Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:48 GMT+7

“Ngôi nhà hạnh phúc” cho học sinh dân tộc thiểu số

Biên phòng - Đúng như tên gọi “Ngôi nhà hạnh phúc” – chương trình do Trung tâm Tình nguyện Quốc gia trực thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khởi xướng và triển khai đã mang đến những mái ấm tình thương cho các em học sinh mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em ở vùng sâu, vùng xa, học sinh dân tộc thiểu số.

Đại diện Đoàn thanh niên và chính quyền địa phương trao quà cho 2 em Lầu Thị Nhung và Lầu Thị Sinh tại lễ khởi công “Ngôi nhà hạnh phúc”. Ảnh: Bá Lợi

Khởi nguồn từ ý tưởng của anh Hoàng Hoa Trung - một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019, thông qua Dự án “Sức mạnh 2000”, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia đã triển khai chương trình “Ngôi nhà hạnh phúc” tại nhiều địa phương, thu hút sự tham gia đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, hội viên, thanh niên trên cả nước; trở thành một trong những công trình thanh niên tiêu biểu, mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp.

“Tiền lẻ mỗi ngày, triệu người chung tay”

Đó là hình thức gây quỹ tưởng chừng như đơn giản, thiếu khả thi, nhưng đã mang lại hiệu quả ngoài mong đợi. Theo đó, chỉ cần mỗi người đóng góp ít nhất 2.000 đồng/ngày thì nhiều người ủng hộ sẽ “tích tiểu thành đại”, tạo nguồn kinh phí để xây dựng những công trình có giá trị đối với cộng đồng, đặc biệt là dành tặng trẻ em tại vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn trên cả nước.

Theo anh Hoàng Hoa Trung, Chủ nhiệm Dự án “Ánh sáng núi rừng”, đồng thời là “cha đẻ” của Dự án “Sức mạnh 2000”, nếu làm một phép tính đơn giản, mỗi người đóng góp 2.000 đồng/ngày thì 100.000 người tham gia sau một năm sẽ gây quỹ được 73 tỷ đồng. Đặc biệt, nếu có 1 triệu người tham gia thì số tiền quyên góp được sẽ lên đến hơn 500 tỷ đồng. Từ năm 2009 đến tháng 2-2020, Dự án “Ánh sáng núi rừng” đã xây dựng được 29 điểm trường trên cả nước.

Tiếp nối thành công đó, năm 2020, thông qua Dự án “Sức mạnh 2000”, đã có thêm 77 công trình điểm trường, nhà nội trú, “Ngôi nhà hạnh phúc” được đưa vào sử dụng. Ban Tổ chức mong muốn thay đổi được suy nghĩ “chỉ người giàu mới làm từ thiện” và mở ra góc nhìn mới cho mọi người về giá trị mà 2.000 đồng có thể mang lại.

Từ cuối năm 2020 đến nay, đã có 25 “Ngôi nhà hạnh phúc” được xây dựng cho học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn tại 17 huyện thuộc 13 tỉnh trên cả nước. 2 “Ngôi nhà hạnh phúc” tại tỉnh Sơn La mở đầu cho 65 công trình thanh niên mà Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia kêu gọi các tổ chức, cá nhân, hội viên, thanh niên chung tay triển khai để chào mừng 65 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15/10/1956 - 15/10/2021).

Chị Đỗ Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia chia sẻ: “Nhờ công việc, tôi được đến nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, khó khăn, gian khổ, chứng kiến nhiều hoàn cảnh cơ cực. Tôi thật xót xa khi nhìn thấy những ngôi nhà không thể gọi là nhà, những điểm trường tạm bợ, dột nát. Tôi tin, nếu mỗi người trong chúng ta, chỉ cần rộng mở tấm lòng, trao đi yêu thương, đóng góp từ 2.000 đồng/ngày thì những điều nhỏ bé sẽ tạo nên sức mạnh phi thường, biến những đồng tiền ít ỏi trở thành những công trình cộng đồng có ý nghĩa cho trẻ em tại các vùng khó khăn trên khắp cả nước”.

Là một trong 4 chương trình thuộc Dự án “Sức mạnh 2000”, “Ngôi nhà hạnh phúc” đã nhận được sự chia sẻ, chung tay của những tấm lòng nhân ái. Điều đặc biệt là sau khi những “Ngôi nhà hạnh phúc” được hoàn thành, tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên tại địa phương sẽ nhận đây là địa chỉ đỡ đầu, đồng thời kêu gọi Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tại các tỉnh, thành phố hoặc các tổ chức, cá nhân nhận hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho đến khi các em 18 tuổi.

Sưởi ấm những trái tim hồng

Trong 2 ngày 4 và 6-8-2021, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Sơn La đã lần lượt khởi công 2 “Ngôi nhà hạnh phúc” cho 2 gia đình học sinh dân tộc thiểu số mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Sơn La.

Ngôi nhà thứ nhất được xây tặng gia đình 2 chị em ruột là Quàng Thị Khôn, học sinh lớp 6 và Quàng Thị Vân, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai. 2 em là người La Ha - một trong 16 dân tộc thiểu số rất ít người (dưới 10.000 người) tại Việt Nam.

Hiện nay, gia đình 2 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố qua đời vì bệnh hiểm nghèo, 3 mẹ con không có nhà phải ở nhờ người thân cùng bản. Do thiếu đất sản xuất, không có thu nhập nên gia đình 2 em thường xuyên thiếu ăn và không có tiền cho 2 em ăn học. Tại lễ khởi công, đón nhận món quà ý nghĩa từ chương trình, 2 em xúc động không nói nên lời. Đại diện chính quyền và các đoàn thể tại địa phương cho biết, sẽ tạo điều kiện để giúp đỡ, động viên 2 em vươn lên trong cuộc sống và học tập.

Các đoàn viên, thanh niên và người dân địa phương tham gia đào móng xây dựng nhà cho 2 em Quàng Thị Khôn và Quàng Thị Vân. Ảnh: Bá Lợi

Cùng chung niềm vui với Quàng Thị Khôn và Quàng Thị Vân là em Lầu Thị Nhung và em gái Lầu Thị Sinh, dân tộc Mông, ở xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai. Nhung học lớp 7, còn Sinh học lớp 3, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Ngày bố Nhung mắc bệnh hiểm nghèo qua đời, Nhung và em gái còn nhỏ, mẹ Nhung thường xuyên ốm đau, cuộc sống rất khó khăn. Vượt lên tất cả, Nhung và Sinh đã tích cực học tập, nhiều năm liền, Nhung luôn đạt học sinh khá giỏi. Khi được hỏi về niềm mong mỏi lớn nhất hiện nay, 2 em chỉ mong sao ngôi nhà sớm được hoàn thành để 3 mẹ con có chỗ trú ngụ và 2 em có chỗ học tập tốt hơn.

Thùy Chi

Bình luận

ZALO