Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:02 GMT+7

Ngoại giao ASEAN trong bộn bề thách thức

Biên phòng - Hội nghị ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 52 (AMM-52) và các hội nghị liên quan thường niên năm nay diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) từ ngày 30-7 đến 3-8, quy tụ khoảng 30 bộ trưởng ngoại giao và các đại diện từ thế giới đến Thái Lan. Sự kiện này tạo cơ hội để ASEAN tham gia các hoạt động ngoại giao đa phương và song phương, trong bối cảnh thế giới và khu vực đang bộn bề thách thức. Đây chính là chất xúc tác để ASEAN nhận được sự ủng hộ ngày càng cao đối với vai trò trung tâm của mình, khi ASEAN liên tục được cọ xát trong một môi trường ngoại giao ngày càng khắc nghiệt.

xs5z_26a
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN chụp ảnh chung tại hội nghị. Ảnh: ASEAN 2019

ASEAN chỉ ra thách thức

Tại AMM-52, các Bộ trưởng Ngoại giao đã thảo luận nhiều nội dung về tình hình xây dựng Cộng đồng, quan hệ đối ngoại và rà soát việc chuẩn bị cho các Hội nghị Cấp cao cuối năm, cũng như trao đổi ý kiến về những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Các Bộ trưởng khẳng định quyết tâm thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, tiếp tục triển khai các định hướng, sáng kiến xây dựng ASEAN tự cường, sáng tạo và phát triển bền vững mọi mặt trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều chuyển biến nhanh chóng. 

Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ với bên ngoài. Ghi nhận những tiến triển thời gian qua, các Bộ trưởng Ngoại giao nhất trí ASEAN tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác; nhất trí giới thiệu với các đối tác về Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhấn mạnh những mục tiêu, nguyên tắc của ASEAN trong hợp tác vì khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng.

Các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, xử lý hữu hiệu các thách thức đang nổi lên, như vấn đề Triều Tiên, thương mại Mỹ-Trung, thách thức an ninh phi truyền thống, hợp tác biển... Các Bộ trưởng đã thảo luận sâu rộng về tình hình Biển Đông, ghi nhận quan ngại về các hoạt động tôn tạo bồi đắp, đặc biệt là những sự cố nghiêm trọng đang diễn ra trên Biển Đông, đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và gây phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. 

Hội nghị đã ra được Tuyên bố chung, trong đó, các Bộ trưởng ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông cũng như ghi nhận những lợi ích khi Biển Đông hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Các Bộ trưởng ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), đồng thời bày tỏ sự ủng hộ việc tiếp tục tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc trong tiến trình đàm phán hướng tới kết thúc sớm, hiệu quả và thực chất Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) theo lộ trình được hai bên nhất trí. Các bên cũng hoan nghênh nỗ lực hoàn tất “Văn bản dự thảo sơ bộ COC” (gọi tắt là Văn bản SDNT) trong năm nay. Các hội nghị ASEAN với các đối tác cũng thu được những thành công rực rỡ.

Ngoại giao ASEAN - sự tích lũy nỗ lực và khả năng thích ứng

Lùi về năm 1967, ASEAN chỉ bắt đầu với một nhóm các nước Đông Nam Á đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức cùng những hệ thống chính trị và định hướng chính sách đối ngoại khác nhau, cùng hợp lại với một nguyện vọng chung: đặt nền móng cho sự ổn định và phát triển của khu vực, bởi khu vực và vì khu vực. Tuyên bố Bangkok đã khai sinh ra ASEAN và từ đó, giấc mơ về một Đông Nam Á đồng lòng hơn, hòa bình hơn và thịnh vượng hơn không chỉ kết nối với thế giới, mà còn có khả năng quản lý hiệu quả các mối quan hệ với thế giới. 

Kể từ đó, ASEAN đã trải qua một chặng đường dài, vượt qua Chiến tranh lạnh và các cuộc xung đột trong khu vực, để chuyển biến từ một hiệp hội lỏng lẻo với chỉ 5 thành viên để trở thành một Cộng đồng ngày càng toàn diện và đặt người dân làm trọng tâm với 10 thành viên, với nỗ lực không để bất kỳ ai ở phía sau và cùng hướng tới tương lai. Sự tiến triển của Cộng đồng ASEAN trong nhiều năm qua thể hiện rất rõ ràng, với tỷ lệ nghèo đói của ASEAN đã giảm từ 47% vào năm 1990 xuống còn 14% vào năm 2015. GDP bình quân đầu người đã tăng gấp 33 lần, từ 122 USD vào năm 1967 lên 4.021 USD năm 2016.

