Biên phòng - Nghĩ về các thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) Sinh viên Mông tình nguyện tại Hà Nội, trong tôi cứ ngân nga câu hát trong bài hát “Người Mèo ơn Đảng” của nhạc sĩ Thanh Phúc với tràn đầy niềm hy vọng: “Đây sườn núi lưng đèo người Mèo ca hát/ Sao còn sáng trên trời người Mèo ơn Đảng/ Bao đời nay sống nghèo lam lũ/ Nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi…”.

Ra đời từ năm 2017, hiện, CLB Sinh viên Mông tình nguyện tại Hà Nội có 30 thành viên, là những sinh viên đến từ các vùng quê và học tập tại các trường đại học, cao đẳng khác nhau trên địa bàn Thủ đô. Họ có khát khao hoài bão làm được điều gì đó cho cộng đồng người Mông. Người khởi tạo và có công rất lớn trong việc thành lập CLB Sinh viên Mông tình nguyện tại Hà Nội là chị Lồ Thị Sáy (quê ở xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai), nguyên Chủ nhiệm CLB.
Theo chị Sáy thì sinh viên người Mông học ở Hà Nội không hề ít nhưng lại không tập trung ở các trường đại học mà chủ yếu ở các trường cao đẳng, trung cấp. Vì vậy, để liên hệ được với các bạn là điều không dễ dàng. Hơn nữa, vì là người dân tộc thiểu số, lại có ngôn ngữ riêng nên phần lớn các bạn sống khá thu mình. Nhưng bằng quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Sáy cũng như các thành viên trong CLB đã tìm kiếm, tập hợp và bồi dưỡng những người trẻ dân tộc mình sống ở Thủ đô để tạo nên một cộng đồng người có cùng chí hướng, khát khao cống hiến.
Trong suốt 5 năm qua, CLB đã duy trì được nhiều hoạt động có ý nghĩa, như: “Tin học văn phòng”, “7 ngày thử yêu English”... nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng tin học, tiếng Anh cho các bạn sinh viên người Mông. Hay các hoạt động cộng đồng như “Tết Mông xuống phố” nhằm đưa đặc sản của người Mông xuống tiêu thụ ở Hà Nội để lấy tiền làm từ thiện trong “Hành trình về bản” tại thôn San 2, xã Hoàng Liên (thị xã Sa Pa)... Ngoài ra, CLB cũng thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ người Mông nói riêng và người dân tộc thiểu số nói chung mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, gần đây, nhận thức của CLB đã có những thay đổi. Họ không chỉ tặng quà cho bà con mà muốn hướng tới các hoạt động làm thay đổi suy nghĩ của người dân. Ví dụ như trong chuyến thiện nguyện ở thôn San 2 (xã Hoàng Liên), CLB đã lồng ghép việc giáo dục thay đổi nhận thức bằng các tiểu phẩm sử dụng ngôn ngữ dân tộc Mông (vì hơn 70% bà con ở đây không biết tiếng Kinh) về các vấn đề liên quan đến vấn nạn tảo hôn, buôn bán ma túy, mua bán người, thất học... Các tiểu phẩm đã thể hiện rõ nguyên nhân, hậu quả và đưa ra các biện pháp khắc phục.
Không thể phủ nhận sự ra đời và hoạt động của CLB đã giúp các thành viên tự tin trong giao tiếp và bồi đắp lòng tự hào về dân tộc mình. Anh Xồng Bá Thành (quê ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh: “CLB Sinh viên Mông tình nguyện tại Hà Nội đã thay đổi cuộc đời tôi. Nhờ các anh chị trong CLB bồi dưỡng thêm các lớp tiếng Anh, tin học, kỹ năng mềm... cũng như được tham gia các hoạt động mà tôi luôn cảm thấy mình rất tự tin vào công việc để góp sức cho cộng đồng”.
Không dừng lại với những gì mình đang có, trong thời gian tới, các thành viên trong CLB mong muốn, mọi người sẽ biết đến CLB nhiều hơn nữa. Bởi họ quan niệm, đây không chỉ là nơi kết nối, giúp đỡ sinh viên người Mông, mà còn có những hoạt động thiết thực giúp đỡ người Mông và nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số khác. Được biết, trong thời gian tới, khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, CLB dự định tổ chức một số sự kiện thể dục, thể thao như: Bóng đá, bóng chuyền, rồi tổ chức sự kiện “Chào tân sinh viên Mông” đang học tập ở Thủ đô. Đặc biệt, CLB mong muốn được kết nối với các CLB sinh viên người dân tộc thiểu số khác để tạo nên cộng đồng sinh viên dân tộc thiểu số, từ đó, học hỏi, sẻ chia những mô hình hay, cách làm sáng tạo áp dụng vào thực tế hoạt động của CLB.
Mỗi thành viên trong CLB luôn mong muốn sẽ là một mắt xích kết nối với nhau để tạo ra sự gắn kết và sức lan tỏa rộng lớn hơn. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng, hiện nay, nhiều giá trị văn hóa của người Mông đang dần mai một bởi những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đây là vấn đề lớn, mang tính lâu dài nên trong tương lai, CLB muốn cùng chính quyền địa phương nơi có người Mông sinh sống sẽ khơi dậy lòng đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong mỗi người dân mà trước hết là từ những người trẻ. Cùng với đó, họ muốn có những hoạt động cụ thể để có thể thay đổi một phần nhận thức của đồng bào mình.
Chủ nhiệm CLB Mùa Thị Ka (quê ở xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh: “Thông qua các hoạt động của CLB, chúng tôi muốn lan tỏa thông điệp, thanh niên làm tình nguyện ở các bản làng heo hút, xa xôi không chỉ có người Kinh, mà còn có người Mông. Điều đó sẽ là minh chứng để người dân bản địa thay đổi nhận thức, thúc đẩy việc họ cho con em mình đi học nhằm kiếm tìm một tương lai tốt đẹp hơn”.
Có thể nói, giữa cuộc sống nhộn nhịp ở Thủ đô, CLB Sinh viên Mông tình nguyện tại Hà Nội đã và đang dang rộng vòng tay để tiếp nhận và tạo nên sân chơi để các bạn trẻ có thể phát huy tối đa năng lực, sở trường để đóng góp công sức cho sự phát triển của dân tộc Mông. Tin rằng, vùng đồng bào dân tộc Mông sẽ có tương lai tươi sáng hơn nữa khi có những thế hệ trẻ có tri thức và giàu khát vọng như các thành viên trong CLB Sinh viên Mông tình nguyện tại Hà Nội.
Dương Trọng Thành