Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 07:47 GMT+7

Ngư dân đánh bắt xa bờ chủ quan với bão số 9?

Biên phòng - Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đặt ra câu hỏi: “Tại sao đã cảnh báo sớm rồi mà ngư dân Bình Định vẫn không chịu nghe, lo chạy vào các đảo của quần đảo Trường Sa trú ẩn sớm? 26 người của tỉnh Bình Định bị mất tích trên biển là một tổn thất rất lớn, cũng may, 8 chiếc tàu không chạy được, bão qua không bị tổn thất thêm người nữa. Rút kinh nghiệm lần sau, các ngành chức năng, chính quyền địa phương phải cương quyết hơn nữa, buộc các thuyền trưởng phải cho tàu chạy tránh bão sớm nhất có thể”.

Đại tá Trần Quốc Bình, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Bình Định (đứng) báo cáo với ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 3 từ trái sang) về tình hình tàu đánh cá tránh bão số 9, tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Tam Quan, Đồn Biên phòng Tam Quan Nam, BĐBP Bình Định, lúc 11 giờ ngày 27-10. Ảnh: Hải Luận

Phớt lờ cảnh báo

10 giờ 30 phút, ngày 27-10, Đại tá Trần Quốc Bình, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Bình Định cho biết, bão số 9 chỉ cách đất liền từ Quảng Nam - Phú Yên khoảng 300km. Ngoài biển, còn 150 chiếc tàu cá xa bờ của thị xã Hoài Nhơn vẫn nằm ở trong vòng nguy hiểm của bão số 9, cách bờ biển Phú Yên - Khánh Hòa trên 200 hải lý, đang cố chạy về phía Nam để thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Đặc biệt, có 8 chiếc tàu không chạy nổi, vì sóng quá lớn, buộc phải thả neo dù (neo nước) để giữ mũi tàu “chịu trận” cho bão đi qua. 17 giờ cùng ngày, 2 chiếc tàu đánh cá đã bị chìm, 26 người mất tích, 1 tàu bị hỏng máy.

“Bão số 9 đang ở ngoài phía Đông của Philippines, Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia đã liên tục phát thông báo bão lớn sẽ tiến vào Biển Đông ở cấp độ 4. BĐBP tỉnh rà soát từng tàu, kết hợp với gia đình kêu gọi thuyền trưởng tàu phải chạy tránh bão sớm. Nhưng nhiều ngư dân vẫn chủ quan, đến sát nút rồi mới cho tàu tăng tốc chạy, bão đi quá nhanh, vùng nguy hiểm rộng, tàu chạy không kịp” - Đại tá Bình thông tin thêm.

Nhiều người thắc mắc, tàu đánh cá đang ở giữa Biển Đông, làm sao biết được thông tin bão đi theo hướng nào? Trên các tàu đánh cá xa bờ có trang bị từ 3-5 bộ đàm đường dài (Icom) gọi trực tiếp về nhà, có kết nối với tổng đài duyên hải, lắp đặt máy giám sát hành trình, nhiều tàu còn sắm cả máy điện thoại từ vệ tinh,... Thuyền trưởng Tôn Văn Dưỡng, ở thị xã Hoài Nhơn, làm nghề lưới vây khơi tâm sự: “Trong bờ, đài báo có bão, tàu đang đánh bắt ở vùng biển xa nhất cũng biết được hướng bão đang di chuyển, do người nhà điện ra báo, các đài duyên hải cảnh báo liên tục qua hệ thống tàu cá. Rồi trong nhóm tập đoàn tàu sẽ thông báo cho nhau biết về mức độ nguy hiểm của bão. Ông thuyền trưởng nào nhạy bén sẽ lập tức bỏ khai thác, nhanh chóng cho tàu chạy trước để thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Còn gặp mấy ông chủ quan dễ gặp sóng to, gió lớn, không đảm bảo an toàn”.

“Cái bẫy” chết người

Cả cuộc đời ngư dân gắn bó với biển cả, chiếc tàu là ngôi nhà thứ hai của họ. Vì cuộc sống mưu sinh, vì miếng cơm manh áo, đôi khi họ “liều mạng”, bất chấp tất cả. “Trước khi có bão lớn, nước biển êm không có một gợn sóng. Đây là “cái bẫy” chết người với những thuyền trưởng “non” kinh nghiệm, cho rằng không có bão xuất hiện. Tôi là điển hình của việc này. Có lần, nghe tin bão đến, biển êm, có nhiều cá, mấy ông bạn trên tàu hỏi tôi: “Sao ông chủ, đánh tiếp hay chạy bão?”.

