi đánh bắt và kết hợp bám biển, để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

zjar_13a
Con cá bè khủng trên tàu QNg 95751 TS. Ảnh: Lê Văn Chương

“Cá rớt giá, chỉ còn phân nửa”

Tàu cá QNg 95751 TS tiến vào cửa biển Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi. Tối 29-3, thời tiết trên biển thuận lợi, các ngư dân trầm trồ về chuyện “ở Hoàng Sa êm như trong sông, vô bờ tranh thủ đi phiên nữa”. Ngoài biển êm, nhưng khi tàu vào bờ thì các ngư dân phải đối mặt với 2 “cơn bão”, đó là dịch bệnh và giá cả. Khi tàu vào gần bờ, ngư dân Đỗ Bin, thuyền trưởng tàu liên tục gọi điện thoại cho gia đình để hỏi thăm xem cá có nhích giá lên 60 - 70 ngàn đồng/kg hay nằm “chết giá” một chỗ. Là người nắm bánh lái điều khiển trên tàu, ông Bin không dám nói to chuyện cá rớt giá, vì sợ các ngư dân đi bạn trên tàu sẽ buồn.

Ông Bin cho biết, mỗi phiên biển 20 ngày vất vả, nếu cá hạ quá, anh em đi bạn vào bờ chỉ được chia phần 3-4 triệu đồng/người thì coi như mất bạn, vì phiên sau họ không muốn đi nữa. Ông thuyền trưởng thở ngắn than dài, các bạn chài đi biển cũng đoán được tình thế, nên ai cũng chong mắt nhìn vào phía bờ, rồi nhẩm tính thu nhập tăng thêm, cộng dồn thì sẽ được bao nhiêu. Các ngư dân đi bạn cho biết, cả ngày thuyền đánh lưới gần các đảo nổi ở quần đảo Hoàng Sa, tối đến, anh em đi bạn tranh thủ ra boong buông cần kiếm cá để bù vào phần thiếu hụt. 

Đi biển mà có thu nhập tăng thêm là chuyện lạ. Thu nhập tăng thêm tùy thuộc vào thời gian thức đêm của mỗi ngư dân trên tàu. Nhưng câu đêm ở Hoàng Sa giống như thú tiêu khiển nên không ai bỏ cuộc. Lưỡi câu được quăng xuống biển, cả chục ngư dân ngồi chờ. Có lúc, phải 2 người xúm lại giật, rút dây thì mới kéo được con cá bè nặng đến 15kg lên sàn tàu. Tiếng ngư dân reo vui, tiếng cá nhảy ầm ầm trên sàn thuyền. Có đêm, gần thức trắng nhưng ngư dân vẫn vui. Mỗi chú cá câu lên sẽ được làm dấu riêng bằng dây buộc. Chủ tàu không bao giờ thu tiền từ phần cá riêng của ngư dân đi bạn. 

“Cá rớt giá... giá chỉ còn phân nửa...”, chiếc tàu cập bến cũng là lúc các ngư dân đi bạn lập cập nhắc đi nhắc lại điều này. Ở Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận, chỉ còn duy nhất ngư dân thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) làm nghề lưới cá chuồn cồ. Cá chuồn cồ mang về bán cho chủ nậu tại cảng Sa Kỳ. Cá chuồn cồ là mặt hàng hải sản bán nội địa, nhưng vẫn giảm giá chỉ còn một nửa. 

Không có nhiều tiền chia cho bạn đi biển, liệu có tiếp tục ra khơi? Nghe tôi hỏi, Thuyền trưởng Bin lưỡng lự rồi chỉ sang 2 tàu đang neo sát bên cho biết: “Đội tàu này chuyên bám quần đảo Hoàng Sa, cá rớt giá thì gặp khó khăn. Nhưng chúng tôi vẫn động viên anh em ra khơi để bảo vệ chủ quyền, chứ cuộc đời gắn bó với biển thì có lúc thăng, lúc trầm, lúc lên, lúc xuống, biết sao được?”.

