Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 27/09/2023 07:17 GMT+7

Ngọn nguồn của cuộc tranh chấp quần đảo Cu-rin giữa Nga và Nhật Bản

Biên phòng - Quần đảo Cu-rin hợp với đảo Xa-kha-lin thành tỉnh Xa-kha-lin của Nga. Quần đảo Cu-rin kéo dài từ Nam bán đảo Cam-sát-ca (Nga) đến tận đảo Hô-cai-đô (Nhật), tạo nên 1 vòng cung thiên nhiên tuyệt đẹp, tròn trĩnh dài 1.300km với 56 đảo, tổng diện tích 15.600km², có khoảng 19.000 dân sinh sống, chủ yếu là người Nga, U-crai-na, Bê-la-rút, Tác-ta. Gọi là tranh chấp quần đảo Cu-rin, nhưng thực ra chỉ là tranh chấp 4/56 đảo nằm ở cuối cùng phía Nam quần đảo Cu-rin, đó là các đảo: I-tu-rúp, Cu-na-si-ri, Ha-bô-mai và Si-cô-tan.

 793t22.gif Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép và Thủ tướng Nhật Y.Nô-da.

 Bốn đảo này, Nhật gọi là "lãnh thổ phương Bắc", còn Nga gọi là "Nam Cu-rin". Tháng 11-1941, Hải quân Nhật đã bí mật tập kết trên đảo I-tu-rúp và đã tạo nên huyền thoại lịch sử - trận Trân Châu Cảng, đòn đau điếng nhất của quân đội Mỹ trong Thế chiến thứ hai.

Lịch sử tranh chấp

Thỏa ước đầu tiên về biên giới giữa hai nước Nga - Nhật là Hiệp ước Si-ma-da năm 1855, qui định 4 đảo trên là của Nhật, còn quần đảo Cu-rin của Nga, đảo Xa-kha-lin chịu sự quản lí chung của hai nước.

Hiệp ước Xanh - Pê-téc-bua (Saint-Peterburg) năm 1875 giữa hai nước qui định: Nhật từ bỏ tất cả các chủ quyền với Xa-kha-lin để đổi lấy việc Nga từ bỏ tất cả chủ quyền với quần đảo Cu-rin. Chiến tranh Nga - Nhật năm 1904-1905 dẫn đến thất bại về phía Nga, buộc Nga phải trao cho Nhật phía Nam phần đảo Xa-kha-lin theo Hiệp ước Pốt-mau (Portmouth).

Thực hiện cam kết do Hiệp ước Y-an-ta (Yalta), ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật, từ ngày 18/8-3/9, Liên Xô đã chiếm toàn bộ quần đảo Cu-rin.

Tranh chấp chủ quyền quần đảo Cu-rin giữa Nga - Nhật là do kết quả của sự mơ hồ và bất đồng về ý nghĩa không rõ ràng trong các Hiệp ước Cai-rô (Cairo), Y-an-ta, Pốt-xđam và Xan Phran-xi-xcô (San Francisco).

Tuyên bố Cai-rô ngày 27-11-1943 giữa 3 cường quốc Anh - Mỹ - Trung Quốc qui định: Nhật Bản bị loại ra khỏi tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật đã cướp hoặc chiếm đoạt từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Hiệp ước Y-an-ta trên bán đảo Cri-mê ngày 4-11/2/1945 giữa Liên Xô, Mỹ, Anh: Đồng ý sau khi Đức đầu hàng, Liên Xô sẽ tuyên chiến với Nhật tại Viễn Đông với điều kiện "các quyền trước đây của Nga bị xâm phạm bởi Nhật Bản năm 1904 sẽ được phục hồi, đó là các phần phía Nam của đảo Xa-kha-lin cũng như các đảo lân cận, quần đảo Cu-rin sẽ được trả lại cho Liên Xô". Hiện nay, Nhật và Mỹ đều cho rằng: Hiệp ước Y-an-ta không áp dụng với "lãnh thổ phương Bắc", vì 4 hòn đảo này không thuộc quần đảo Cu-rin.

Hiệp ước Pốt-xđam (tháng 7-1945) cũng lại có những điểm mơ hồ không rõ ràng liên quan đến lãnh thổ Nhật. Hiệp ước này chỉ khẳng định "các điều khoản của Tuyên bố Cai-rô sẽ được thực hiện", trong khi Tuyên bố Cai-rô chỉ nêu chung chung "Nhật Bản cũng bị trục xuất khỏi tất cả các vùng lãnh thổ khác mà họ có được bằng bạo lực và lòng tham".

Hiệp ước Xan Phran-xi-xcô ngày 4-8/9/1951 với Nhật kí hòa ước với 51 nước tham dự, Điều 2, chương 2, điểm c qui định "Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, tước hiệu và đòi hỏi liên quan đến quần đảo Cu-rin, đảo Xa-kha-lin và các đảo nằm sát nước Nhật mà ở đó, Nhật đã giành được chủ quyền theo Hiệp ước Pốt-mau ngày 5-9-1905".

