Biên phòng - Thực trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã tồn tại từ lâu. Đáng tiếc, cho đến nay vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi trục lợi này.

Mới đây, dư luận bức xúc trước vụ việc hơn 100 người khởi kiện Công ty cổ phần Ô tô 1-5 (đóng tại huyện Đông Anh, Hà Nội) vì nợ lương, nợ bảo hiểm. Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, công ty đã khắc phục số tiền nợ BHXH hơn 3 tỷ đồng và chốt sổ cho 34 lao động. Tuy nhiên, đến nay, công ty tạm dừng lộ trình chốt sổ dù tiến độ chưa bảo đảm khiến nhiều lao động tiếp tục khiếu nại, yêu cầu các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Điều đáng nói, tình trạng trên không phải cá biệt. Hiện số lượng doanh nghiệp nợ, trốn đóng các khoản bảo hiểm cho người lao động rất lớn. Theo BHXH thành phố Hà Nội, 7 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn có 75.866 đơn vị, doanh nghiệp nợ với tổng số tiền BHXH, bảo hiểm y tế là hơn 4.900 tỷ đồng. Cũng trong khoảng thời gian này, số doanh nghiệp nợ các khoản bảo hiểm tại tỉnh Bình Dương là hơn 1.500 doanh nghiệp với tổng số tiền nợ hơn 220 tỷ đồng. Còn tại TP Hồ Chí Minh, có tới hơn 46.000 đơn vị nợ với tổng số tiền lên đến 3.873 tỷ đồng...
Kết quả kiểm tra từ Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố cho thấy, thời gian qua, lợi dụng cơ chế, chính sách còn kẽ hở; chế tài xử lý nợ chậm đóng các loại bảo hiểm cho người lao động chưa nghiêm nên một số doanh nghiệp cố tình chây ì, trốn đóng hoặc chiếm dụng khoản tiền này của người lao động.
Việc các doanh nghiệp đóng các khoản bảo hiểm cho người lao động là trách nhiệm bắt buộc khi giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, không ít người sử dụng lao động đã có hành vi vi phạm pháp luật khi nợ hay trốn đóng bảo hiểm, dẫn đến người lao động phải gánh chịu thiệt hại, nhất là không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được BHXH chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất.
Giải trình vấn đề nợ đọng, trốn đóng BHXH vẫn chưa được xử lý rốt ráo dù đã được “điểm mặt chỉ tên”, BHXH Việt Nam lý giải, do mức xử phạt hành chính không đủ sức răn đe. Hiện, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân đóng không đủ, chiếm dụng tiền bảo hiểm là… 75 triệu đồng, trong khi khoản nợ có thể lên đến hàng tỷ đồng.
Mặt khác, công cụ hỗ trợ người lao động (bao gồm: công đoàn kiện ra tòa và xử lý hình sự đối với doanh nghiệp nợ) hầu như không sử dụng được bởi sự không đồng bộ của hệ thống pháp luật. Trong khi việc khởi kiện gặp nhiều khó khăn, thủ tục phức tạp nên nhiều trường hợp người lao động đành chấp nhận không theo đuổi vụ việc nữa.
Mặc dù, hành vi trốn đóng BHXH bị nghiêm cấm, được quy định tại Điều 17 Luật BHXH 2014. Tại Bộ luật Hình sự cũng có những chế tài cụ thể, nhưng trong thực tế hầu như không xử lý được trường hợp nào. Cơ quan tiến hành tố tụng muốn xử lý hình sự phải chứng minh được doanh nghiệp trốn đóng. Trong khi đó, khi làm việc với cơ quan chức năng cũng như cơ quan tiến hành tố tụng, đơn vị sử dụng lao động cho rằng họ không trốn đóng mà chỉ chậm đóng và đưa ra nhiều lý do, rồi chỉ khắc phục một phần.
Rõ ràng, những vướng mắc trong các quy định của Luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật BHXH và Bộ luật Lao động chưa được giải quyết rốt ráo, việc ngăn ngừa tình trạng nợ đọng BHXH vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Vấn đề này sẽ được giải quyết hiệu quả khi cơ quan bảo hiểm thực sự chủ động và quyết liệt trong phòng chống các biểu hiện tiêu cực, trục lợi bảo hiểm.
Từ góc độ bảo vệ quyền lợi của người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật giao thẩm quyền khởi kiện cho Công đoàn cấp trên trực tiếp để tránh thế khó cho cấp cơ sở, bởi họ không dễ đứng ra khởi kiện chính người chủ sử dụng lao động.
Thanh Thảo