Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 02/04/2023 06:31 GMT+7

Ngô Văn Lanh - lão ngư thời hiện đại

Biên phòng - Tôi gặp lão ngư Ngô Văn Lanh, chủ chiếc tàu vỏ thép PY99999TS, mang tên Xuân Thành 1, khi tàu đang vào cập cảng cá Vạn Phước (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) để bốc đá, lấy nhiên liệu, thực phẩm, chuẩn bị cho chuyến ra khơi cuối cùng trong năm. Trong lúc thuyền viên đang kiểm tra lại hàng hóa, trước khi đưa vào khoang tàu, ông Lanh nói với chúng tôi, lần này tàu sẽ bám biển cho đến trước ngày đưa ông Táo về trời thì vào cập bờ để thủy thủ về nhà, cùng gia đình ăn Tết sớm. Sau đó, tất cả cùng quay trở lại tàu, tranh thủ ra biển đánh bắt ngay trong dịp Tết.

zqx1_12b
Lão ngư Ngô Văn Lanh cùng người con trai kế nghiệp trên chiếc tàu vỏ thép hiện đại. Ảnh: Phương Oanh 

Vẹn toàn ngày Tết

Nhìn vóc dáng gầy gò, khuôn mặt khắc khổ với nụ cười hiền khô, lối nói chuyện chân chất của lão ngư Ngô Văn Lanh, nhiều người khó tin ông là chủ con tàu thép hiện đại công suất 800 mã lực, làm ăn hiệu quả bậc nhất ở tỉnh Phú Yên. Đến khi nghe ông chia sẻ về những trăn trở trên con đường làm ăn, cách tiếp cận với nghề cá hiện đại và phương thức chỉ huy "đội quân" của mình trên "trận địa" biển khơi, tôi mới thật sự ngỡ ngàng, nể phục và xúc động. "Chuyến tàu cuối năm này cố gắng đánh bắt đạt trên 40 tấn cá, tức tiền thu về ít nhất cũng hơn 500 triệu đồng. Như vậy, mỗi thuyền viên nhận từ 8 đến 10 triệu đồng, để anh em sắm cái Tết gia đình đủ đầy một chút. Dẫu sao cũng có tiếng ngư dân đi tàu thép 67" - Ông Lanh cười vui bộc bạch.

Ông Lanh cho biết, qua mùa mưa bão, càng gần đến Tết, biển càng ấm, sóng êm, cá xuất hiện dày trên ngư trường. Chuyện ngày Tết kiêng cữ không ra biển đánh bắt không còn mấy người để ý. Ngư dân bây giờ vẫn tranh thủ đi biển trong dịp Tết vì ai cũng muốn được chuyến biển đầu năm bội thu. Với họ, nếu đầu năm tàu về nhiều cá là may mắn, cả năm sẽ sung túc, ăn nên, làm ra. Tất nhiên ăn Tết trên biển không thể bằng ở nhà được, nhưng cũng có cái thú riêng, khá đặc biệt.

"Anh em chúng tôi đã dự tính, chuyến biển Tết sẽ mang trái cây, bánh tét, dưa món, thịt heo, gà và bia. Đêm giao thừa cuối năm, ở ngay giữa biển, mình làm mâm cỗ cúng trời đất, cúng Bà, các đấng thần linh mà lại hay. Đêm đó, tất cả sẽ nghỉ ngơi, khui bia đón giao thừa ngay trên boong tàu. Sáng mùng một nghỉ thêm một buổi để hít thở không khí ngày đầu năm, đến trưa sẽ bung mành, bắt tay vào đánh bắt" - Ông Lanh chia sẻ.

Vững vàng giữa ngư trường

Ông Lanh cho biết, trước khi có thêm chiếc tàu vỏ thép, ông đã sở hữu hai chiếc tàu vỏ gỗ, hành nghề giã cào tuyến lộng. Ngoài ra, ông còn có hai chiếc xe đông lạnh để thu mua cá khi tàu cập cảng chuyển bán cho các công ty chế biến thủy sản và các đầu mối đi các tỉnh. Nguồn thu mỗi tháng trên 30 triệu đồng, gia đình có của ăn, của để, song có lẽ đã bị nghiệp biển "hành" nên trong ông cứ luôn trăn trở lo toan.

