Biên phòng - Từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 100 nhà máy điện mặt trời hòa lưới điện quốc gia. Công suất lắp đặt của các nhà máy này lên tới gần 5.000MW, tương đương trên 10% công suất nguồn điện của cả nước.
Sự bùng phát các dự án điện mặt trời đã khiến quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (quy hoạch điện VII) trở nên lỗi thời. Bởi, quy hoạch điện VII mới tính đến năm 2020 chỉ có 850MW năng lượng mặt trời, nhưng Bộ Công thương ước tính có tới 11.900 MW điện mặt trời cần được bổ sung quy hoạch trong năm sau.
Trong bối cảnh ngành điện đang phải đối diện với tình trạng thiếu điện, việc cấp bách tìm ra các nguồn năng lượng tái tạo thay thế, đặc biệt là điện mặt trời được xem là mục tiêu cần thiết. Tuy nhiên, việc bổ sung quy hoạch phát triển ồ ạt điện mặt trời mà không tính toán đến lưới truyền tải đã dẫn đến tình trạng quá tải lưới điện trầm trọng. Hiện, công suất giải tỏa của các dự án điện mặt trời chỉ đạt 30-40% và đến năm 2020 cũng chỉ cố gắng giải tỏa được 60-70% công suất.
Không khó lý giải vì sao các dự án điện mặt trời dồn dập hòa lưới điện trong 6 tháng đầu năm nay. Tất cả xuất phát từ Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2017 đến 30-6-2019. Để kịp hưởng chính sách ưu đãi giá mua điện cao trong 20 năm (9,35 cent/kWh tương đương 2.170 đồng/kWh), nhiều chủ đầu tư chạy đua với thời gian để đưa nhà máy vào vận hành trước thời hạn còn hiệu lực.
Hậu quả là hầu hết các đường dây từ 110KV đến 500KV trên địa bàn phía Nam luôn trong tình trạng quá tải hơn 200%. Điển hình như trục đường dây 110kV Tháp Chàm - Hậu Sanh - Tuy Phong - Phan Rí đi qua 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận (có 34 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất hơn 1.871MW) quá tải tới 260-360%...
Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (AO) buộc phải yêu cầu các nhà máy điện năng lượng tái tạo cắt giảm 30-60% công suấtso với thiết kế ban đầu. AO cảnh báo, nếu không có biện pháp giải quyết, đến năm 2020, nguy cơ sự cố, rã lưới điện rất cao...
Mặc dù, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định sẽ giải tỏa hết công suất các nhà máy điện mặt trời vào cuối năm 2020, sau khi Chính phủ bổ sung 15 dự án đường dây, trạm biến áp. Nhưng thời điểm này, không ít doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời đang thua lỗ nặng do không thể phát điện hoặc phát điện cầm chừng. Cùng với đó, việc chậm ban hành khung giá mua điện mới (sau ngày 30-6-2019) cũng như một số vướng mắc pháp lý khác đã khiến không ít khách hàng và nhà đầu tư tỏ ra chần chừ với điện mặt trời, đồng nghĩa chúng ta đang bỏ ngỏ rất đáng tiếc một nguồn năng lượng lớn.
Khuyến khích phát triển điện mặt trời là một chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường. Các chuyên gia ước tính, năng lượng điện gió và điện mặt trời chiếm 10% tổng nguồn điện của Việt Nam trong năm 2030 và tăng lên 20% trong năm 2050, sẽ góp phần giảm chi phí 20 tỷ USD và 39% phát thải khí CO2 nhờ việc dừng triển khai các nhà máy điện than mới.
Rõ ràng, sự quá tải của hệ thống truyền tải điện hiện nay là biểu hiện cụ thể nhất cho sự lúng túng và bất cập trong công tác dự báo và việc tổ chức, phối hợp giữa các cơ quan chức năng từ Bộ Công thương, EVN và các địa phương.
Thiết nghĩ, Chính phủ và các đơn vị liên quan phải kịp thời đưa ra những quyết sách cụ thể và thiết thực, để khai thác tốt nhất tiềm năng điện mặt trời. Việc khẩn trương tháo gỡ những nút thắt trong đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo được xem là hết sức cần thiết đối với công cuộc phát triển bền vững của đất nước.
Thanh Thảo