Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:16 GMT+7

Nghĩa tình Việt - Lào son sắt trên dải Trường Sơn

Biên phòng - Trải qua bao gian lao, thử thách, từ những ngày kề vai, sát cánh cùng chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược đến ngày hòa bình thống nhất, tình hữu nghị Việt Nam - Lào anh em cứ thế được nâng lên những tầm cao mới. Và hôm nay, những con người thật, việc thật trên suốt dọc dài đường biên giới chung hai nước vẫn ngày qua ngày nỗ lực vun đắp cho tình đoàn kết hữu nghị này “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

Bài 1: Những mối lương duyên Việt Nam - Lào

Tôi có may mắn được nhiều lần gặp những người bạn đến từ đất nước Triệu Voi nhưng lại có nhiều gắn bó với Việt Nam. Đối diện với những con người ấy, tôi không chỉ cảm nhận được sự hiền hậu, tốt bụng, khiêm tốn mà qua ánh mắt, lời nói còn thấy được một tình cảm thật đặc biệt mỗi khi nhắc đến 2 từ Việt Nam. Họ như những “sứ giả” của tình đoàn kết hai nước anh em Việt Nam - Lào.

Trung tá Phăn lạ khon (thời điểm đó mang quân hàm Thiếu tá) cùng vợ và cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo trong buổi giao lưu nhân dịp kỷ niệm Ngày Truyền thống BĐBP Việt Nam, năm 2018. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Việt Nam trong trái tim người Lào

Có một thực tế, trong nhiều gia đình của người Lào, đặc biệt là các hộ sinh sống ở khu vực biên giới tiếp giáp với Việt Nam, gia chủ vẫn treo ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh bên cạnh ảnh Hoàng thân Xuphanuvông và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản. Qua những câu chuyện được kể, tôi đã lý giải điều này bằng nhiều nguyên nhân, trong đó có cả yếu tố lịch sử.

Trước đây, do lối sống du canh, du cư nên nhiều cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số sống trên dãy Trường Sơn “di chuyển” qua lại Việt Nam - Lào. Trong những năm chiến tranh kháng chống Mỹ, nhiều người đã tham gia chiến đấu hoặc có nhiều đóng góp cho cách mạng Việt Nam (tham gia dân công hỏa tuyến, ủng hộ lương thực, nuôi giấu cán bộ). Sau hoạch định biên giới, có không ít người ở lại đất Lào, nhập quốc tịch và trở thành công dân Lào.

Bởi vậy, việc treo ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cạnh Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản ở trong các gia đình người Lào cũng là chuyện dễ hiểu. Ngay cả việc đón Tết ở nhiều bản làng trên biên giới Việt - Lào cũng rất đặc biệt. Người dân vẫn thường “1 năm ăn 2 cái Tết”. Tháng Giêng âm lịch, người Lào về họ hàng Việt Nam ăn Tết Nguyên đán; đến tháng Tư, người Việt lại sang Lào đón Tết Bun Pi May. Đây là sắc màu văn hóa rất đặc biệt của người dân sinh sống tại khu vực biên giới Việt Nam - Lào.

Thiếu tá Bun thạ vi Thục mi sít, Đại đội trưởng Đại đội bảo vệ biên giới 311, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khăm Muộn, Lào khiến nhiều người bất ngờ vì anh có “gốc gác” Việt Nam. Bố mẹ Thiếu tá Bun thạ vi vốn là người Khùa ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Trong những năm chiến tranh, tránh bom đạn giặc, bố mẹ anh đã sang Lào sinh sống và anh được sinh ra và mang quốc tịch Lào. Thế nên, khi nhận công tác tại Đại đội bảo vệ biên giới 311, Thiếu tá Bun thạ vi vui lắm vì địa bàn quản lý tiếp giáp với quê hương anh. Đường từ huyện Na Kai về Minh Hóa khá xa và không được thuận tiện, nhưng mỗi lần ở quê có giỗ, đám cưới, đám hỏi, đám hiếu, anh đều thu xếp để về thăm và giúp đỡ họ hàng. Khi gặp mọi người, anh đều nói tiếng mẹ đẻ - tiếng của đồng bào Khùa nơi đây.