 "Từ lâu, tôi vẫn nghĩ nghề cá ven bờ rồi đến lúc cũng cạn. Trong lòng luôn ao ước được vươn khơi xa, nhưng kinh tế còn eo hẹp lấy đâu nguồn vốn lớn để sắm tàu. Khi Nghị định 67 của Chính phủ ra đời, tôi sung sướng như nắm được "cây gậy thần" thực hiện điều ấp ủ " - Lão ngư Lanh trải lòng.

Để có thể vững vàng trong nghề mành chụp như hiện nay, ngay sau khi tiếp cận với Nghị định 67, ông Lanh bắt đầu chuyến tìm hiểu thực tế. Biết Bình Định là nơi có nhiều ngư dân kỳ cựu với nghề đánh bắt xa bờ, ông khăn gói ra Bình Định học hỏi. Lại nghe nghề mành chụp lưới mực của ngư dân Nghệ An đang đánh bắt rất hiệu quả, ông tìm đến xứ Nghệ. "Quyết định chọn nghề chụp mực, tôi quay về gọi con trai lớn đang kế nghiệp và thuyết phục anh Nguyễn Trung Thu, một thuyền trưởng vẫn đang lái tàu gỗ của mình đi đến các tàu cá của ngư dân Nghệ An, Ninh Bình học nghề. Ròng rã một năm trời, chúng tôi vừa đi học nghề, vừa thay phiên nhau giám sát việc đóng tàu" - Ông Lanh kể.

Đưa chúng tôi vào tham quan nơi ca bin con tàu, ông Lanh không giấu được niềm hân hoan tâm sự: Con tàu có trị giá 16,5 tỷ đồng, đây là số tiền vượt quá xa khả năng của những ngư dân như tôi đi lên từ nghề ven bờ. Đổi lại, cùng với sự vững vàng, chắc chắn, khả năng chịu sóng, chịu gió của một con tàu vỏ thép to lớn để bám biển thì chính những ưu thế vượt trội như: Động cơ 2 máy diesel, hệ thống giàn lưới chụp hiện đại và các loại thiết bị hàng hải, hệ thống bảo quản sản phẩm đã giúp tôi tạo nên một cuộc bứt phá trong nghề nghiệp.

Chỉ lên hai chiếc máy quét dò cá trị giá gần cả tỷ, ông Lanh lý giải, "ra ngư trường, nhìn những con số, hình ảnh trên màn hình máy dò cá này, mình biết được trữ lượng, hướng đi của đàn cá để quyết định có nên đến đó khai thác hay không, đánh như thế nào để vây trọn đàn. Nhờ đó, chi phí nhiên liệu để chạy thăm dò ngư trường giảm bớt, nhưng hiệu quả khai thác và chất lượng sản phẩm đều tăng" - Ông Lanh giải thích.

wtg2_12a
Chiếc tàu vỏ thép Xuân Thành 1 cập cảng cá Vạn Phước lấy dầu, đá chuẩn bị cho chuyến ra khơi cuối năm. Ảnh: Phương Oanh  

Làm ăn thời công nghệ

 "Trên con tàu vỏ thép, người thuyền trưởng không khác người chỉ huy trận đánh giữa biển khơi. Vào cuộc, mọi mệnh lệnh sẽ được phát bằng hiệu lệnh còi"- ông Lanh kể. Chỉ tay về phía hệ thống ròng rọc và giàn mành chụp rồi ông mô tả, khi thuyền trưởng đang cho tàu chạy, nếu nhìn trên màn hình máy dò quét qua ngư trường báo có cá, thuyền trưởng sẽ tuýt hiệu lệnh còi đầu tiên. Thuyền viên lập tức vào vị trí được chỉ định phụ trách. Hai người vào trụ tời thủy lực phía sau, đồng thời tại hai trụ tời phía trước và hai bên, mỗi nơi cũng hai người.