Lang thang bán cá 

Chiều tối 30-3, một vài tàu cá ở tận tỉnh Kiên Giang khi đi hành nghề ở vùng biển Quảng Nam, Đà Nẵng đã cập vào cảng Sa Kỳ để bán cá. Mỗi chiếc tàu này chở theo khoảng 10 tấn cá, trong đó có nhiều loại cá xuất khẩu như cá thu, cá chim, cá ngừ. Bình thường, những chiếc tàu này khi vào cảng Sa Kỳ sẽ được chào đón ở các cầu cảng tư nhân. Trước khi thu mua cá, các chủ nậu xã giao trước bằng vài thùng bia, cây thuốc lá, nước tăng lực để lấy lòng ngư dân rồi mới giao kèo chuyện mua bán. Nhưng lần này, các ngư dân không được chào đón. 

Những chủ nậu thu mua cá nhìn chiếc tàu với vẻ e ngại. Không giống với ngày thường, trong thời điểm này, tàu càng nhiều cá ngon, loại xuất khẩu thì nỗi e ngại càng lớn. Một chủ nậu xin giấu tên cho biết, giờ này mua vô là ôm luôn, vì trong kho còn trữ mấy chục tấn cá cấp đông, không biết bao giờ mới “chạy” hết số hải sản này. Còn nếu mua cá chợ (bán nội địa) thì việc tiêu thụ chậm, nhưng chắc hơn cá xuất khẩu.

zy2k_13b
Hàng trăm tấn mực khô trên đường vào bờ có nguy cơ ứ đọng. Ảnh: Lê Văn Chương 

Ngư dân Trần Trung, Thuyền trưởng tàu cá QNg 96595 TS, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho biết, những loại cá thường ngày đắt giá như cá mú khơi, giá trên 100 ngàn đồng/kg, hiện nay chỉ còn cỡ 40-50 ngàn đồng/kg. Mực thì giá tại bến 100 ngàn đồng/kg, hiện nay chỉ còn khoảng 30 ngàn đồng/kg. Giá cá tụt quá sâu nên ngư dân đi biển vào, trừ đi phí tổn mỗi tàu khoảng 70-90 triệu đồng thì không còn tiền để chia cho bạn chài. 

Tại xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, là thủ phủ của đội tàu câu mực ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, không khí lo lắng bao trùm khi ngư dân nói về triển vọng bán nguồn hải sản. Tại địa phương này, bà con ngư dân chuyên làm nghề câu mực khô. Mỗi tàu chở vào bờ 30-40 tấn mực đã được phơi khô. Các ngư dân cho biết, hiện nay, ngư dân ở địa phương lân cận là xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã vào bờ trước, nhưng không bán được mực. Năm 2019, địa phương này đã bị ứ đọng 1.000 tấn mực. Nếu không bán được mực khô ở Quảng Ngãi thì các ngư dân phải chấp nhận lang thang đi tìm nơi tiêu thụ sản phẩm. 

Ông Nguyễn Hữu Ngọt, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn cho biết, hiện nay, tàu đầu tiên từ Trường Sa chở 30 tấn mực về bến là tàu của ông Trần Lê Trung. Tuy nhiên, giá mực đã giảm từ 150 ngàn đồng/kg xuống còn 100 ngàn đồng/kg. Giá giảm, nhưng những điểm thu mua mực có vẻ chưa muốn mua, vì mua thì không xuất khẩu được. Điều ông Ngọt lo lắng hơn, đó là đội tàu này chuyên ra bám giữ ở quần đảo Trường Sa, nếu nhiều tàu ngư dân neo bờ thì Trường Sa sẽ vắng bóng tàu cá treo cờ Tổ quốc. 

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, dịch Covid-19 lây lan mạnh trên toàn cầu khiến cho sản xuất và xuất khẩu thủy sản của cả nước bị ảnh hưởng nặng nề. Ước tính, xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 549 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu sang những thị trường lớn bị ảnh hưởng dịch bệnh đều giảm mạnh, xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) giảm sâu nhất (40%), sang Trung Quốc giảm 25%, Hàn Quốc giảm 24%, Nhật Bản giảm 19%. 

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO