Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 31/03/2023 06:42 GMT+7

“Ngọn lửa” âm ỉ ở Trung Đông bùng cháy

Biên phòng - Căng thẳng giữa Palestine và Israel đang leo thang với đỉnh điểm là vụ quân đội Israel bắn đạn thật và đạn hơi cay vào người biểu tình Palestine ở Dải Gaza, làm 16 người thiệt mạng và 1.400 người khác bị thương. Vụ việc nếu không được can thiệp kịp thời, có thể châm ngòi cho xung đột mới ở khu vực luôn nóng bỏng này.

5ac1f67f471e3c1d0400213f
 Một thanh niên Palestine bị thương trong cuộc đụng độ ngày 30-3 tại Dải Gaza. Ảnh: Anadolu Agency

Bạo lực bùng phát từ cuối tuần trước khi hàng nghìn người Palestine, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, tập trung tại 6 khu vực ở phía Đông Dải Gaza tham gia cuộc tuần hành hòa bình nhằm gửi thông điệp đến thế giới rằng người Palestine có các quyền hợp pháp, trong đó có quyền hồi hương. Cuộc tuần hành này mở màn đợt biểu tình kéo dài 6 tuần cho đến khi văn phòng mới của Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem khai trương dự kiến vào ngày 14-5 tới.

Quân đội Israel cho biết, ngày 30-3, có khoảng 30.000 người Palestine tham gia biểu tình. Nhiều nhóm biểu tình đã tiến gần các rào chắn biên giới và lực lượng Israel đã sử dụng hơi cay, bắn đạn thật để buộc những người này lùi lại. Đụng độ đã khiến 16 người Palestine thiệt mạng và khoảng hơn 1.400 người khác bị thương.

Phía Palestine cáo buộc Israel sử dụng vũ lực bừa bãi, trong khi quân đội Israel khẳng định chỉ nổ súng khi cần thiết để chống lại những người ném đá, lựu đạn hoặc đẩy lốp xe về phía các binh sĩ Israel. Theo AFP, ngày 30-3 được xem là ngày bạo lực tồi tệ nhất ở Dải Gaza kể từ năm 2014. 

Ngay sau đó, Tổng thống Mahmoud Abbas đã cáo buộc Israel sử dụng vũ lực đối với người Palestine, đồng thời tuyên bố Israel phải chịu trách nhiệm về hành động này. Nhiều quốc gia và tổ chức trong khu vực đã chỉ trích mạnh mẽ hành động trấn áp người biểu tình của quân đội Israel.

Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) kêu gọi tiến hành điều tra làm rõ những vụ việc và yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) can thiệp nhằm chấm dứt tình hình bạo lực hiện nay. Trong khi đó, Liên đoàn Arab cho rằng, đây là hành động tàn bạo và khẳng định Israel phải chịu trách nhiệm vì những gì đã gây ra.

Trong cuộc họp khẩn diễn ra ngay sau đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini đã yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra độc lập về vụ tấn công của quân đội Israel nhằm vào người biểu tình Palestine.

Thay mặt 28 quốc gia thành viên EU, bà Federica Mogherini tuyên bố việc sử dụng đạn thật sẽ được xem xét trong một cuộc điều tra độc lập và minh bạch, đồng thời lưu ý tự do ngôn luận và tự do hội họp là quyền cơ bản của công dân và cần phải được tôn trọng.

Tuy nhiên, HĐBA LHQ lại không đưa ra một bản nghị quyết lên án Israel. Điều này càng khiến người dân Palestine vô cùng thất vọng và tức giận. Chính quyền Palestine đổ lỗi cho Mỹ và Anh khi hai nước này phản đối HĐBA LHQ đưa ra nghị quyết chỉ trích Israel. Tổng thống Mahmoud Abbas cho rằng, Mỹ đã cung cấp một lực lượng yểm trợ Israel tiếp tục tiến hành bạo lực nhằm vào người Palestine, đồng thời ủng hộ việc Israel phớt lờ các nghị quyết hợp pháp của quốc tế.

Tuyên bố của ông Mahmoud Abbas khẳng định, các cuộc biểu tình của người dân Palestine sẽ tiếp diễn nhằm phản đối tại HĐBA LHQ hoặc Đại Hội đồng LHQ việc Israel chiếm đóng các vùng đất của Palestine và yêu cầu quốc tế bảo vệ những người dân Palestine.

Căng thẳng giữa Israel và Palestine bùng phát đang làm lu mờ triển vọng thúc đẩy các cuộc đối thoại hòa bình ở Trung Đông đang bị đình trệ bấy lâu nay. Điều cần thiết lúc này là cộng đồng quốc tế phải tham gia tích cực hơn nữa nhằm tìm ra giải pháp chính trị nhằm tiến tới hoà bình cho Israel và Palestine.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO