Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 28/05/2023 11:52 GMT+7

Nghiệp đoàn nghề cá - "Ngôi nhà chung" của ngư dân

Biên phòng - Không chỉ là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân mỗi khi vươn khơi, bám biển, nghiệp đoàn nghề cá còn là nơi để ngư dân chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong hải trình mưu sinh trên biển. Tính đến nay, tỉnh Quảng Nam đã có 8 nghiệp đoàn nghề cá với hơn 1.559 đoàn viên. Đây là điểm sáng mới để địa phương khơi dậy và phát triển nghề biển trên địa bàn.

tavj_15b
Tàu cá Quảng Nam ra khơi đánh bắt theo tổ, nhóm để hỗ trợ nhau khai thác hiệu quả. Ảnh: Huỳnh Chín

Từ ngày có nghiệp đoàn

Được thành lập vào đầu năm 2014, Nghiệp đoàn nghề cá thôn 6, xã Bình Dương (huyện Thăng Bình) ban đầu chưa có nhiều ngư dân mặn mà, quan tâm. Nhưng rồi, trong quá trình hoạt động đến nay gần 2 năm, nghiệp đoàn đã dần nâng cao uy tín khẳng định vai trò không thể thiếu đối với ngư dân. Ông Cao Đình Phương, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá thôn 6, chia sẻ: "Do đặc điểm và đặc thù của nghề biển, ngư dân rất ít quan tâm hay tham gia vào các tổ chức đoàn thể trên địa bàn. Chỉ khi nào cần vốn để đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, phải đến chính quyền địa phương để xác nhận hồ sơ vay ngân hàng, khi đó, ngư dân mới biết là có Hội Nông dân, Hội Phụ nữ hay Đoàn Thanh niên…”.

Ông Phương cho biết thêm: Đầu năm 2014, khi được BĐBP, các cấp chính quyền và Liên đoàn Lao động huyện Thăng Bình đến tuyên truyền, động viên, phân tích những lợi ích khi gia nhập vào nghiệp đoàn nghề cá, chúng tôi cũng chưa tin tưởng lắm. Sau đó, khi các cơ quan, ban, ngành đến làm lễ ra mắt Nghiệp đoàn nghề cá thôn 6 và trao tặng ngư dân một số thiết bị phục vụ nhu cầu đi biển như áo phao, tủ thuốc cấp cứu, máy bộ đàm… nhiều bà con bắt đầu chú ý. Từ đó, ngư dân địa phương đã được xã hội quan tâm, hỗ trợ thiết thực. Đặc biệt, thông qua nghiệp đoàn nghề cá, nhiều ngư dân đã được phê duyệt hồ sơ để vay tiền đóng tàu lớn, giúp bà con yên tâm và vững tin để vươn khơi, bám biển.

Duy Hải là một xã bãi ngang ven biển của huyện Duy Xuyên, đa phần người dân ở đây làm nghề biển, cuộc sống gắn với biển. Thế nhưng, trong những năm gần đây, do nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, ngư dân phải thường xuyên chuyển đổi ngư trường. Điều này đã gây nên nhiều khó khăn, thậm chí không an toàn cho ngư dân mỗi khi phải ngược xuôi chuyển đổi ngư trường.

Tháng 7-2013, Nghiệp đoàn nghề cá xã Duy Hải  thành lập đã được đông đảo ngư dân trên địa bàn tham gia nhiệt tình. Nghiệp đoàn đã trở thành chỗ dựa tin cậy để ngư dân đoàn kết, hỗ trợ nhau trong mỗi chuyến vươn khơi, bám biển cũng như chia sẻ các kinh nghiệp nghề nghiệp và cuộc sống thường ngày. Cũng thông qua tổ chức này, niềm tin vươn khơi, bám biển của ngư dân được củng cố vững chắc hơn, bởi phía sau nghiệp đoàn là sự ủng hộ của toàn xã hội đối với ngư dân.

