Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 05:40 GMT+7

Ngư dân Bình Châu nói “không” với khai thác hải sản trái phép

Biên phòng - Trong khi các phương tiện của ngư dân cùng địa phương đua nhau ra biển khai thác hải sản mưu sinh thì nhiều tháng qua, chiếc tàu cá QNg 95861 TS phải nằm bờ vì bị lực lượng BĐBP Quảng Ngãi đình chỉ hoạt động nghề cá do hành vi đưa tàu, ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Thuyền trưởng Nguyễn Cu xem đây là bài học đắt giá trong nhiều năm mưu sinh nghề biển.

hktu_7a
Ngư dân Nguyễn Cu sửa chữa khoang chứa hải sản để đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Ảnh: Văn Tánh

Nguyên nhân được bắt đầu từ việc bản thân anh đưa tàu và ngư dân vi phạm vùng biển thuộc quốc đảo Palau và bị lực lượng tuần tra nước bạn truy đuổi. May mắn là đưa được tàu về nước, nhưng tổn phí đầu tư thì coi như "bỏ biển". Về địa phương, bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính, không được xem xét hỗ trợ nhiên liệu, số thuyền viên lao động trên tàu bỏ đi làm cho các phương tiện khác. Ngư dân Nguyễn Cu cho biết: Trong vụ việc này, tôi bị thiệt đơn, thiệt kép. Từ nay đến già, tôi xin chừa. Sau khi chấp hành hình thức xử phạt, nhận được giấy phép hành nghề, anh nhanh chóng sửa chữa lại phương tiện, mua sắm bổ sung ngư lưới cụ và rủ thêm vài bạn chài cùng đồng hành ra các ngư trường truyền thống khai thác hải sản.

Ngư dân Nguyễn Cu không quên cam kết với BĐBP và chính quyền địa phương từ bỏ ngư trường đánh bắt bất hợp pháp ở nước ngoài. Nguyễn Cu bộc bạch: Năm vừa rồi, thấy nhiều phương tiện đi nước ngoài, nghĩ họ làm được nên tôi cũng đi một chuyến cho biết. Qua tới bên đó, họ làm dữ quá, tàu tuần tra dí (truy đuổi) ở trên biển; máy bay bay trên đầu, chưa đánh bắt được gì hết, chỉ lo chạy trốn. Đợt đó về, đồn Biên phòng gọi lên làm việc, mấy ảnh khuyên răn, tôi biết lỗi nên không đi nữa. Mấy tháng nay nằm bờ nên tàu bị hư đôi chút, giờ tranh thủ sửa lại rồi ra làm ở Hoàng Sa, Trường Sa kiếm tiền lo Tết. Tết nhứt đến nơi rồi mà "đói quá"!

Nhiều ngư dân ở xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi), trước đây vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, bị tịch thu tài sản, nay đã đóng mới phương tiện, cải hoán, sửa chữa hầm chứa, khoang nuôi hải sản để vươn ra các ngư trường truyền thống làm ăn, sinh sống. Đồng thời, vận động ngư dân cùng nhau khai thác bền vững, góp phần bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Bà con cũng đã nhận thức được việc tàu ra nước ngoài khai thác hải sản bất hợp pháp là việc làm nguy hiểm đến tính mạng,  làm "méo mó" hình ảnh ngư dân Việt Nam và ảnh hưởng xấu đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản.

Ngư dân Trương Sơn, xã Bình Châu cho biết: “Trước đây, tôi có đi đánh bắt ở vùng biển Australia một chuyến, rồi bị nhà chức trách nước bạn bắt giữ. Sau khi được thả về, tôi thấy con đường đi làm ăn vất vả và quá xa, nguy hiểm đến tính mạng. Bây giờ, tôi không có ý định đi nước ngoài đánh bắt nữa mà rủ vài ba anh em sắm tàu đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa để kiếm sống”.

Năm 2017, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 18 lượt tàu cá, hơn 250 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép bị bắt giữ; giảm 11 lượt tàu so với năm 2016. Một số tàu cá ngư dân đã bị xử lý và thấy rõ hậu quả cay đắng của nó nên đã tự giác đi khai thác hải sản ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa, số còn lại đang sửa chữa nhỏ để vươn khơi đánh bắt ở các ngư trường trong nước.

Đại tá Đoàn Thanh Long, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Ngãi cho biết: Số phương tiện vi phạm trước đây đã bị BĐBP xử lý thì hiện nay, ngư dân đã chấp hành tốt. Họ đã thay đổi ngành nghề, mua sắm ngư lưới cụ, chuyển ngư trường khai thác hải sản, không vi phạm vùng biển các nước. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ các phương tiện này để tham mưu cho UBND tỉnh nới lỏng các biện pháp xử lý, tạo điều kiện cho bà con khắc phục, sửa chữa những sai phạm, tích cực bám biển phát triển kinh tế cho gia đình và xã hội.

Xã Bình Châu là địa phương có số lượng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Trước  khuyến cáo của các cơ quan chức năng, sự vào cuộc quyết liệt của BĐBP tỉnh, nhiều chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân đã từ bỏ ngư trường đánh bắt bất hợp pháp, quyết tâm làm ăn đúng pháp luật và có trách nhiệm với cộng đồng. Những suy nghĩ và việc làm của ngư dân Bình Châu cũng chính là giải pháp cụ thể của Việt Nam nhằm xóa bỏ “thẻ vàng” mà Liên minh châu Âu đưa ra với mặt hàng thủy sản khi xuất khẩu vào thị trường này. Đồng thời, từng bước minh bạch nguồn gốc khai thác, vận chuyển và tiêu thụ hải sản.

Văn Tánh

Bình luận

ZALO