Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 03/10/2023 01:52 GMT+7

Hướng tới Chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 6:

Nghĩa tình với đồng bào nơi biên giới

Biên phòng - Những năm qua, ngoài giữ vai trò nòng cốt, chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, BĐBP còn làm tốt các chương trình an sinh xã hội, tri ân đồng bào các dân tộc nơi biên giới. Những căn nhà mới khang trang mọc lên trên vùng đất khó, những mô hình sinh kế cho người nghèo… đã góp phần làm cho cuộc sống người dân biên giới ngày một đổi thay, đầy đủ, ấm no, hạnh phúc hơn…

Trung tá Vi Tiến Hạnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô thăm gia đình mẹ con bà Ma Thị Lèo trong ngôi nhà mới khang trang do chương trình trao tặng. Ảnh: Thanh Thuận

Niềm vui trong ngôi nhà mới

Trung tuần tháng 4, để chuẩn bị cho Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 6, chúng tôi có dịp đến huyện biên giới Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Theo chân cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, BĐBP Quảng Ninh, chúng tôi đến thăm gia đình bà Ma Thị Lèo, dân tộc Tày tại thôn Pắc Liềm, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu. Đón chúng tôi trong căn nhà mới được xây dựng kiên cố, khang trang, bà Lèo rất vui mừng, nụ cười luôn nở trên môi. Được biết, ngôi nhà mới của gia đình bà Lèo được xây dựng từ sự hỗ trợ trong Chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” của BĐBP và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô.

Bà Lèo sinh năm 1966, dáng người nhỏ bé, đôi mắt mờ đục, không nhìn thấy ánh sáng từ nhỏ. Khi vừa tròn 18 tuổi, số phận run rủi khiến bà gặp được người đàn ông bà yêu thương, cùng cảnh ngộ, cũng bị mù như bà. Bà sinh được 2 người con, con trai lớn năm nay đã 20 tuổi, mắt cũng không nhìn thấy như bố mẹ, trí nhớ kém. Cô con gái 12 tuổi đang học lớp 6. Bà Lèo hàng ngày sống cùng cậu con trai. Cô con gái đi học xa nhà trên thị trấn Bình Liêu nên chỉ cuối tuần mới được về với mẹ.

Bà Lèo cho biết, bà không đi làm kiếm tiền được, chỉ ở nhà sống bằng tiền phụ cấp hàng tháng của Nhà nước dành cho hai mẹ con tàn tật. May mắn thay, cô con gái đã được Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Chính ủy BĐBP Quảng Ninh hỗ trợ theo Chương trình “Nâng bước em tới trường” (mỗi tháng 500 nghìn đồng) từ lúc cháu học lớp 1 đến khi học hết lớp 12.

Được sự quan tâm của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, trực tiếp là Đảng ủy, BĐBP Quảng Ninh, tháng 12-2020, bà Lèo đã được hỗ trợ xây dựng ngôi nhà mới theo Chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”. Sau hơn 3 tháng triển khai xây dựng, ngôi nhà đã hoàn thành với tổng diện tích xây dựng là 42m2, 2 tầng, 3 phòng ngủ. Ngôi nhà được xây dựng với kinh phí hỗ trợ của BĐBP là 80 triệu đồng, bên cạnh đó, bà Lèo vay mượn thêm người thân, hàng xóm thêm 50 triệu đồng, cùng với trên 200 ngày công lao động của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, các đoàn thể thị trấn Bình Liêu...

Trung tá Vi Tiến Hạnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô cho biết: “Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, đơn vị phải điều động cán bộ, chiến sĩ ra các chốt trực phòng, chống dịch Covid-19 trên biên giới. Thời tiết nơi đây lại khắc nghiệt, mưa, nắng thất thường, nhưng khi được phân công xây dựng nhà cho bà Lèo, các cán bộ, chiến sĩ đơn vị bằng tất cả trách nhiệm và tình cảm của mình đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể của địa phương khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành việc xây dựng ngôi nhà đạt chất lượng, đúng với mục đích, ý nghĩa của chương trình”.

Không giấu được niềm vui khi có ngôi nhà mới, bà Lèo xúc động nói: “Tôi luôn bảo với các con, nếu không được BĐBP giúp đỡ thì không biết bao giờ chúng tôi mới có được căn nhà thế này. Ngày xưa, tôi ở căn nhà cũ, đến mùa mưa bão không ngủ được vì nhà dột, phải lấy chậu hứng nước. Mỗi khi gió bão đến còn sợ gió thổi bay mái nhà. Được BĐBP hỗ trợ làm được ngôi nhà như thế này, tôi thấy yên tâm, không còn lo sợ mỗi khi mưa bão. Tôi biết ơn các chú BĐBP lắm!”.

Trao sinh kế cho người nghèo

Đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Sáng tại thôn Pạc Pùng, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu, chúng tôi cảm nhận được niềm vui vô bờ bến của gia đình bà khi được Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 6 trao tặng bò giống trước khi chương trình diễn ra chính thức.

Bà Nguyễn Thị Sáng, sinh năm 1959 tại Nam Định, lấy chồng tại xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu. Cuộc sống gia đình bà chỉ trông chờ vào vài sào ruộng nên thiếu thốn đủ bề. Sau khi sinh con gái đầu lòng, bà Sáng bị bệnh Parkinson đến nay đã hơn 10 năm. Từ khi bị căn bệnh này, bà Sáng thường xuyên bị run rẩy thân người và chân tay, cơ bị co cứng, khó giữ cơ thể thăng bằng để vận động, việc đi lại của bà cũng phải nhờ đến con dìu dắt. Nếu như trước đây, bà và chồng là lao động chính trong gia đình thì từ khi bà bị bệnh, chỉ có chồng bà làm lụng, lo kinh tế nuôi nấng các con. Do đó, đời sống gia đình vốn không mấy dư dả lại càng trở nên khó khăn.

Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 6 thực hiện một số hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn biên giới huyện Bình Liêu, gồm: Trao tặng 10 ngôi nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, 10 con bò giống cho người nghèo biên giới; tặng 50 suất học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng) cho học sinh nghèo vượt khó.

Từ sự khảo sát của Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 6 đã lựa chọn hộ của bà Nguyễn Thị Sáng là một trong những hộ được hỗ trợ bò giống từ chương trình. Chương trình đã tiến hành trao bò giống cho gia đình bà vào tháng 12-2020. Đến nay, con bò giống được gia đình bà Sáng chăm sóc, phát triển tốt.

Với giọng nói run run, bà Sáng cho biết: “Được nhận 1 con bò giống của BĐBP, chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi vì nay đã có tài sản mà gia đình mơ ước. Gia đình tôi sẽ cố gắng chăm sóc, nuôi dưỡng thật tốt để bò nhanh lớn, đẻ nhiều, tạo nguồn thu nhập trong thời gian tới”.

Hy vọng, trong tương lai, phương thức tặng "cần câu" thay vì "con cá" cho các hộ nghèo, nhằm tiếp sức cho những hộ nghèo vươn lên thoát nghèo sẽ đạt được kết quả ý nghĩa. Gia đình bà Nguyễn Thị Sáng sẽ có thêm điều kiện để sản xuất, từng bước vượt qua khó khăn, sớm thoát nghèo bền vững.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO