Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:25 GMT+7

Nghịch lý trong sản xuất lúa

Biên phòng - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2019 ước đạt 837.000 tấn và 364 triệu USD, tăng 1,1% về khối lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Nghịch lý này được Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản giải trình do giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 1-2019 chỉ ở mức 446 USD/tấn, giảm tới 8,2% so với cùng kỳ năm 2018.

ttxvn051214gao
Bốc xếp gạo xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Thông tin trên cộng với tình trạng giá lúa gạo xuống thấp từ tháng 2-2019 khiến nông dân không tiêu thụ được và xuất hiện tình trạng ùn ứ. Để tạo sự chuyển biến cho thị trường và giúp nông dân có thể đạt 30% lợi nhuận như mục tiêu của Chính phủ đã đề ra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành thu mua dự trữ quốc gia 200.000 tấn gạo dự trữ và 80.000 tấn thóc.

Tuy nhiên, tình trạng tiêu thụ gạo dự báo còn tiếp tục khó khăn khi năm 2019 chỉ riêng vựa lúa lớn nhất cả nước - đồng bằng sông Cửu Long dự kiến xuống giống trên 4,2 triệu ha lúa, với sản lượng đạt gần 26,5 triệu tấn, tăng gần 35.000ha về diện tích và hơn 644.000 tấn lúa so với năm 2018.

Đây là điều rất đáng lo ngại trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo phập phù. Thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc hiện nay xuất hiện thách thức mới về yêu cầu chất lượng gạo. Các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia đều đã nhập khẩu nhiều trong năm ngoái và hiện chưa có nhu cầu nhập khẩu thêm. Malaysia cũng vừa tăng 5% diện tích sản xuất lúa gạo với mong muốn giảm phụ thuộc vào gạo nhập khẩu...

Câu hỏi đặt ra với ngành nông nghiệp là vì sao phải tăng diện tích và sản lượng lúa liên tục trong khi thị trường lúa gạo bấp bênh? Nhiều chuyên gia cho rằng, dứt khoát phải giảm diện tích trồng lúa, nhất là lúa vụ 3 để chuyển đổi sang mô hình canh tác khác hiệu quả hơn. Bởi, sản lượng lúa gạo nước ta đang thặng dư trên 10 triệu tấn/năm. Nguồn cung tăng nhiều mà cầu không tăng tương xứng thì giá phải sụt giảm, hơn nữa, chi phí trồng lúa ngày càng cao khiến nông dân trồng lúa không được hưởng lợi bao nhiêu. 

Từ năm 2016, Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia đã xác định: Đất trồng lúa sẽ giảm từ 3,81 triệu ha xuống còn 3,76 triệu ha, trong đó, đất chuyên trồng lúa nước giảm 92.950ha và khoảng 400.000ha được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa. Trong đó, ưu tiên các giải pháp bảo vệ diện tích đất trồng lúa; có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập để người trồng lúa yên tâm sản xuất. Thế nhưng, việc triển khai thực hiện nghị quyết trong thực tế đến nay vẫn còn những hạn chế, nhất là việc gia tăng liên tục về diện tích sản xuất và sản lượng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh những thành tựu về xuất khẩu gạo đạt được trong những năm qua, chúng ta không khỏi day dứt vì những vùng chuyên canh trồng lúa vẫn là những vùng kém phát triển. Đặc biệt, việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vẫn còn nhiều hạn chế nên giá thành sản xuất lúa ở Việt Nam luôn cao so với các “đối thủ” cạnh tranh. Trong khi đó, công tác xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đúng mức. 

Thiết nghĩ, một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành nông nghiệp là đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng gia tăng giá trị, cải thiện thu nhập cho người trực tiếp làm ra lương thực, chứ không thể năm nào cũng gia tăng diện tích và sản lượng như một căn bệnh thành tích. Nếu không, nông nghiệp sẽ không tránh khỏi điệp khúc “được mùa, mất giá” và nông dân luôn chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO