Biên phòng - Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) A Đớt, BĐBP Thừa Thiên Huế đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ lực lượng bảo vệ biên giới và người dân sinh sống ở sát biên giới nước bạn Lào. Những người lính Biên phòng đã trở thành sợi dây thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn, cùng xây dựng đường biên giới ổn định và phát triển.
Vững chắc biên cương
Sáng sớm, khi sương đêm còn đọng trên những tán lá, phủ kín những cánh rừng, ngọn núi giữa đại ngàn Trường Sơn, chúng tôi theo chân những người lính Đồn BPCK A Đớt tuần tra song phương với Đại đội bảo vệ biên giới 531, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông (Lào). Có đi mới thấu hiểu được nỗi vất vả và những hiểm nguy theo mỗi bước chân của các chiến sĩ.
Men theo con đường uốn lượn bên những sườn núi cheo leo, lực lượng tuần tra của hai đơn vị gặp nhau tại cột mốc đại 666, đây cũng chính là nơi đặt cửa khẩu quốc gia A Đớt - Tà Vàng. Trung úy Xúc Phay, Chinh trị viên phó, Đội trưởng Đội tuần tra của Đại đội bảo vệ biên giới 531 chia sẻ: “Hôm nay, chúng tôi tuần tra bắt đầu từ cột mốc 666 đến cột mốc 663. Trước đợt tuần tra song phương, chúng tôi phối hợp thực hiện công tác chuẩn bị rất kỹ càng và chi tiết; thống nhất phương án, mục tiêu cụ thể của đợt tuần tra và dự kiến xử lý một số tình huống có thể xảy ra trên đường tuần tra. Vì vậy, các đợt tuần tra song phương luôn đạt hiệu quả cao”.
Đội tuần tra của hai đơn vị bắt đầu vượt qua con dốc để đến cột mốc 663. Dốc thẳng đứng, chân người đi trước như đạp lên đầu người đi sau. Những bước chân lặng lẽ, đều đặn. Mọi thành viên đều căng mắt quan sát mọi dấu hiệu trên đường tuần tra.
Đưa tay quệt những giọt mồ hôi lăn trên gò má, Thiếu tá Trần Quốc Toản, Chính trị viên phó Đồn BPCK A Đớt cho biết: “Mỗi buổi tuần tra, chúng tôi phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Phải xuất phát từ sáng sớm để kịp về đơn vị trước khi trời tối. Hệ thống đường biên, cột mốc do đơn vị phụ trách tuy không nhiều, nhưng địa hình tuần tra rất hiểm trở. Đường xa, dốc cao, vực thẳm, nhưng ba lô người nào cũng căng đét vì mang theo lương thực, tăng võng cho chuyến đi tuần tra và dự phòng cho việc đột xuất phải ở lại trên đường biên. Chúng tôi thường lấy việc chinh phục những cột mốc làm “thước đo” cho bản lĩnh, sức khỏe và lòng quyết tâm của người lính".
Qua thêm 3 đỉnh đèo, khi mặt trời thẳng đứng thì mốc 663 hiện ra trước mắt. Sau khi làm nghi thức chào cột mốc, lực lượng tuần tra bắt đầu quét dọn, phát quang xung quanh cột mốc. Có lẽ, với Binh nhất Phạm Quang, chiến sĩ Đồn BPCK A Đớt thì chuyến đi này là một kỷ niệm khó quên. Anh chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia tuần tra song phương. Đi hơn nửa ngày trời mới đến nơi, nhưng khi đứng trước cột mốc, mọi mệt mỏi đều tan biến hết. Tôi rất vui khi được góp công sức nhỏ bé của mình để giữ gìn biên cương của Tổ quốc. Một cảm giác lâng lâng thật khó diễn tả khi đứng trước cột mốc, đây là một kỷ niệm không thể nào quên đối với tôi”.
Thiếu tá Trần Quốc Toản cho biết thêm: “Đồn BPCK A Đớt có nhiệm vụ quản lý 18km đường biên giới với 10 cột mốc (từ cột mốc 658 đến 667) tiếp giáp với nước bạn Lào. Trong thời gian qua, hai đơn vị đã phối hợp chặt chẽ, tuần tra, kiểm soát theo định kỳ và đột xuất. Ngoài ra, hai đơn vị cũng tăng cường công tác hội đàm, trao đổi thông tin để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc khu vực biên giới mà hai đơn vị phụ trách”.
