Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 04:52 GMT+7

Ngoại giao là công cụ sắc bén giải quyết vấn đề Biển Đông

Biên phòng - Quan điểm nhất quán của Việt Nam là sử dụng biện pháp hòa bình, tuân thủ nghiêm luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông. Thế giới đánh giá cao lập trường của Việt Nam và cho rằng, đây chính là cơ sở vững chắc, sự đúng đắn và kịp thời có tầm vóc chiến lược bền vững.

Đại diện các nước chúc mừng Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ảnh: Liên hợp quốc

Nói không với vũ lực

Theo Giáo sư Phạm Quang Minh - chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, vấn đề Biển Đông phức tạp bởi đây là tuyến giao thương hàng hải lớn và nhộn nhịp nhất của thế giới. Chính vì vậy, những quốc gia lớn đều có lợi ích tại đây.

Song hành với những đóng góp quan trọng về tăng cường hợp tác kinh tế là những diễn biến phức tạp, đe dọa tới hòa bình. Bởi lẽ, những quốc gia lớn đều có tiềm lực quân sự rất mạnh nên mọi cử chỉ thiếu thiện chí cũng có thể gây nên áp lực về trật tự, an ninh. Trong đó, không chỉ có những nước lớn mới có vai trò bảo đảm an ninh, mà những áp lực này cũng đè nặng lên các nước nhỏ hơn, đòi hỏi vai trò rất quan trọng từ các quốc gia trong khu vực Biển Đông.

Kể từ năm 1988, Việt Nam đã có chiến lược ngoại giao và an ninh mới. Chiến lược này bao gồm 3 trụ cột gồm: Nền kinh tế mạnh; nền quốc phòng vừa đủ mạnh; nền ngoại giao rộng mở. Trong hơn 30 năm qua, chiến lược này đã giúp cho Việt Nam ngày càng vững mạnh hơn, bảo vệ tốt chủ quyền lãnh thổ và đặc biệt là nâng cao vị thế trên trường quốc tế, ngày càng trở thành quốc gia có uy tín cao hơn được thế giới ghi nhận.

Là một quốc gia trải qua 2 cuộc chiến tranh khốc liệt trong thời hiện đại, hơn ai hết, Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình, tạo dựng môi trường hòa bình chính là nền tảng quan trọng nhất cho sự phát triển. Quan điểm này của Việt Nam đã được khẳng định từ rất sớm và luôn là ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cùng ASEAN đã kiến tạo nên một khu vực tương đối hòa bình và ổn định, trở thành một đầu mối giao thương lớn và thành công của cả thế giới.

Hiện nay, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đang dẫn dắt ASEAN thực hiện nhiều sáng kiến, thúc đẩy nhiều giải pháp chiến lược, trong đó, Biển Đông là một ưu tiên hàng đầu. Lập trường, quan điểm bất di bất dịch của Việt Nam là sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, không sử dụng vũ lực, không đe dọa vũ lực.
Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở sẽ bao hàm những nội dung đảm bảo cho khu vực được tự do hàng hải trên cơ sở tôn trọng pháp luật, chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và sự thịnh vượng của khu vực, bao gồm cả Biển Đông.

Nâng tầm uy tín quốc tế

Việc Việt Nam trong nhiều năm gần đây liên tục gia tăng vị thế trên trường quốc tế đã minh chứng cho những chiến lược tạo dựng môi trường hòa bình mà Việt Nam thực hiện, đồng thời nhận được sự hưởng ứng rất lớn và quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam được nhìn nhận là một quốc gia chủ động thích ứng và có trách nhiệm rất cao trong công việc chung của khu vực cũng như của thế giới. Việc Việt Nam dù là một quốc gia nhỏ nhưng nhận được gần như tuyệt đối lượng phiếu bầu vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là minh chứng rõ nét nhất khẳng định cho vị thế mới của Việt Nam.

Cũng theo Giáo sư Phạm Quang Minh, để gây dựng nên những thành công đó, chiến lược ngoại giao của Việt Nam là rất đúng đắn và thực tế đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Chỉ trong hơn 30 năm đổi mới đất nước, Việt Nam từ sự khởi đầu bỡ ngỡ với hợp tác đa phương, khởi động quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế từ tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường, thì đến nay, Việt Nam đã hòa nhập rất tốt, tạo dựng được vị thế cao trên thế giới. Trong đó, ngoại giao được xem là lĩnh vực gặt hái được nhiều thành công ấn tượng, tạo ra dấu ấn quan trọng thúc đẩy hiệu quả tiến trình hội nhập.

Đảo Trường Sa Đông, tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến bất ổn, nhiều sự chuyển dịch trật tự, chủ nghĩa đơn phương, cá nhân dân tộc nổi lên đe dọa tới chủ nghĩa đa phương. Khác với những cường quốc có tiềm lực quân sự mạnh, cách thức giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình bằng ngoại giao vẫn là con đường duy nhất dành cho những nước vừa và nhỏ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng, chiêng có to tiếng mới lớn”. Đây chính là “kim chỉ nam” cho Việt Nam chủ động thích ứng với các diễn biến phức tạp quốc tế. Ngoài việc củng cố nội lực, chủ nghĩa đa phương sẽ giúp các nước tạo dựng sức mạnh tập thể. Để làm được điều này, ngoài nội lực mạnh thì sự đoàn kết, đồng thuận sẽ giúp cho Việt Nam tạo nên một tiếng nói ngoại giao lớn và mạnh mẽ hơn.

Hiện nay, chiến lược giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và các biện pháp hòa bình của Việt Nam đang nhận được sự hưởng ứng rất mạnh mẽ của ASEAN, các nước liên quan cũng như của cả thế giới. Từ đó tạo ra sự đoàn kết, thống nhất cao để cùng triển khai các biện pháp hòa bình, tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế, tận dụng được tiếng nói quốc tế, xây dựng cơ sở vững chắc để bảo vệ chủ quyền theo chiến lược bền vững.

Thanh Trúc (tổng hợp)

Bình luận

ZALO