Tuy nhiên, tầm nhìn của ASEAN không chỉ là xây dựng một cộng đồng ASEAN trong một Đông Nam Á hòa bình và thịnh vượng, mà còn phải tập trung vào việc thúc đẩy các mối quan hệ đối tác trong và ngoài ASEAN theo một cách thức bền vững, đặc biệt trong bối cảnh tình hình khu vực đang thay đổi nhanh chóng và một bối cảnh địa chiến lược đầy biến động. Hiện, khoảng 3/4 khối lượng thương mại của ASEAN là với phần còn lại của thế giới. Từ chiến lược đẩy kéo của các lợi ích cạnh tranh từ bên ngoài khu vực, đến sự dao động thường xuyên của các xu thế công nghệ và nhân khẩu học, ASEAN cần phải có khả năng thích ứng với những thách thức và thay đổi mới.

Chìa khóa thành công

Theo giới phân tích, để quản lý hiệu quả những thách thức và cơ hội từ bên ngoài đối với ASEAN không phải là chuyện dễ. Có những yếu tố chính trong cấu trúc khu vực mà ASEAN cần giữ vững để củng cố sức mạnh của mình trong việc đối phó với sự biến động môi trường này. Nhưng làm sao để thực hiện được mục tiêu đó. Trước hết, đó chính là sự thống nhất và gắn kết của ASEAN.

Đây chính là chìa khóa cho những thành tựu trong quá khứ của ASEAN và là cốt lõi của năng lực xúc tiến và bảo vệ các lợi ích của ASEAN, cả ở trong và ngoài Đông Nam Á. Năng lực của ASEAN tạo ra từ sự thống nhất và gắn kết của khối này không chỉ thúc đẩy sự xây dựng cộng đồng, mà còn bảo vệ vai trò của nó trên bình diện khu vực và quốc tế: Với tư cách một tiếng nói ôn hòa, một cầu nối của nhiều ý tưởng, chính sách và một chất xúc tác cho hòa bình, thịnh vượng khu vực.

Bên cạnh đó là việc củng cố các tiêu chuẩn của ASEAN, vốn hỗ trợ việc định hướng các mối quan hệ trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, trong đó, Hiến chương ASEAN luôn cần được tôn trọng và các thỏa thuận ASEAN cần được thực thi đầy đủ. Thực vậy, dự báo về tiềm năng ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới từ nay đến năm 2030 dựa trên suy đoán rằng ASEAN sẽ thực thi đầy đủ mọi thỏa thuận kinh tế của mình.

Ngoại giao đa phương và vai trò trung tâm của ASEAN phải được phát huy hơn nữa. Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác tại Đông Nam Á (TAC) là một bằng chứng cho tính trung tâm của ASEAN bởi nó đã trở thành bộ quy tắc ứng xử then chốt điều hành các mối quan hệ liên quốc gia trong khu vực, với 37 bên ký kết, trong đó có tất cả các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Các điều lệ của TAC, tập trung vào việc xử lý một cách hòa bình các tranh chấp và sự hợp tác trong các lĩnh vực lợi ích chung, có thể và nên được áp dụng ra toàn khu vực rộng lớn hơn, nhằm tạo ra một trật tự có tính quy chuẩn trong kỷ nguyên của sự thay đổi và biến động này.

Hơn nữa là sự củng cố cấu trúc khu vực với ASEAN là trung tâm, bao gồm nhiều nền tảng do ASEAN dẫn đầu sẽ góp phần vào sự hòa bình và thịnh vượng của khu vực theo cách của riêng mình. Ở cấp cao nhất, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á cần phải được củng cố với tư cách là diễn đàn đối thoại chiến lược và hợp tác do các lãnh đạo hàng đầu dẫn dắt. Tuy nhiên, các nền tảng hợp tác khác cũng không kém phần quan trọng, từ ASEAN+3 đến Diễn đàn Khu vực ASEAN, từ ASEAN+1 đến Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).

Cấu trúc khu vực với ASEAN làm trọng tâm này sẽ hiệu quả hơn nếu được sử dụng để giúp triển khai các sáng kiến ASEAN nhằm củng cố năng lực khu vực trong việc đối phó các thách thức và tận dụng các cơ hội trong khu vực, như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - một trong những sáng kiến quan trọng cần được thúc đẩy để đi đến những bước hoàn tất trong năm nay; triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm phát triển các mối quan hệ đối tác bên ngoài khu vực, bao gồm hợp tác hàng hải, kết nối, phát triển bền vững và hợp tác kinh tế.

Hằng Linh

Bình luận

ZALO