Giữ bình yên cho dân bản
Chiếc xe bán tải rời Đồn BPCK A Đớt đưa chúng tôi đến bản Ka Lô, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông. Những con đường đất ngày nào, nay đã được rải nhựa. Theo những bánh xe lăn, bản Ka Lô với những ngôi nhà sàn cùng ngôi trường khang trang dần hiện ra trong nắng sớm. Thượng tá Nguyễn Đình Minh, Chính trị viên Đồn BPCK A Đớt đưa tay hướng về cây cầu hữu nghị, anh chia sẻ: “Trước đây, khi chưa có cầu thì việc đi lại rất khó khăn, đặc biệt khi những cơn mưa rừng về, những con suối nước dâng cao, không một phương tiện nào có thể đi lại được”.
Ông Kê Ôi, Trưởng bản Ka Lô và người dân nơi đây đón chúng tôi bằng những nụ cười thật tươi. Trong ngôi nhà hữu nghị vừa được nhân dân Việt Nam xây tặng, sau những câu chuyện về canh tác, sản xuất của người dân, chuyện học hành của lũ trẻ là câu chuyện về những ngày dựng bản.
Ông Kê Ôi nhớ lại: "Trước đây, bản nằm sâu trong rừng, dân bản du canh, du cư, đốt nương làm rẫy, phương thức canh tác lạc hậu nên cuộc sống luôn bị thiếu đói, bệnh tật đe dọa. Năm 2010, được BĐBP Việt Nam giúp đỡ xây dựng 42 căn nhà và đưa dân bản Ka Lô ra sống ở vị trí hiện nay. Không những thế, BĐBP Việt Nam còn tuyên truyền người dân xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống mới nên cuộc sống của bà con đang từng ngày khởi sắc".
Đưa chúng tôi đi thăm một vòng quanh bản, ngắm nhìn những nương ngô xanh mướt, những đàn dê đang gặm cỏ, chị Nan Lạ, ở bản Ka Lô không giấu nổi niềm vui. Chị bộc bạch: “Nhà mình vừa được tặng ngô giống và gà đợt đầu năm, lại được BĐBP Việt Nam hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Năm nay, ngô được mùa nên mình vui lắm!".
Không chỉ có gia đình chị Nan Lạ mà hơn 90 hộ dân với gần 600 nhân khẩu ở bản Ka Lô hằng năm đều được Đồn BPCK A Đớt phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện A Lưới hỗ trợ các loại giống cây trồng như ngô, lúa, cây ăn quả và vật nuôi. Bà Hồ Thị Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện A Lưới cho biết: “Mỗi năm hai đợt, đơn vị phối hợp với các đồn Biên phòng đóng quân trên địa bàn huyện A Lưới tổ chức sang thăm, tặng giống cây trồng, vật nuôi và hướng dẫn bà con tại các bản giáp biên giới của huyện Kà Lừm về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Do điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu bên bạn gần như tương đồng với huyện A Lưới nên chúng tôi lựa chọn những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để cho năng suất, chất lượng cao, giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.
Trải qua nhiều năm kiên trì, bền bỉ chăm lo của chính quyền và các lực lượng bảo vệ biên giới hai bên, cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân bản Ka Lô đã đổi thay nhanh chóng. Đi một vòng quanh bản sẽ dễ dàng bắt gặp những nương ngô xanh mướt, những đàn gà, đàn dê cùng những vườn cây ăn quả. Sự no đủ hiện hữu trong những ngôi nhà sàn cùng gương mặt rạng rỡ của những người dân nơi đây.
Chia tay bản Ka Lô, khoảnh khắc không quên trong chuyến đi là những tình cảm của người dân bản dành tặng cán bộ, chiến sĩ BĐBP Việt Nam. Giữa núi rừng trùng điệp, bản Ka Lô mờ dần theo những bánh xe lăn. Dù vẫn còn gặp muôn vàn khó khăn, nhưng chúng tôi cảm nhận được cuộc sống ấm no và yên bình đang hiện hữu trong những ngôi nhà trên vùng biên cương nghĩa tình này.
Võ Tiến