Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 27/09/2023 04:44 GMT+7

Ngư dân cần chấp hành nghiêm quy định của pháp luật

Biên phòng - Đó là ý kiến của bà Huỳnh Thị Ánh Sương, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ngãi xung quanh vấn đề ngư dân địa phương xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép và bị lực lượng chức năng của họ bắt giữ. Bà Sương cũng chia sẻ về sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin, giúp cho công tác bảo hộ ngư dân bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ được tiến hành thuận lợi.

5950bdc5f9ff19c1850018ef
Bà Huỳnh Thị Ánh Sương. Ảnh: Lê Văn Chương

PV: Thưa bà, thời gian qua, Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền gì cho ngư dân để góp phần ngăn chặn việc xâm phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản?

Bà Huỳnh Thị Ánh Sương: Sở Ngoại vụ là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp UBND thực hiện quản lý Nhà nước về công tác ngoại vụ ở địa phương. Để góp phần ngăn chặn và phòng ngừa từ xa việc ngư dân Quảng Ngãi trong quá trình đi đánh bắt hải sản xâm phạm chủ quyền vùng biển của các nước, chúng tôi đã phối hợp với Hội Nghề cá tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Nhìn chung, ngư dân tham gia khá đông đủ. Còn hằng năm, chúng tôi tổ chức các buổi tập huấn cho các đồng chí ở các sở, ngành nằm trong Ban Biển Đông, hải đảo. Chúng tôi còn mở chuyên mục về Biển Đông, hải đảo trên Báo Quảng Ngãi để chuyển tải những thông tin cần tuyên truyền đến bà con.

PV: Làm thế nào để thu hút đông đảo ngư dân tự giác tham dự các buổi tập huấn do Sở Ngoại vụ tổ chức?

Bà Huỳnh Thị Ánh Sương: Thứ nhất, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương và Hội nghề cá để chọn thời điểm, thường là cuối mùa, ngư dân về địa phương nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, mời các đồng chí có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực bảo hộ ngư dân ở Bộ Ngoại giao về nói chuyện với bà con. Tại buổi tập huấn, chúng tôi còn phát tờ rơi, trong đó có hướng dẫn chi tiết về cách ứng xử của các ngư dân, những quy định cấm khi đi đánh bắt để không xâm phạm chủ quyền vùng biển của các nước, trong đó có đường dây nóng của Bộ Ngoại giao để bà con liên hệ.

PV: Đề nghị bà nói rõ về tác dụng của đường dây nóng? Ngư dân có quen với cách thông tin qua đường dây nóng hay chưa?

Bà Huỳnh Thị Ánh Sương: Nhìn chung, trước đây, khi ngư dân bị bắt giữ ở một số nước, thông qua bà con Việt kiều định cư ở các quốc gia đó liên hệ, tác động với nhà chức trách để ngư dân được thả về nước. Cách thức này ẩn chứa khá nhiều rủi ro. Đó là ngư dân vừa mất nhiều tiền, vừa bị giam giữ, tịch thu tài sản. Còn từ khi có đường dây nóng kết nối với bà con thì các gia đình ngư dân thường liên hệ với Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ngãi để chúng tôi báo cáo với Bộ Ngoại giao thực hiện các biện pháp can thiệp qua đường ngoại giao, bảo hộ để ngư dân có chỗ dựa, làm giảm thiệt hại cho bà con.

PV: Theo bà, những yếu tố nào giúp cho công tác bảo hộ được thuận lợi?

Bà Huỳnh Thị Ánh Sương: Khi ngư dân bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ thì việc bảo hộ khẩn trương là hết sức quan trọng. Vấn đề này liên quan đến chính quyền địa phương, gia đình ngư dân và cả chủ tàu. Nhìn chung, các địa phương đã xác minh kịp thời nhân thân của ngư dân để giúp công tác bảo hộ được nhanh chóng, thuận lợi. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp chậm. Khi ngư dân bị bắt ở nước ngoài rồi mà mình xác minh chậm thì ngư dân sẽ tốn tiền để tạm trú, ăn uống trong khi chờ đợi được đưa về. Việc xác minh sớm sẽ tạo điều kiện cho công tác bảo hộ, cơ quan ngoại giao can thiệp kịp thời đôi khi giúp ngư dân không bị xử phạt.

Về phía gia đình ngư dân, khi bắt đầu được chúng tôi tiến hành thủ tục bảo hộ thì bà con phải đóng tiền kịp thời để mua vé máy bay đưa công dân về nước. Các chủ tàu cần ứng trước tiền mua vé máy bay cho các ngư dân đi bạn có hoàn cảnh khó khăn. Đó cũng là điều hay, giúp rút ngắn thời gian bị giam giữ.

5950be8045571496400016f0
BĐBP Quảng Ngãi tuyên truyền pháp luật cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Ảnh: CTV

PV: Thông qua cuộc phỏng vấn này, bà có ý kiến gì gửi đến ngư dân?

Bà Huỳnh Thị Ánh Sương: Trong thời gian gần đây, nhiều ngư dân ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn thường chuyển vào đánh bắt ở ngư trường các tỉnh phía Nam và sang đánh bắt ở ngư trường của các nước ở Thái Bình Dương. Hiện nay, có nhiều nước đã tiến hành các biện pháp cứng rắn để bắt giữ, xử phạt tù từ 3 đến 5 năm và đánh đắm tàu, gây thiệt hại lớn đối với ngư dân chúng ta. Vì lợi ích kinh tế mà ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài làm ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh và quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước. Chúng tôi đề nghị ngư dân chỉ đánh bắt ở các vùng biển truyền thống thuộc chủ quyền của Việt Nam, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Từ đó, vừa phát triển kinh tế ổn định, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đại tá Nguyễn Văn Cảnh, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Ngãi cho biết, trong thời gian qua, lực lượng BĐBP Quảng Ngãi đã phát hiện và ngăn chặn 42 tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt; xử phạt hành chính 8 trường hợp với số tiền 530 triệu đồng. BĐBP Quảng Ngãi đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 03 về “Một số biện pháp cấp bách ngăn chặn ngư dân xâm phạm chủ quyền của các nước”. Đồng thời, BĐBP Quảng Ngãi đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân ký cam kết không đưa tàu ra nước ngoài đánh bắt, tiến hành xử lý và tước giấy phép tàu cá vi phạm từ 3 đến 6 tháng.

Lê Văn Chương (Thực hiện)

Bình luận

ZALO