Tôi nói: “Ráng đánh thêm phát lưới nữa, rồi chạy cũng còn kịp”. Thế rồi bão đến, cách đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) khoảng 60 hải lý, tôi tăng tốc hết cỡ chạy vào đảo núp, gần đến đảo 3 lần sóng biển phủ trùm lên cả chiếc tàu. Tàu lọt vào được âu thuyền của đảo, tâm bão cũng vừa tới. Đợt đó suýt chết, đây là bài học đắt giá và nhớ đời về sự chủ quan của tôi. Chút nữa thôi, mười mấy người trên tàu chết chìm dưới biển” - Chủ tàu kiêm thuyền trưởng Bùi Mông, ở thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, làm nghề lưới vây khơi, nhớ lại chuyện cũ.

Tàu lưới vây khơi của ngư dân tỉnh Bình Định đang kéo lưới ở giữa Biển Đông. Ảnh: Hải Luận

Theo kinh nghiệm đi biển của ngư dân, bão dữ đi qua, biển lúc nào cũng có nhiều cá. Vì vậy, ngư dân thường hay tính toán phạm vi vùng ảnh hưởng của cơn bão, cho tàu “chờ sẵn” ở cách xa mấy chục hải lý so với “rìa” của bão, khi bão tan, chạy tàu vào đánh cá ở vùng tâm bão mới đi qua. Thuyền trưởng Bùi Mông lý giải: “Nhiều thuyền trưởng không ngờ cơn bão số 9 có tốc độ di chuyển nhanh, phạm vi nguy hiểm rộng, ngoài dự tính của họ, khi bão đến sát, họ tăng ga chạy hết cỡ. Gặp mấy loại “máy già”, “tàu lão” chịu không nổi sóng cấp 7, cấp 8. Vào tâm bão, tàu hàng có trọng tải hàng nghìn tấn cũng chịu không nổi”.

Một nguyên nhân khác, nhiều truyền trưởng “truyền miệng” nhau, đó là thông thường, bão mới hình thành, nên đang ở cấp độ thấp, các thuyền trưởng vẫn nghe từ đất liền báo tin có bão. Ví dụ, đài báo bão có cấp 8, cấp 9, một số ngư dân lại suy nghĩ ngược lại: “Đài báo bão lớn để “dọa” ngư dân cho tàu chạy đi trốn bão sớm, sự thật chỉ có gió mạnh thôi”. Ngay từ đầu, họ đã chủ quan về cơn bão, về cấp độ gió, đến khi bão tăng độ mạnh lên, phạm vi ảnh hưởng rộng, ngư dân không kịp trở tay.

Kinh nghiệm của nhiều ông chủ và thuyền trưởng tàu đánh cá xa bờ là dầu, nhớt, mỡ trên tàu lúc nào cũng có số dư lớn đề phòng chạy tàu tránh bão gió. Ví dụ, mỗi chuyến biển từ 20-30 ngày, tiêu thụ hết 10.000 lít dầu, trong két dầu luôn có dự phòng 5.000 lít dầu. Như vậy, tàu rời cảng luôn có đủ 15.000 lít dầu.

“Cơn bão Chanchu (năm 2006), tôi cho tàu chạy về đảo Cây Dừa, Philippines trốn bão, suýt chết, rồi đến lần ở đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa. Bây giờ, tôi nghe đài báo có bão vào Biển Đông hoặc hình thành vùng thấp, áp thấp ở đâu đó gần vùng biển đánh bắt, tôi ngay lập tức bỏ khai thác, cho tàu chạy lệch hướng đi của bão rất xa, nếu đủ thời gian, tôi cho tàu chạy vào bờ trú ẩn an toàn. Đừng bao giờ cho mình là giỏi, kinh nghiệm đầy mình, sinh ra chủ quan, để rồi phải đương đầu với sóng gió. Nhớ rằng, sóng biển cao bằng ngôi nhà mấy tầng, nó sẽ nhấn chìm tất cả trong tích tắc” - Thuyền trưởng Bùi Mông nêu kinh nghiệm từ thực tiễn.

Hải Luận

Bình luận

ZALO