Biên phòng - Thông tin Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả có quy mô đặc biệt lớn trên nhiều địa bàn tỉnh, thành phố như Đắk Nông, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Sóc Trăng... với các phương thức thủ đoạn hết sức tinh vi, khiến dư luận nức lòng.

Thông tin Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả có quy mô đặc biệt lớn trên nhiều địa bàn tỉnh, thành phố như Đắk Nông, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Sóc Trăng... với các phương thức thủ đoạn hết sức tinh vi, khiến dư luận nức lòng.
Điều đáng nói là đường dây phạm tội có tính chất đặc biệt nghiêm trọng này hoạt động suốt một thời gian dài mới bị phát hiện. Lực lượng công an đã bắt quả tang 4 nhóm đối tượng, ra quyết định khởi tố 23 bị can do “đại gia xăng dầu” Trịnh Sướng cầm đầu vì hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả.
Thủ đoạn của bọn chúng là lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xăng dầu, thực hiện hành vi pha trộn dung môi vào xăng kém chất lượng cộng thêm chất kích RON, chất tạo màu để tạo ra xăng E5 RON 92 và RON 95 giả, bán trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố với số lượng lên tới 19,5 triệu lít xăng giả, thu lời bất chính khoảng 135 tỷ đồng.
Thực ra, hành vi chế biến, pha trộn tạp chất vào xăng dầu nhằm mục đích trục lợi đã bị các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện, xử lý từ cuối năm 2017, tại nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu trong toàn quốc. Thủ đoạn phổ biến là pha chế chất dung môi vào xăng quy chuẩn để tạo ra lượng xăng mới nhiều hơn nhưng có chỉ số RON thấp, kết quả giám định chỉ số Octan (RON) trong xăng pha chế có vụ dưới 70% chỉ số theo quy chuẩn kỹ thuật.
Theo các nhà khoa học, việc pha chế phụ gia (như ethanol, acetone và methanol) vào xăng dầu là cần thiết, nhằm làm tăng trị số Octan, nhưng nếu không kiểm soát được số lượng thì sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng xăng dầu. Tuy nhiên, vì hám lợi, nhiều thương nhân hoặc các chủ cây xăng đã cố tình pha chế với liều lượng lớn hơn, nếu ở mức độ trên 20% sẽ làm thay đổi thành phần bay hơi ở nhiệt độ bình thường, làm thay đổi cân bằng áp suất hơi trong động cơ.
Việc pha chế các hợp chất dung môi không được dùng cho động cơ đốt trong (như hợp chất dung môi Solmix được các đối tượng pha chế xăng giả) không chỉ gây hậu quả với môi trường, an ninh năng lượng, mà còn làm tăng nguy cơ làm hỏng động cơ, gây cháy nổ và ảnh hưởng tới tính mạng người sử dụng.
Sự nguy hại do các đối tượng sản xuất, buôn bán xăng giả gây ra ai cũng thấy. Vấn đề dư luận băn khoăn là trách nhiệm thuộc về cơ quan nào đến nay vẫn chưa được làm rõ.
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) thừa nhận, hành vi pha tạp chất vào xăng dầu đã có từ lâu và việc kiểm soát hành vi này rất khó. Để đấu tranh với thủ đoạn gian lận thương mại này cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan chức năng, nhất là lực lượng Quản lý thị trường (QLTT).
Thế nhưng, Cục QLTT (Bộ Công Thương) cho rằng: Vấn đề xăng kém chất lượng, Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 hay lực lượng QLTT cũng không thể xử lý. Chất lượng xăng như thế nào thuộc về trách nhiệm của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các Chi cục ở mỗi địa phương. Cơ quan này giám định chất lượng xăng đảm bảo hay không thì QLTT mới xử lý được, chứ không thể “đổ” trách nhiệm cho QLTT.
Thiết nghĩ, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu là một nhiệm vụ cấp bách và quan trọng hiện nay. Thay vì “đổ” trách nhiệm, các cơ quan, lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp trong đấu tranh, phát hiện tội phạm sản xuất, buôn bán xăng giả, nhất là công tác kiểm tra, giám sát việc kinh doanh, tiêu thụ các chất dung môi, không để các đối tượng sử dụng để pha chế xăng dầu kém chất lượng. Đặc biệt, xử lý thật nghiêm trước pháp luật các tổ chức, cá nhân có hành vi trục lợi từ sản xuất, buôn bán xăng giả, gây tổn hại đến thị trường và lợi ích của người tiêu dùng.
Thanh Thảo