Năm 1956, trong cuộc đàm phán tại Mát-xcơ-va, Liên Xô đề nghị giải quyết tranh chấp bằng cách trả lại 2 đảo Si-cô-tan và Ha-ba-cô (2 đảo nhỏ nhất trong 4 đảo tranh chấp) cho Nhật, trong vòng đàm phán cuối cùng. Nhật thấy yếu thế về chủ quyền với 2 đảo lớn I-tu-rúp và Cu-na-si nên đã đồng ý theo đề nghị của Liên Xô. Sau đó, Mỹ nhảy vào ngăn cản hiệp ước, tuyên bố nếu Nhật từ bỏ chủ quyền 2 đảo trên, thì Mỹ sẽ không trao trả Ô-ki-na-oa cho Nhật (sau này, Mỹ trả Ô-ki-na-oa cho Nhật vào ngày 15-5-1972) nên cuộc đàm phán về giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước không thành.

Ngày 7-2-1981, Chính phủ Nhật quyết định lấy ngày 7-2 hàng năm là "Ngày lãnh thổ phương Bắc". Trong ngày này, sẽ tổ chức đại hội toàn quốc đòi thu hồi "lãnh thổ phương Bắc" và tiến hành các hoạt động tuyên truyền rầm rộ trong nước.

Năm 1991, Liên Xô giải thể, Nga trở thành chủ thể kế thừa tranh chấp. Ngày 3-7-2009, Quốc hội Nhật Bản thông qua đạo luật, khẳng định "lãnh thổ phương Bắc" "là vùng đất cố hữu của Nhật Bản". Ngày 1-11-2010, Tổng thống Nga Mét-vê-đép đã đến thăm đảo Cu-na-si và tuyên bố: "Hòn đảo là một bộ phận không thể tách rời và là một khu vực chiến lược của Nga". Đáp lại, ngày 2-11-2010, Mỹ tuyên bố: Mỹ công nhận chủ quyền của Nhật trên vùng "lãnh thổ phương Bắc" và khẳng định "Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ áp dụng đối với vùng "lãnh thổ phương Bắc". Ngày 7-2-2011, nhân Nhật kỉ niệm 30 năm "Ngày lãnh thổ phương Bắc", Điện Crem-li tuyên bố kiên quyết không nhượng bộ và thề rằng Nga sẽ không bao giờ thay đổi lập trường về lãnh thổ.

Tình hình hiện nay

Cho đến nay, lập trường của Nhật vẫn là: Mặc dù Hiệp ước Xan Phran-xi-xcô tuyên bố Nhật phải từ bỏ tất cả chủ quyền với quần đảo Cu-rin, nhưng 4 hòn đảo thuộc "lãnh thổ phương Bắc" chưa bao giờ được liệt kê trong quần đảo Cu-rin. Hơn nữa, Liên Xô trước đây lại từ chối kí hiệp ước này. Nhật cho rằng Tuyên bố Cai-rô và Hiệp ước Pốt-xđam không áp dụng cho 4 đảo thuộc "lãnh thổ phương Bắc", vì các đảo này chưa bao giờ thuộc về Nga, ngay cả trước chiến tranh Nga - Nhật năm 1904-1905. Nhật cho rằng: Nga lợi dụng Nhật bại trận, cưỡng chiếm phi pháp 4 đảo của Nhật, chỉ khi nào 4 đảo này được trả về cho Nhật, thì khi đó Nhật mới có thể kí kết Hiệp ước hòa bình với Nga.

Nga trước sau đều khẳng định lập trường: Việc chiếm lĩnh 4 đảo I-tu-rúp, Cu-na-si-ri, Ha-bô-mai và Si-cô-tan là kết quả của Chiến tranh thế giới thứ hai, thay đổi kết quả này tức là phủ nhận hiệu lực của các hiệp ước quốc tế về Chiến tranh thế giới thứ hai mà loài người công nhận. Các nhà lãnh đạo Nga tuyên bố: "Bất cứ cuộc đàm phán nào về 4 hòn đảo Nam Cu-rin đều phải bắt nguồn từ sự thừa nhận vô điều kiện của Nhật Bản đối với kết quả của Chiến tranh thế giới thứ hai. Ngày 28-1-2012 trong cuộc hội đàm Ngoại trưởng Nhật Gem-ba trao đổi với người đồng nhiệm Nga: Hai bên sẽ thương lượng giải quyết tranh chấp lãnh thổ trong môi trường bình yên. Dù hai nước đang nỗ lực đẩy mạnh hợp tác kinh tế và an ninh, song vấn đề tranh chấp lãnh thổ căng thẳng giữa hai nước còn lâu mới được giải quyết. Hơn lúc nào hết, hai nước cần giải quyết tranh chấp lãnh thổ và kí Hiệp ước hòa bình để có thể xây dựng một tình hữu nghị thực sự. Gần đây nhất, theo Tân Hoa xã, ngày 7-2-2012, Thủ tướng Nhật Y.Nô-da tuyên bố trong lễ kỉ niệm "Ngày lãnh thổ phương Bắc": Phương châm cơ bản để kí kết một hiệp ước hòa bình với Nga là vấn đề giải quyết việc thu hồi "lãnh thổ phương Bắc" bằng ý chí mạnh mẽ trong tiến hành đàm phán với Nga.

Nguyễn Ngọc Điệp

Bình luận

ZALO