Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:22 GMT+7

Ngọt ngào tiếng khóc trẻ thơ

Biên phòng - Có được tiếng khóc trẻ thơ trong nhà - điều mong ước quá đỗi giản dị ấy lại là khát khao của rất nhiều quân nhân hiếm muộn trong BĐBP. Có người mất 5 năm, có người thậm chí phải chờ đợi tới 20 mùa xuân mới được hưởng niềm hạnh phúc ngọt ngào ấy. Rất nhiều quân nhân đã chia sẻ với tôi rằng, chính sự chia sẻ, động viên của đơn vị, đồng đội đã giúp họ có thêm tinh thần để vượt qua hành trình dài mà nỗi âu lo nhiều hơn niềm vui, hy vọng rồi lại thất vọng đến chông chênh.

l0j9_36a
Một cặp vợ chồng quân nhân BĐBP hiếm muộn được bác sĩ tư vấn điều trị hiếm muộn. Ảnh: Vũ Long

Món quà quý giá đón năm mới

Lần đầu tiên tôi gặp Trung úy Doãn Đăng Lan, BĐBP Thanh Hóa cách đây 4 năm. Khi đó, anh cùng vợ đang “trực chiến” tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương để thực hiện thụ tinh ống nghiệm lần thứ 3, mong có được “của để dành”. Anh chị đã có “thâm niên” 6 năm điều trị bệnh hiếm muộn. Vợ chồng anh được lãnh đạo Bộ Tư lệnh BĐBP quan tâm, bố trí cho nghỉ tại nhà khách K9 của Bộ Tư lệnh BĐBP ở Hà Nội để giảm bớt chi phí sinh hoạt, thuận tiện cho việc tới bệnh viện điều trị.

Bẵng đi một thời gian, tới tháng 10 vừa rồi, tôi mới thấy anh “tái xuất” trên Facebook với hình ảnh một bé trai kháu khỉnh trên tay. Gương mặt anh rạng ngời hạnh phúc, mãn nguyện. Cuối cùng thì sau 10 năm đằng đẵng chạy chữa, vợ chồng anh đã được “lên chức” cha, mẹ.

Trò chuyện với tôi, Trung úy Lan luôn vui cười: “Ngày con cất tiếng khóc chào đời, tôi hồi hộp, hạnh phúc đến nghẹt thở. Tôi không biết diễn tả niềm vui của mình như thế nào nữa. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới cơ quan, đơn vị và đồng đội đã tạo điều kiện cho tôi đi điều trị. Tôi đặc biệt trân trọng và cảm ơn vợ chồng bạn Giang đã nhiệt thành giúp đỡ vợ chồng tôi cả vật chất lẫn tinh thần trong những ngày chữa trị tại thành phố Hồ Chí Minh”.

Sau 2 lần làm thụ tinh ống nghiệm ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương không thành công, đầu năm 2017, vợ chồng Trung úy Lan lặn lộn và TP Hồ Chí Minh tìm kiếm hy vọng. Lần thụ tinh thứ 4 một lần nữa dập tắt hy vọng của người quân nhân này. “Đầu năm 2018, vợ chồng tôi thực hiện thụ tinh ống nghiệm lần thứ 5. Số tiền điều trị đã lên tới 600 triệu đồng, đều phải vay mượn họ hàng, bạn bè. Hai vợ chồng tôi bàn với nhau cố gắng nốt lần này, nếu không được nữa thì đành bỏ cuộc. 15 ngày sau khi thụ tinh, bác sĩ thông báo tỉ lệ thành công là 50%. Chúng tôi tiếp tục sống trong sự thấp thỏm. May mắn là vợ tôi thụ thai thành công” – Trung úy Lan phấn khởi chia sẻ.

Sau 8 tháng mang thai, vợ Trung úy Lan hạ sinh sớm một bé trai, nặng 3,1kg. Trước đó, áp lực có con nặng nề tới mức, anh không dám báo cho bố mẹ ở quê nhà là vợ đã mang thai. Tới khi con trai ra đời được 5 ngày, anh mới thông báo tin vui cho gia đình. Vì sinh non, vợ chồng Trung úy Lan phải tiếp tục ở lại TP Hồ Chí Minh 2 tháng để bác sĩ theo dõi sức khỏe cho em bé. “Mừng nhất là cháu khỏe mạnh, phát triển bình thường, cân nặng đảm bảo. Hiện tại, bé nặng 7,1kg” - Trung úy Lan khoe.

