Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 05:58 GMT+7

Ngư dân Đầm Dơi gặp khó trong đánh bắt

Biên phòng - Địa bàn Đồn Biên phòng Tân Tiến, BĐBP Cà Mau quản lý gồm 3 xã Tân Tiến, Nguyễn Huân và Tân Thuận của huyện Đầm Dơi. Trên địa bàn hiện có 194 phương tiện, trong đó, từ 90CV trở lên có 83 phương tiện đang hoạt động các nghề đóng đáy, cào cạn, lưới và đẩy te ruốc. Tuy nhiên, thời gian qua, giá xăng dầu tăng cao và thời tiết diễn biến bất thường đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống của ngư dân.

Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Hố Gùi tham gia sinh hoạt đội tàu thuyền an toàn ấp Mai Hoa, xã Nguyễn Huân và tuyên truyền ngư dân nâng cao cảnh giác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Ảnh: Lê Khoa

Đại úy Đặng Văn Điều, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Hố Gùi thuộc Đồn Biên phòng Tân Tiến đưa chúng tôi đến cùng tham gia buổi sinh hoạt của đội tàu thuyền an toàn tại ấp Mai Hoa, xã Nguyễn Huân. Tại buổi sinh hoạt, các thành viên trong đội tàu thuyền thông tin với cán bộ trạm Kiểm soát Biên phòng về tình hình hoạt động trên biển. Đa số ý kiến của các thành viên đều nói lên sự khó khăn của ngư dân, như giá xăng dầu tăng cao, nguồn thủy sản cạn kiệt, đánh bắt kém hiệu quả và giá sản phẩm thấp. Bên cạnh đó, thời tiết luôn diễn biến bất thường, cửa biển cạn, sóng gió và bên ngoài đang xây dựng điện gió nên việc ra vào, hoạt động đánh bắt của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Hàng chục phương tiện của ngư dân phải nằm bờ liên tục trong nhiều tháng.

Anh Trương Minh Hào, thành viên đội tàu thuyền an toàn ấp Mai Hoa cho biết, gia đình có 2 phương tiện hoạt động nghề cào đơn, nhưng do giá xăng dầu tăng cao, đánh bắt kém hiệu quả, nên anh neo đậu trong bờ hơn 4 tháng nay. 2 người con trai lớn phải lên Bình Dương đi làm công nhân. Hiện nay, giá xăng dầu đã giảm, giá cả các mặt hàng thủy sản đang bình ổn trở lại nên anh mới gọi các con quay về chuẩn bị ngư lưới cụ, tiếp tục ra biển hoạt động.

Anh Hào chia sẻ thêm, nghề biển của ngư dân vùng này chủ yếu làm thủ công, phương tiện nhỏ, vốn đầu tư không có, đa số hoạt động trong mé cạn. Do đặc thù của vùng biển phía Đông của tỉnh thường là bãi cạn, sóng ngang, nếu không nắm chắc quy luật của sóng và luồng lạch là mắc cạn, nên chỉ sóng gió cấp 3, cấp 4 là phương tiện ra vào gặp nhiều nguy hiểm.

Ngụ cùng ấp Mai Hoa, gia đình anh Trương Minh Định và anh Trương Minh Nhật, mỗi hộ đều có 1 phương tiện, lắp máy trên 90CV, hoạt động nghề cào đơn. Qua câu chuyện của các anh, được biết, đa số ngư dân ở vùng cửa biển Hố Gùi từ trước tới nay chỉ sử dụng loại phương tiện nhỏ, hoạt động gần bờ như đóng đáy, lưới cá khoai, lưới tôm, đẩy te ruốc.... Việc đầu tư đóng mới phương tiện của ngư dân vùng này chỉ mang tính tự phát, tự học hỏi để có công ăn việc làm. Nếu có vốn đầu tư đóng phương tiện lớn để vươn ra khơi thì cần phải có kỹ thuật, kinh nghiệm đánh bắt.

Nhiều ngư dân ở cửa biển Hố Gùi cũng chia sẻ, ở đây, BĐBP luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để ngư dân ra vào làm ăn trên biển. Địa phương cũng được các cấp quan tâm đầu tư xây dựng cảng neo đậu, khu tránh trú bão, nhằm thu hút phương tiện các tỉnh lân cận vào địa bàn để góp phần phát triển kinh tế địa phương. Nhưng do cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế, xa trung tâm huyện, thành phố, giao thông đi lại khó khăn, nên giá thu mua sản phẩm tại đây thấp hơn các địa phương khác do số lượng hàng ít và phải vận chuyển đi xa. Vì vậy, ngư dân địa phương cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng để nghề đánh bắt, khai thác thủy sản của địa phương phát triển có quy mô, có định hướng ngành nghề khai thác phù hợp, bảo vệ được nguồn lợi thủy sản.

Đại úy Đặng Văn Điều, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Hố Gùi cho biết, các phương tiện trên địa bàn vẫn đang hoạt động đánh bắt theo kinh nghiệm truyền thống như cào, lưới, chưa áp dụng được kỹ thuật đánh bắt như câu mực, lưới bao của ngư dân Sông Đốc, Khánh Hội. Một phần do vốn đầu tư không có, một phần chưa có kinh nghiệm đánh bắt xa bờ dài ngày hoặc hoạt động nhỏ lẻ. Để phát triển bền vững nghề đánh bắt thủy sản ở Hố Gùi, ngư dân cần được hỗ trợ về kỹ thuật, về vốn và có lộ trình quy hoạch của các ngành chức năng.

Nhiều phương tiện của ngư dân Hố Gùi phải nằm bờ trong nhiều tháng qua. Ảnh: Lê Khoa

Qua tìm hiểu, trên địa bàn cũng còn nhiều phương tiện nhỏ không đảm bảo an toàn khi lao động trên biển. Vì vậy, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Tân Tiến thường xuyên chỉ đạo Trạm Kiểm soát Biên phòng Hố Gùi phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Những phương tiện không đảm bảo an toàn, kiên quyết không cho ra biển, tránh để xảy ra những vụ việc đáng tiếc đối với nhân dân. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho ngư dân hoạt động trên biển và chấp hành nghiêm các quy định trong đánh bắt, khai thác thủy sản, Trạm Kiểm soát Biên phòng Hố Gùi đã đến từng hộ gia đình có tàu cá từ đủ 15m trở lên để vận động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đến nay, trên địa bàn có 33/33 phương tiện đủ điều kiện đã lắp đặt và chấp hành nghiêm các quy định trong hoạt động đánh bắt thủy sản.

Anh Trương Minh Định cho biết: “Nhờ thường xuyên được cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Hố Gùi đến nhà tuyên truyền, hướng dẫn mà ngư dân biết được quyền lợi, trách nhiệm của mình trong bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo. Khi hoạt động trên biển, chúng tôi thường xuyên giữ liên lạc với BĐBP. Đặc biệt, từ khi được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã giúp ngư dân chủ động trong công tác quản lí phương tiện và cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Từ đó, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời, ngư dân ý thức được trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc”.

Mai Lan - Lê Khoa

Bình luận

ZALO