Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 25/03/2023 10:11 GMT+7

“Ngọc quý” giữa ngàn mây

Biên phòng - Trên đỉnh núi ngút ngàn mây, cây thảo quả được ví như một món quà quý báu mà thiên nhiên ban tặng cho người Mông ở Hồng Ngài. Nhờ thảo quả, nhiều hộ dân trở thành tỉ phú. Thế nhưng, đối với người Mông ở nơi được coi là thâm sơn cùng cốc của Lào Cai, thứ quý nhất không hẳn là cây thảo quả mà là tinh thần hiếu học.

duet_10a
Chị Lý Thị Tòng, ở thôn Hồng Ngài mua sắm quần áo mới cho cô con gái trước khi bước vào học kỳ mới. Ảnh: Bích Nguyên

Hồng Ngài là thôn biên giới heo hút của xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai. Cho tới tận bây giờ, đường vào Hồng Ngài dù đã được mở rộng vẫn là thử thách lớn với những lữ khách bởi mặt đường gồ ghề, xóc lộn ruột.

Nhắc tới con đường gập ghềnh này, ông Ly Giờ Lúy, nguyên Chủ tịch xã Y Tý hồi tưởng: “Trước đây, chỉ có đường con trâu, con ngựa đi thôi. Từ trong bản Hồng Ngài ra trung tâm xã phải đi bộ xuyên rừng, cắt núi chừng 3-4 tiếng”. Cũng theo lời ông Lúy, trên con đường xuyên rừng ấy, chi chít vết chân trâu còn có cả những dấu chân của nhiều lớp người Hồng Ngài xuống núi học chữ.

Băng rừng, lội suối về xuôi học chữ

“Tôi phải mang theo cơm nắm, đi bộ cắt rừng, lội suối một ngày đường, qua trung tâm Mường Hum, xuống xã Bản Xèo để học tiểu học. Mỗi lần xuống núi trường học là luôn một vài tháng. Hồi đó, người Mông chúng tôi rất khổ, chỉ ăn cơm trắng với rau rừng nhưng không vì thế mà ngại học” – Anh Vàng A Chu (49 tuổi) hồi tưởng lại tuổi thơ với niềm tự hào khi nói về tinh thần hiếu học của người Mông ở Hồng Ngài.

Tôi không được đi học đúng tuổi vì đường rừng nguy hiểm, bố mẹ không dám để tôi đi một mình. Mãi tới năm 12 tuổi, tôi mới bắt đầu đi học lớp 1. Suốt 5 năm liền, tôi theo đường rừng xuống trường học. Mỗi năm chỉ về nhà một vài lần” 

Anh Vàng A Chu lý giải về sự “lận đận” trong việc học hành của mình. 

Khi anh Chu ra đời, ở Hồng Ngài chưa có trường lớp. Cuộc sống quá đói khổ, thế nên việc học với người Mông ở chốn rừng già này quả là gian nan, vất vả không khác gì tìm ngọc giữa rừng già.

Vậy mà trẻ nhỏ ở Hồng Ngài vẫn đi học chữ, chỉ có điều là bắt đầu muộn hơn so với mặt bằng chung mà anh Chu là một ví dụ. Bởi đến năm 17 tuổi, anh mới hoàn thành chương trình tiểu học.

Câu chuyện của chúng tôi sôi nổi hơn với sự góp mặt của chàng trai trẻ Vàng A Sài, năm nay 25 tuổi, người có lối nói chuyện hoạt bát, dí dỏm. Sài đã đi nhiều nơi, có thời gian sang cả Trung Quốc làm thuê, về qua lối cửa khẩu ở tỉnh Cao Bằng. Giống như bậc cha chú mình, kỷ niệm ấu thơ của Sài là những ngày xuống núi học chữ với đôi chân trần và cái bụng đói nhiều hơn no.

Trên con đường trơn trượt giữa rừng già, Sài cùng bạn bè đội mưa, đội nắng, đi cả trong gió tuyết nhẫn nại bước từng bước một ra trung tâm xã học tiểu học. Lên cấp học cao hơn, Sài phải đi bộ về trung tâm huyện học nội trú. “Nhiều lần, trời lạnh buốt, tuyết phủ trắng rừng, vậy mà xuống tới trường, bọn em ướt hết cả áo vì mồ hôi. Một năm em chỉ được về nhà 2 lần. Mỗi lần mẹ và em trai em xuống thăm, cả ba mẹ con đều ôm nhau khóc” - Sài mỉm cười nhớ lại thủa ấu thơ.