Thiếu tá Bun thạ vi bảo, trường hợp như anh không nhiều nhưng không ít. Bởi vậy, trong lần giao lưu cùng cán bộ, chiến sĩ Đại đội bảo vệ biên giới 531, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông, tôi không quá bất ngờ khi biết Trung úy Un Khăm vốn là người Ve ở Quảng Nam. Cũng như Thiếu tá Bun thạ vi, Trung úy Un Khăm ở Lào đã lâu nhưng vẫn giữ nhiều phong tục của đồng bào Ve. Thật cảm động khi trong huyết quản của những người lính Biên phòng Lào vẫn dào dạt dòng máu Lạc Hồng.

Mối lương duyên Việt - Lào

Đại úy Sổm xay Xay nam thi lạt, cán bộ Trường Nghiệp vụ Biên phòng 712, tỉnh Bô Ly Khăm Xay, Lào vẫn luôn nói mình thật may mắn khi có “duyên” với đất nước Việt Nam. Anh từng theo học 5 năm tại Học viện Biên phòng (Sơn Tây, Hà Nội), sau đó, đảm nhận vị trí Đại phó Đại đội bảo vệ biên giới 531, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông, quản lý đoạn biên giới chung với huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đại đội bảo vệ biên giới 531 là đơn vị kết nghĩa với Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, BĐBP Thừa Thiên Huế, bởi vậy mà anh có thêm điều kiện để hiểu hơn về con người Việt Nam.

Năm 2018, Đại úy Sổm xay Xay nam thi lạt một lần nữa quay trở lại Học viện Biên phòng để bảo vệ luận văn Thạc sĩ quân sự, chuyên ngành Quản lý biên giới và cửa khẩu. Anh chia sẻ: “Cha tôi là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 của QĐND Lào. Cha tôi nói với tôi rằng, đơn vị ông kết nghĩa với một đơn vị thuộc Quân khu 2, QĐND Việt Nam. Bản thân tôi được học ở Việt Nam, được kết nghĩa với BĐBP Việt Nam, thế nên hình ảnh đất nước, con người Việt Nam luôn thân thương trong gia đình chúng tôi”.

Đại úy Sổm xay Xay nam thi lạt (ngoài cùng bên phải) trong thời gian học cao học tại Học viện Biên phòng. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Đại đội trưởng Đại đội bảo vệ biên giới 312, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khăm Muồn, Lào là Trung tá Phăn lạ khon Phôm mạ kê sỏn cũng có 5 năm học ở Việt Nam. Giữa Thủ đô Hà Nội, chàng trai Lào đã để ý cô bạn cùng trường Lê Thị Ngọc. Tình cảm chân thành của chàng trai đến từ đất nước Triệu Voi đã khiến cô gái Việt Nam rung động. Ra trường, chị Ngọc ở lại Hà Nội làm việc, còn anh biền biệt ở biên giới huyện Bualapha, tỉnh Khăm Muồn, giáp với tỉnh Quảng Bình. 2 con người ở 2 đất nước, mang 2 quốc tịch, lại xa xôi, nhưng gia đình chị Ngọc và anh Phăn lạ khon vẫn ủng hộ mối lương duyên này. Bố của Trung tá Phăn lạ khon vốn là bộ đội Pa Thét Lào nên mỗi lần gặp bố của người yêu con trai mình, cũng là cựu quân tình nguyện Việt Nam tại tỉnh Xiêng Khoảng lại hàn huyên không dứt. Sau 4 năm yêu nhau, chị Ngọc trở thành cô dâu Lào và chuyển hẳn sang Lào sinh sống.

Chàng rể Việt Nam - Trung tá Phăn lạ khon luôn bày tỏ niềm vinh dự khi hằng ngày cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng quốc tế Cha Lo, BĐBP Quảng Bình bảo vệ đường biên giới chung. Với người lính Biên phòng Lào này, Việt Nam không chỉ là anh em mà còn là quê hương của vợ và con trai anh.

Biên giới Việt Nam - Lào được “bảo vệ” từ những con người đặc biệt như thế.

Bài 2: Thầy thuốc không biên giới của người dân Lào

Trúc Hà

Bình luận

ZALO