Sau 10 năm bền bỉ, kiên trì đi tìm hạnh phúc, cuối cùng, “món quà” ngọt ngào đón năm mới cũng đã đến gõ cửa nhà Trung úy Lan. Tôi có thể cảm nhận được cùng với niềm vui, anh vẫn còn những điều canh cánh trong lòng, đó là khoản tiền vay mượn để điều trị chưa trả hết được, trong khi vợ anh không có công ăn việc làm, cha mẹ hai bên đều già yếu, con còn đỏ hỏn, nhưng tôi tin rằng, mùa Xuân này, gia đình anh sẽ vui, đầm ấm hơn nhiều những mùa Xuân trước.

Sẻ chia và cảm thông là động lực tinh thần

Do đặc thù công việc, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều quân nhân hiếm muộn. Họ tâm sự rằng, động lực tinh thần giúp họ vững vàng, kiên trì tìm kiếm con cái là sự cảm thông, thấu hiểu và sẻ chia, giúp đỡ của đồng đội và đơn vị. Ngoài sự động viên tinh thần, Trung úy Lan còn được Bộ Tư lệnh BĐBP hỗ trợ 20 triệu đồng để chữa trị.

Các quân nhân hiếm muộn khác cũng nhận được kinh phí hỗ trợ của Bộ Tư lệnh BĐBP với các mức khác nhau. Số tiền hỗ trợ tuy nhỏ, không thấm vào đâu so với khoản tiền các quân nhân hiếm muộn phải chi trả để chữa trị, nhưng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Bộ Tư lệnh BĐBP đối với họ. "Sự giúp đỡ, hỗ trợ của Bộ Tư lệnh BĐBP và đơn vị trong thời gian vừa qua đối với chúng tôi là món quà vô cùng quý giá” - Trung úy Lan tâm sự.

Ngược dòng thời gian, vào năm 2013, với mục đích mang đến hạnh phúc vẹn tròn cho những gia đình quân nhân hiếm muộn, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai chương trình hỗ trợ, động viên, giúp đỡ các quân nhân hiếm muộn con. Tháng 4-2013, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức gặp mặt những gia đình hiếm muộn. Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban An ninh - Quốc phòng của Quốc hội, khi đó là Trung tướng, Tư lệnh BĐBP đã trực tiếp gặp mặt, động viên các gia đình quân nhân hiếm muộn và mời Giáo sư Trần Quán Anh tư vấn về sức khỏe.

Buổi gặp mặt “lịch sử” tại Hà Nội, cùng với những lần thăm hỏi, động viên, trao kinh phí hỗ trợ quân nhân hiếm muộn đang điều trị của lãnh đạo Bộ Tư lệnh BĐBP đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần giúp họ vững tin, tiếp tục theo đuổi hành trình tìm kiếm con cái vô cùng gian nan, vất vả.

36b
Vợ của Trung úy Lan rạng ngời hạnh phúc bên con trai, sau 10 năm kiên trì chờ đợi. Ảnh: Gia đình cung cấp

Thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh BĐBP, các quân nhân điều trị hiếm muộn đều được tạo thuận lợi về thời gian, được bố trí công việc phù hợp, đồng thời được tạo điều kiện hợp lý hóa gia đình... Trong thời gian điều trị, vợ chồng quân nhân hiếm muộn được bố trí chỗ ăn, nghỉ ở các bệnh xá, trạm quân y trong mạng lưới khám chữa bệnh của BĐBP. Đến nay, Bộ Tư lệnh BĐBP đã hỗ trợ hơn 7,7 tỉ đồng cho 336 gia đình quân nhân hiếm muộn. Trong năm 2018, Bộ Quốc phòng đã hỗ trợ 2,7 tỷ đồng cho gia đình quân nhân hiếm muộn trong BĐBP.

Có thể nói, chủ trương giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho quân nhân hiếm muộn con được điều trị, đã thực sự chạm đến trái tim người lính, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho họ. Số quân nhân hiếm muộn điều trị có kết quả tăng lên từng ngày. Hiện, lực lượng BĐBP có 507 gia đình quân nhân thuộc diện hiếm muộn, trong đó, 126 gia đình đã sinh con, 7 trường hợp đang mang thai, 16 cặp vợ chồng nhận con nuôi.

Nguyễn Bích

Bình luận

ZALO