Đặc biệt, thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 891 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cũng như có nhiều hành động gây khó khăn, bất lợi cho ngư dân đánh cá tại ngư trường Hoàng Sa, nhiều ngư dân hết sức lo lắng. Tuy nhiên, trong thời điểm nóng bỏng ấy, thông qua nghiệp đoàn nghề cá, ngư dân được các cấp chính quyền, các ban, ngành tuyên truyền, phân tích, động viên để bà con yên tâm bám biển.

Bên cạnh đó, ngư dân được đại diện BĐBP, chính quyền địa phương tuyên truyền một cách cặn kẽ, kỹ lưỡng và đầy đủ nhất về Luật Biển Việt Nam, những quy định của Nhà nước khi đánh bắt trên biển, trong đó có vấn đề tránh đánh bắt sang vùng biển nước khác dẫn đến bị bắt, bị thu tài sản, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng… Cũng nhờ đó mà mọi người càng tự tin hơn để bám biển.

6f1z_15a
BĐBP Quảng Nam làm thủ tục xuất bến cho ngư dân ra biển đánh bắt hải sản. Ảnh: Trúc Hà

Cùng chăm lo "Ngôi nhà chung"

Thực tế, qua những trường hợp rủi ro xảy ra trên biển, ngư dân Duy Hải càng thấy Nghiệp đoàn nghề cá xã Duy Hải ra đời là rất thiết thực đối với họ. Điển hình như vụ tàu của anh Phạm Dúng, anh Nguyễn Văn Nghĩa đang hành nghề trên biển bị tàu lạ đâm chìm trong đêm, hay sự cố chìm thuyền thúng giữa biển khơi của anh Trần Thêm và anh Hồ Hữu Tàu sau nhiều giờ lênh đênh trên biển; nỗi đau khi thi thể anh Nguyễn Văn Xuân bị chết trôi dạt trên biển nhiều ngày, qua nỗ lực tìm kiếm của bà con mới tìm thấy xác cùng nhiều trường hợp hư hỏng máy, tàu thả trôi tự do trên biển… được các đoàn viên nghiệp đoàn tích cực tìm kiếm, hỗ trợ trục vớt đưa về bờ an toàn.

Điều đáng nói là tất cả những trường hợp kể trên đều có vai trò chủ động của nghiệp đoàn nghề cá. Trong "Ngôi nhà chung" ấy, ngư dân đã đoàn kết một lòng, tích cực kêu gọi sự hợp tác, phối hợp giữa các tàu cùng tham gia tìm kiếm, trực vớt, lai dắt đưa tàu và ngư dân bị nạn về bờ an toàn mà không hề tính toán chi phí công sức, nhiên liệu…

Đến nay, Nghiệp đoàn nghề cá thôn 6, xã Bình Dương có 8 tổ đoàn kết với 28 tàu và 267 lao động thường xuyên tham gia đánh bắt trên biển. Tại nghiệp đoàn này, cũng như xã Duy Hải, các đoàn viên của nghiệp đoàn trong mỗi chuyến vươn khơi, bám biển, quy định bắt buộc đầu tiên là ngư dân phải đi theo tổ, nhóm chứ không được khai thác riêng lẻ. Vì thế, mỗi khi có sự cố xảy ra trên biển đều có các tàu đi cùng hỗ trợ, giúp đỡ. Nhờ đó, sau mỗi chuyến biển, "tình tàu - nghĩa bến" của ngư dân càng đậm đà, khăng khít hơn.

Chỉ chưa đầy 2 năm ra đời, nhưng thông qua Nghiệp đoàn nghề cá thôn 6, ngư dân đã tổ chức lai dắt, trục vớt 6 tàu chìm đưa về bờ an toàn, ngoài ra, nhiều ngư dân được cứu vớt khi lênh đênh nhiều ngày trên biển do tàu chìm... Khi về đất liền, mỗi khi đau ốm hay gia đình gặp khó khăn, bà con trong các nghiệp đoàn đến động viên, chia sẻ giúp đỡ để cùng vượt qua khó khăn.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO