Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:39 GMT+7

Ngư dân Cần Giờ chung tay cùng BĐBP đấu tranh chống “cát tặc”

Biên phòng - “Trong cuộc chiến” với nạn “cát tặc” trên khu vực biển Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh phải kể đến vai trò đắc lực của ngư dân địa phương đang ngày đêm hoạt động trên biển. Chính nhờ sự giúp sức đó mà từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị đã bắt giữ 32 vụ với 54 phương tiện khai thác cát trái phép, tịch thu 100 máy hút cát và gần 12.500m3 cát…” - Đó là tâm sự của Thượng tá Phạm Long Bào, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Long Hòa, BĐBP thành phố Hồ Chí Minh khi chia sẻ về hoạt động đấu tranh với nạn khai thác, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn thời gian qua.

xbz1_17b
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Long Hòa tuyên truyền pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Hồ Phúc

Cố tình vi phạm

Thời gian gần đây, nhu cầu cao về sử dụng vật liệu xây dựng là cát san lấp ngày càng cao trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận khiến nhiều đối tượng bất chấp pháp luật, ngày đêm tổ chức khai thác cát trái phép tại các vùng sông, vùng biển huyện Cần Giờ để kiếm lời. Hành động này không chỉ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên khoáng sản cát, mà còn làm biến đổi dòng chảy, ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái khu vực, gây nhiều hệ lụy khó lường.

Theo chia sẻ của Thượng tá Phạm Long Bào, khoảng 3 năm trở lại đây, hoạt động khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ diễn biến phức tạp. Từ năm 2018 tới nay, Đồn Biên phòng Long Hòa đã phát hiện, bắt giữ 32 vụ/54 phương tiện liên quan đến hoạt động khai thác và vận chuyển cát trái phép. Đồn Biên phòng Long Hòa cũng đã tịch thu 100 máy hút cát, 12.423m3 cát và xử phạt hành chính hơn 1,4 tỷ đồng. 

Trong hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép có không ít đối tượng sau khi bị xử phạt vi phạm không những không hối cải, mà còn liều lĩnh tăng tốc khai thác “cát lậu” với cường độ cao để bù lỗ. Cụ thể, ngày 19-2-2019, Đồn Biên phòng Long Hòa đã phát hiện, bắt quả tang 2 sà lan: HD-2888, do Hoàng Văn Thái (sinh năm 1989, trú tại Quảng Bình) làm thuyền trưởng và HD-2999, do Vũ Bá Hùy (sinh năm 1986, trú tại tỉnh Hải Dương) làm thuyền trưởng, đang khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ.

Điều đáng nói, 2 thuyền trưởng này đã từng bị lực lượng tuần tra của Hải đội 2, BĐBP thành phố Hồ Chí Minh phát hiện, bắt quả tang khai thác cát trái phép vào các ngày 18-8 và 30-9-2018. Thời điểm đó, các đối tượng chỉ bị xử phạt hành chính nên chúng đã tìm cách dùng phương tiện vi phạm tái hoạt động để bù lại khoản đã mất.

“Khi thấy lực lượng Biên phòng, hai đối tượng đã tăng tốc bỏ chạy. Khi bị bắt giữ, thuyền trưởng Hoàng Văn Thái điều khiển sà lan HD-2888 không thừa nhận hành vi hút cát, mà cho rằng mình chỉ bơm nước biển vào khoang để phương tiện an toàn hơn” - Thượng tá Phạm Long Bào chia sẻ.

“Tai mắt” của lực lượng Biên phòng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, các đối tượng khai thác cát trái phép hoạt động không kể ngày đêm, nhưng thời gian gần đây, trước sự tuần tra, kiểm soát mạnh mẽ của cơ quan chức năng, các đối tượng đã chuyển sang hoạt động chủ yếu vào ban đêm. Bởi đây là thời điểm chúng dễ dàng quan sát các phương tiện khác tiếp cận và đủ thời gian tẩu tán tang vật, nếu bị lực lượng chức năng bắt quả tang.

Để hoạt động hiệu quả, chúng thường phân chia theo từng địa bàn, sử dụng máy bơm có công suất lớn và có lực lượng cảnh giới để kịp thời “mật báo” khi phát hiện lực lượng Biên phòng tuần tra. Mặt khác, khu vực diễn ra hoạt động khai thác cát là nơi giáp ranh với vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu và Tiền Giang. Khi gặp lực lượng tuần tra các đối tượng nhanh chóng chạy qua địa bàn giáp ranh và thông báo cho các phương tiện xung quanh bỏ chạy.

Những năm qua, Đồn Biên phòng Long Hòa đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhờ đó, ý thức đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao. Người dân tích cực tố giác tội phạm cũng như sẵn sàng giúp đỡ lực lượng Biên phòng về phương tiện trong tuần tra địa bàn.

Đặc biệt, hầu hết các vụ vây bắt “cát tặc” mà đơn vị bắt giữ thời gần đây đều có sự giúp đỡ của ngư dân. Bởi lẽ, đây là lực lượng thường xuyên có mặt trên các vùng biển, tuyến sông để khai thác, đánh bắt thủy hải sản.

Thượng tá Phạm Long Bào cho biết: “Trên địa bàn 2 xã Long Hòa và Lý Nhơn thuộc huyện Cần Giờ mà đơn vị quản lý có khoảng hơn 300 phương tiện đánh bắt thủy, hải sản. Vì thế, trên vùng biển, ngày và đêm hầu như luôn có ngư dân hoạt động. Ngoài việc cung cấp thông tin thì người dân còn sẵn sàng hỗ trợ đơn vị phương tiện để tiếp cận, vây bắt đối tượng vi phạm pháp luật. Thậm chí, trong những lần vây bắt “cát tặc” vào thời điểm sóng to, gió lớn, khi áp sát, khống chế các sà lan khai thác, vận chuyển cát, tàu cá của ngư dân còn bị hư hỏng, nhưng bà con ai cũng vui vẻ và tận tình giúp đỡ lực lượng Biên phòng làm nhiệm vụ”. 

x57m_17a
Phương tiện khai thác cát trái phép bị Đồn Biên phòng Long Hòa bắt giữ. Ảnh: Hồ Phúc

Ngư dân Phạm Văn T., trú tại xã Long Hòa là một ngư dân điển hình trong việc phát hiện các sà lan khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, cũng như thường xuyên hỗ trợ phương tiện tàu cá giúp Đồn Biên phòng Long Hòa vây bắt thành công nhiều phương tiện khai thác cát trái phép.

Khi chia sẻ về việc chung tay cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Long Hòa trong cuộc chiến với nạn “cát tặc”, anh T. vui vẻ nói: Vào mùa gió chướng, các anh Đồn Biên phòng Long Hòa thường yêu cầu tôi hỗ trợ để tuần tra, bắt giữ các sà lan khai thác cát trái phép. Trong những cuộc vây bắt cũng không ít lần va chạm với phương tiện hút cát khiến tàu của mình bị vỡ ở phần mũi. Mặc dù vậy, nhưng mình luôn nghĩ, tàu mình hỏng thì mình sửa, quan trọng là mình và các ngư dân đã góp sức với các anh Biên phòng đẩy lùi các hoạt động vi phạm pháp luật trên biển, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn”.

Hồ Phúc

Bình luận

ZALO