Xa gia đình, những cô cậu học trò ở Hồng Ngài phải tự bảo nhau chăm sóc cho mình, tự giặt giũ, nấu ăn. “Bọn em phải đi hái rau rừng, ra suối bắt cá về nấu ăn thêm” - Sài kể. Dù khó khăn, Sài và bạn bè vẫn đua nhau học. 

Hướng tới những mục tiêu xa hơn

“Có học mới tiến xa được” - Anh Chu chia sẻ. Với suy nghĩ đó, vợ chồng anh luôn chú tâm đầu tư cho 5 người con học hành. Anh luôn hãnh diện về cô con gái lớn đang học tại Đại học Luật Hà Nội.

Sương phủ kín lối, càng về tối, trời càng lạnh, ngồi bên bếp lửa hồng ở Tổ công tác Biên phòng Hồng Ngài, ông Vàng A Dủa, bố của Sài buột miệng: “Xưa kia đường sá xa xôi, khổ vô cùng nhưng bọn trẻ rất ham học. Mấy đứa con nhà tôi, không đứa nào đòi bỏ học vì khổ quá cả”. 

v4qb_10
Học sinh ở Hồng Ngài hiện giờ có thể theo học cấp trung học cơ sở ngay tại xã Y Tý. Ảnh: Bích Nguyên

Ông Dủa sinh ra và lớn lên ở Hồng Ngài lại làm trưởng thôn mấy chục năm trời, vì thế am tường từng gia đình trong bản. Ông bảo: “Điều người Mông ở Hồng Ngài tự hào nhất là tinh thần hiếu học. Trước đây, người Mông đói lắm, ngô không có mà ăn nhưng vẫn lo cho con đi học. Trong bản không có trường, phải ra xã học tiểu học, học cao hơn nữa phải xuống tận dưới huyện. Vài tháng bọn trẻ mới về nhà một lần. Vợ chồng tôi thỉnh thoảng xuống trường thăm con. Lúc đó, trong nhà có gì gói cả cho bọn chúng. Thương bọn trẻ lắm, nhưng chúng ham học thì mình phải cũng phải nén lòng nhớ thương, động viên chúng”.

Mãi tới năm 2004 mới có đường xe đi từ trung tâm huyện Bát Xát lên xã Y Tý. Đường đi học của con em Hồng Ngài bớt được phần nào khó khăn. Đến năm 2014 thì có đường từ xã Y Tý vào Hồng Ngài. Để cho con cháu thuận tiện cho việc học hành, ông Vàng A Pó hiến đất vườn nhà mình cho Nhà nước xây điểm trường Tiểu học Y Tý. Nhờ vậy, Hồng Ngài có điểm trường mầm non và tiểu học. Hiện, thôn Hồng Ngài có 9 học sinh đang học phổ thông trung học, 13 em học trung học cơ sở và 56 học sinh tiểu học.

"Hiện, Hồng Ngài có 5 người đã và đang học đại học, 1 người học trung cấp. Một số con em của Hồng Ngài có trình độ trung cấp, cử nhân đại học đang đảm nhiệm công việc ở các cơ quan Nhà nước của huyện Bát Xát” -Trung tá Trần Văn Dương, Tổ công tác Biên phòng Hồng Ngài cho biết.

Quyết tâm của ông Dủa và những người Mông ở Hồng Ngài đã được đền đáp bằng những quả ngọt. Các con của ông Dủa đều được đi học đầy đủ. Riêng cậu con cả Vàng A Sáo, hiện làm trưởng thôn vẫn tiếp tục học chuyên ngành luật tại trường Cao đẳng Cộng đồng Lào Cai để có thể tiến xa hơn. 

Tạm biệt vùng đất tận cùng biên giới Lào Cai này, tôi mới nghiệm ra một điều, Hồng Ngài vừa xa, vừa gần. Xa là bởi khoảng cách địa lý, bởi con đường vẫn chưa được bê tông hóa hoàn toàn. Nói gần cũng không sai vì khoảng cách chênh lệnh về trình độ nhận thức so với vùng đồng bằng đang dần được rút ngắn. Ngày càng có nhiều người trẻ ở Hồng Ngài đã vượt núi thành công, tiệm cận với những giá trị và thi thức hiện đại.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO