Biên phòng - Chủ yếu đóng quân ở các vùng núi cao, bờ biển và hải đảo, BĐBP được xác định là lực lượng gánh chịu đầu tiên và hậu quả nặng nề nhất của những yếu tố thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu. Công trình nghiên cứu khoa học của Bộ Tư lệnh BĐBP mang tên: "Đánh giá ảnh hưởng và đề xuất giải pháp ứng phó giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến các công trình và hoạt động của BĐBP" đã phần nào cung cấp chứng cứ khoa học, cái nhìn xác thực, cụ thể về thực trạng này.
|
Triều cường làm hỏng tuyến đê chắn sóng tại khu vực Đồn BP Nhà Mát, Bạc Liêu. |
Vấn đề biến đổi khí hậu đang được các quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm bởi sự tác động nặng nề đến môi trường và ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, đời sống, kinh tế, xã hội, quốc phòng-an ninh của mọi quốc gia. 50 năm qua, các chuyên gia về lĩnh vực này đánh giá rằng, biến đổi khí hậu đã làm thời tiết diễn biến bất thường: Bão, lụt, hạn hán, biển xâm thực, triều cường, tăng nhiệt bề mặt trái đất.
Việt Nam được xem là quốc gia nằm trong nhóm các nước bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Các yếu tố biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động nghiệp vụ của BĐBP, làm hư hại các công trình quân sự quốc phòng và các doanh trại nơi các đơn vị đóng quân.
Bộ Tư lệnh BĐBP vừa có quyết định thành lập quỹ hỗ trợ cho các quân nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Trước đó, quỹ hỗ trợ dành cho quân nhân hiếm muộn con do Bộ Tư lệnh BĐBP khởi xướng là 2 trong số nhiều hoạt động thiết thực nhằm giảm thiểu tác hại của thiên nhiên bất thường tác động lên con người. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP chủ yếu có thời gian công tác, đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố thời tiết khắc nghiệt, bất thường khiến cho cuộc sống sinh hoạt của các quân nhân bị đảo lộn, thay đổi, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tinh thần...
Nhưng, một trong những rào cản lớn nhất hiện nay đối với công cuộc đối phó, giảm thiểu tác hại biến đổi khí hậu là bản thân những người lính, chỉ huy các đơn vị chưa được trang bị đầy đủ, thấu đáo những kiến thức về biến đổi khí hậu.
Nhận thức rõ thực trạng và đề xuất các giải pháp là 2 mục tiêu cơ bản của công trình nghiên cứu này. Đối tượng nghiên cứu thực hiện đối với tất cả các cơ quan, đơn vị của BĐBP trên phạm vi toàn quốc. Công trình đã tiến hành khảo sát 16 đơn vị (14 đơn vị thuộc BĐBP các tỉnh, thành và 2 Hải đoàn Biên phòng) thuộc 7 vùng khí hậu: Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ.
Các bảng biểu và thông tin được thu thập dựa trên số liệu điều tra, khảo sát của các đơn vị thuộc 44 tỉnh, thành Biên phòng, khái quát tình hình diễn biến của các yếu tố gia tăng nhiệt độ, thay đổi lượng mưa, triều cường, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Một số công trình quân sự của BĐBP bị ảnh hưởng trực tiếp là doanh trại, kho tàng, công trình chiến đấu (giao thông hào, đài quan sát, công sự trận địa...), công trình bảo vệ biên giới (đường tuần tra, cột mốc, dấu mốc, trang thiết bị kiểm soát, bảng biển khu vực biên giới...).
Cơ sở tiền đề cho hành động bảo vệ quân sự quốc phòng
Thực tế cho thấy, quá trình biến đổi khí hậu diễn biến với tốc độ rất nhanh và khốc liệt hơn so với kịch bản về biến đổi khí hậu năm 2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo kế hoạch điều tra, khảo sát của Bộ Tư lệnh BĐBP, kết quả đã có 44/44 tỉnh, thành báo cáo về Ban chủ nhiệm công trình nghiên cứu việc đánh giá ảnh hưởng biến đổi khí hậu ở mức: "Tất cả đều bị tác động".
