Biên phòng - Ngày 4-9, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học Bộ Quốc phòng tổ chức phiên họp đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu đề tài “Giải pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của BĐBP trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia trong tình hình mới”. Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng khoa học cấp Bộ Quốc phòng đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu đề tài khoa học chủ trì điều hành phiên họp.
Trung tướng, PGS.TS Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP, Chủ nhiệm đề tài. Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP đại diện đơn vị chủ trì đề tài.
Tham dự phiên họp có các thành viên trong Hội đồng khoa học Bộ Quốc phòng, thành viên Ban chủ nhiệm Đề tài, lãnh đạo Bộ Tư lệnh BĐBP, đại biểu các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng.
Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài, Trung tướng, PGS.TS Hoàng Xuân Chiến khẳng định: Căn cứ Kế hoạch nghiên cứu và Đề cương thuyết minh đầu vào được Hội đồng xét duyệt Bộ Quốc phòng thông qua, Ban chủ nhiệm đề tài đã triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề cương chi tiết, biên soạn các chuyên đề, tổ chức khảo sát thực tế, thu thập tài liệu; nghiên cứu và viết bản thảo báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu; xin ý kiến chuyên gia, tổ chức hội thảo, cập nhật những tài liệu mới, nhất là những nội dung cơ bản về mục tiêu, quan điểm, phương châm, nguyên tắc và các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 29-8-2018 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia”. Ngày 8-3, Hội đồng Khoa học BĐBP tổ chức đánh giá cấp cơ sở; thống nhất đề nghị Bộ Quốc phòng đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu đề tài.
Biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia là tuyến biên giới có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, là cửa ngõ nối liền Việt Nam với Campuchia và các nước Đông Nam Á góp phần mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, thúc đẩy phát triển đất nước.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung đầu tư xây dựng phát triển về nhiều mặt đối với khu vực biên giới cả nước nói chung, tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia nói riêng. Song nhìn chung, đây vẫn là địa bàn mà nhiều năm qua tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, có nguy cơ gây mất ổn định cho hai nước. Vì vậy, giải pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của BĐBP trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia trong tình hình hiện nay vừa mang tính cấp thiết vừa mang tính chiến lược lâu dài.
Tham gia ý kiến tại phiên họp, các nhà khoa học đều đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài và khẳng định đây là đề tài mang tính thực tiễn cao. Đề tài đã nghiên cứu công phu từ cơ sở lý luận; đánh giá thực trạng công tác quản lý bảo vệ biên giới quốc gia của BĐBP những năm qua; rút ra những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia đất liền Việt Nam - Campuchia trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động.
Kết luận phiên họp, Thượng tướng Lê Chiêm đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài đã đáp ứng yêu cầu cả về lý luận và thực tiễn, đáp ứng được tính pháp lý; đặt ra giải pháp giải quyết được các nội dung nghiên cứu theo đúng kết luận của Hội đồng. Ban chủ nhiệm đề tài đã triển khai chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy trình, nhiệm vụ của nghiên cứu; huy động được đội ngũ cán bộ khoa học có kinh nghiệm; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao; Viện Chiến lược Quốc phòng; Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Ban chủ nhiệm đề tài có cách tiếp cận tương đối phù hợp; đã đề xuất nội dung, hình thức và các giải pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của BĐBP trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia trong tình hình mới.
Thượng tướng Lê Chiêm yêu cầu, trong thời gian tới, Ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu các ý kiến của Hội đồng, bổ sung, hoàn thiện các văn bản trong thời hạn 45 ngày báo cáo về Bộ Quốc phòng để xem xét, công nhận kết quả nghiên cứu, đưa kết quả nghiên cứu của đề tài ứng dụng trong thực tiễn.
Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài, kết quả nghiên cứu của đề tài đạt loại xuất sắc; đề nghị Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen cho Chủ nhiệm đề tài.
Trần Đức