Biên phòng - Sau hơn 3 tháng giá điện tăng thêm 8,36%, dư luận vẫn đang mong chờ câu trả lời thỏa đáng từ Bộ Công thương về những nghịch lý đã tồn tại từ lâu trong ngành điện Việt Nam dưới sự độc quyền của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN).

Lãnh đạo Bộ Công thương giải trình, nếu không tăng giá điện, EVN có thể phá sản vì lỗ. Bởi, đến giữa năm ngoái, tổng nợ phải trả của EVN lên tới 487.000 tỷ đồng. Ngay cả hơn 20.000 tỷ đồng EVN thu thêm từ việc tăng giá điện vừa qua chưa đủ chi trả cho các đối tác cung cấp khí, than, nhà máy điện bán cho EVN suốt 2 năm qua. Mặt khác, giá điện bán lẻ bình quân ở Việt Nam hiện tương đương 8UScents/kWh, khá thấp so với thế giới...
Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính chỉ ra, năm 2018, tổng doanh thu của EVN lên tới 340.500 tỷ đồng, tăng 15%. EVN tiếp tục ghi nhận lãi ròng trong năm 2018 (con số chi tiết không được công bố). Như vậy, chưa cần tăng giá bán điện, EVN đã bắt đầu thu được lãi nhờ nhu cầu tiêu thụ điện cả nước tiếp tục tăng trưởng cao.
Bỏ qua câu chuyện lỗ - lãi chưa rõ ràng của EVN, dư luận cho rằng, hơn 20 năm qua, EVN nắm độc quyền tại các phân khúc điều độ, mua buôn điện, truyền tải và phân phối, bán lẻ điện. Chỉ duy phát điện là phân khúc duy nhất có sự góp mặt của các đơn vị bên ngoài EVN. Ở một thế “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, tính minh bạch trong hoạt động của EVN không được kiểm soát chặt chẽ.
Điển hình nhất là những bất cập trong chính sách “bù chéo” giá điện. Hiện, khối sản xuất công nghiệp tiêu thụ đến 54% lượng điện năng của cả nước nhưng chỉ đóng góp 34% trong tổng thu nhập GDP. Trong khi lĩnh vực kinh doanh làm ra đến 41% GDP, lĩnh vực nông-lâm-thủy sản làm ra đến 18% GDP chỉ tiêu thụ mức điện tương ứng là 9% và 2%; điện sinh hoạt chỉ chiếm 35%. Nghĩa là người sử dụng điện sinh hoạt và kinh doanh phải trả giá điện cao hơn giá bình quân để hỗ trợ khối sản xuất công nghiệp. Nói cách khác, người dùng ít điện hơn lại phải trả giá cao hơn để hỗ trợ cho người tiêu thụ nhiều điện.
Nghịch lý trên cũng phản ánh hiệu quả sử dụng điện của Việt Nam rất thấp. Cường độ điện bình quân trong 10 năm nay của Việt Nam là 0,91kWh/USD. Có nghĩa là để tạo ra 1USD, nước ta phải tiêu thụ gần 1kWh điện. Trong khi cường độ điện trung bình trên thế giới ở mức 0,32kWh/USD.
Trở lại câu chuyện giá điện, các chuyên gia phân tích, trên thực tế, chi phí mà người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không chỉ dừng lại ở 8,36% mà nhiều hơn, lên đến ít nhất 35% hay gấp 2-3 lần. Bởi, mức tăng 8,36% chỉ là tỷ lệ bình quân tăng từ 1.720,65 đồng/kWh (giá bình quân cũ) lên 1.864,44 đồng/kWh (giá bình quân mới). Nhưng với việc phân chia ra 6 bậc để tính giá điện, giá điện tăng giữa bậc này với bậc kế tiếp lại cộng dồn thành rất cao, lên tới gần 75%.
Trong khi mức tiêu thụ điện của đa số người dân ở bậc 4 trở lên, nên không biết do vô tình hay cố ý mà giá tăng điện sinh hoạt từ bậc 3 lên bậc 4 tăng cao nhất, lên tới 25,92%. Đây chính là điều người dân băn khoăn về sự nhập nhèm của việc tăng lũy kế.
Phát triển thị trường điện cạnh tranh là xu hướng phát triển chung của các nước trên thế giới, là động lực cho hoạt động hiệu quả trong sản xuất kinh doanh điện và phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế này.
Mặc dù Chính phủ đã đưa ra một số lộ trình để dần đưa thị trường về thế cạnh tranh, song đến khi nào và bao giờ, người dân được tự do lựa chọn nhà cung cấp vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Thanh Thảo