Ngoài ra, tại những vị trí hai bên mạn tàu là quân canh giàn lưới. Thuyền trưởng tuýt còi thứ hai là thuyền viên cho hạ giàn mành sập xuống. Nếu luồng cá ở 15 mét thì canh khi lưới được thả xuống chừng 20 mét hoặc 25 mét, thuyền trưởng lại thổi hồi còi thứ 3, đó là hiệu lệnh cho anh em có nhiệm vụ rút chì. Tiếp theo, lúc bấm điện tại các trụ tời thủy lực, những ròng rọc chạy, đưa giàn mành chụp bung ra, sau đó lưới được kéo lên thả cá xuống boong tàu. Hoàn thành việc kéo lưới, các thuyền viên bắt đầu ướp cá rồi đưa cá xuống hầm lạnh. Cung cách vận hành này đã thành nếp mà tất cả các thuyền viên đều thuần thục, thao tác rất đồng bộ, nhanh gọn.

Chưa đầy một năm sau khi hạ thủy, tàu Xuân Thành 1 đã xuất bến 9 chuyến biển. Mỗi lần ra khơi, tàu bám biển trên 20 ngày, lượng cá đánh bắt đưa về từ 20 đến 40 tấn. Sau khi trừ phí tổn, mỗi thuyền viên được chia trung bình từ 7 đến 10 triệu đồng. Điều này khác hẳn với chuyện làm ăn trên những chiếc tàu vỏ gỗ mà ông Lanh vẫn đang sở hữu, mỗi chuyến ra khơi chỉ vài tạ cá.

Để con tàu Xuân Thành 1 thuận buồm, xuôi gió ra khơi, làm ăn hiệu quả như bây giờ, đi cùng với sự nỗ lực, chịu khó, chịu khổ là một tư duy làm ăn rộng mở, cầu tiến của lão ngư Ngô Văn Lanh. Thuyền trưởng Nguyễn Trung Thu, người thường thay ông Lanh quản lý con tàu cho biết, dù tuổi cao, song những ngày đi học nghề, suốt đêm ông Lanh chỉ ngủ một, hai tiếng. Toàn bộ thời gian ông ngồi trong buồng lái, học từng chi tiết, quan sát kỹ cách dùng máy đàm, ra đa, máy dò quét đến phương thức vận hành, cách chỉ huy thủy thủ của thuyền trưởng.

Thuyền trưởng Nguyễn Trung Thu tâm sự, anh hoàn toàn bị thu phục bởi ý chí, tâm huyết cũng như tư duy, cung cách làm ăn hiện đại của lão ngư Ngô Văn Lanh. Bây giờ đã là ông chủ thực thụ của con tàu vỏ thép, đi cùng với mối lo để tàu ra khơi thuận buồm, xuôi gió, làm ăn hiệu quả, ông Lanh cũng đứng trước áp lực không nhỏ với khoản tiền vay đóng tàu quá lớn đối với ông. Mỗi tháng riêng thu nhập của chủ tàu phải có dư gần 100 triệu đồng mới đủ để trả lãi lẫn gốc con tàu trong vòng 15 năm. Tuy vậy, ông Lanh luôn chia sẻ công bằng các khoản lợi nhuận, không bao giờ để cho thuyền viên, thủy thủ thiệt thòi và phật lòng vì cách ứng xử của mình. Khi gia đình  thuyền viên gặp khó khăn, vợ con đau bệnh, ông không quên động viên, hỏi han và hỗ trợ.

"Những lúc thay ông Lanh điều hành anh em khi ra biển đánh bắt, tôi đã học theo tâm đức của ông. Vì thế, giữa lúc nhiều chủ tàu hết sức khó khăn trong việc tìm kiếm lao động đi biển, chúng tôi vẫn giữ được chân 12 thủy thủ "thiện nghệ" đã theo mình từ những ngày đầu, cho dù họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau trong cả nước".

Phương Oanh

Bình luận

ZALO