Điển hình như vùng khí hậu Tây Bắc, Đông Bắc, địa bàn đóng quân các Đồn BP: Nà Hỳ, Si Pa Phìn, Nậm Kè, Sen Thượng, Phìn Hồ, A Pa Chải, Ma Lù Thàng, Bát Xát, Y Tý bị ảnh hưởng lượng mưa nhiều nhất. Một trong những đồn BP bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan là Đồn BP Y Tý. Đây là khu vực sương mù dày đặc quanh năm, độ ẩm rất thấp, lượng mưa tương đối lớn.
Tuy nhiên, điều đáng nói là, những năm gần đây, năm nào vào mùa đông, Y Tý cũng xuất hiện những ngày rét âm độ, tuyết phủ khiến cho các hoạt động của bộ đội và người dân biên giới bị tê liệt cục bộ. Ngoài ra, các khu vực khác như Dào San (Lai Châu) A Mú Sung (Lào Cai), Đồng Văn (Hà Giang), Lộc Bình (Lạng Sơn)... xuất hiện sương mù đặc, băng giá, mưa tuyết.
Lúc gặp thời tiết cực đoan, hoạt động tuần tra, huấn luyện của BĐBP diễn ra trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, cán bộ, chiến sĩ phải khắc phục gian khổ chống chọi với khí hậu để hoàn thành nhiệm vụ. Một số khu vực thiếu nước sinh hoạt như: Sen Thượng, Mường Nhé... Một số nơi hay bị lũ ống, lũ quét làm hư hại công trình quân sự quốc phòng... hoặc bị ảnh hưởng trực tiếp đến doanh trại, đời sống cán bộ, chiến sĩ như Đồn BP Pò Hèn (Quảng Ninh).
Đối với khu vực Nam bộ, một hiện tượng biến đối khí hậu nhìn thấy ngay là hiện tượng triều cường. Các chuyên gia môi trường nói rằng, họ có cảm giác Nam bộ đang thấp dần xuống dưới mực nước biển, bởi triều cường ngày càng lấn sâu vào nội địa. Đương nhiên, doanh trại của các đồn BP đóng quân ở ven biển, cửa sông phải hứng chịu đầu tiên hiện tượng này. Vài năm trước, Đồn BP Nhà Mát và Hải đội 2 (BĐBP Bạc Liêu) là 2 đơn vị đã gần như bị nước biển dâng chìm qua doanh trại thường xuyên.
Những ngày nước lớn, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị lội bì bõm trong nước mặn. Nhà kho, doanh trại bị ố mốc, ẩm thấp do ngâm trong nước mặn. Đê chắn sóng và toàn bộ rừng ngập mặn phía ngoài đê bị nước biển tràn qua phá hoại. Các hầm chỉ huy, cọc dấu, lô cốt của các đơn vị dọc tuyến biên giới Tây Nam bộ đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mưa lũ, triều dâng. Tương tự như vậy, ở khu vực Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ thường xuất hiện mưa to, lũ lớn; ở Tây Nguyên xảy ra hiện tượng khô hạn, thiếu nước sinh hoạt, nhiệt độ tăng cao...
![]() |
Tuyết rơi mùa đông năm 2014 tại Đồn BP Y Tý, Lào Cai. Ảnh: Thụy Văn. |
Trên cơ sở đó, BĐBP có thể đầu tư nghiên cứu, xây dựng các công trình dân sinh, quốc phòng, tham gia xây dựng nhà tránh trú thiên tai cho nhân dân khu vực biên giới. Hàng năm tổ chức các đợt tập huấn, diễn tập về kỹ thuật cứu hộ, cứu nạn, tiến tới hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.