Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:58 GMT+7

Nghĩa tình Việt - Lào son sắt trên dải Trường Sơn (bài 4)

Biên phòng - Đường về trung tâm huyện xa, nhiều nơi phải đi bộ nên người dân Lào ở các bản giáp biên giới thường sang Việt Nam mua nhu yếu phẩm, khám chữa bệnh. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát, việc tạm ngừng xuất, nhập cảnh phổ thông gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân hai bên biên giới. Và, trong những ngày khó khăn này, những người anh em Việt - Lào lại cùng chung tay hỗ trợ nhau vượt qua đại dịch.

Bài 4: Kề vai, sát cánh cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19

Người dân đồng lòng

Bà Hồ Thị Mơng (thôn Sa Trầm, xã Ba Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) đã kể câu chuyện như sau: Trước phân định biên giới, bản A Xóc (huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan, Lào) và thôn Sa Trầm sống cùng với nhau nên giờ tuy là người dân 2 nước nhưng bà con vẫn luôn gắn bó. Mấy năm trước, thấy hiệu quả kinh tế từ cây sắn, người dân thôn Sa Trầm đã hỗ trợ người dân bản A Xóc cây giống để trồng. Đất rộng lại tốt, sắn cho sai củ, thế nên nhiều nhà thu nhập ổn định. Tình thân vì thế mà càng thêm gắn bó.

Thông qua Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị, nhiều đoàn thiện nguyện đã trao tặng nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân Lào bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Dịch Covid-19 bùng phát, nông sản trồng ra không bán được, bởi vậy, người dân gặp rất nhiều khó khăn. Kể từ ấy, ở cửa khẩu phụ A Xóc thường có những chiếc gùi, khi thì đựng mắm muối, dầu ăn, khi thì gạo, lúc thì rau, măng rừng... Đó là nhu yếu phẩm của người dân bản A Xóc và Sa Trầm gửi cho nhau qua biên giới. Đồ cần gửi cứ để trong gùi, đặt ở cửa khẩu, nhắn các cán bộ Biên phòng gửi cho ai là được. Có lẽ, với nhiều người, đây là chuyện lạ, thế nhưng, với người gắn bó với biên giới thì việc này không có gì mới. Tấm lòng của đồng bào lúc nào cũng giàu hơn những thứ vật chất mà họ có. Mỗi khi nhận được đồ từ thiện, cứu trợ, đồng bào ở các bản giáp biên ở Việt Nam thường bớt lại một phần gửi cho những người anh em, họ hàng bên Lào.

Tháng 4, tháng 5 là quãng thời gian đồng bào Vân Kiều sống ở khu vực biên giới tỉnh Quảng Trị tổ chức cưới và cúng chay. Vào những ngày này, anh em, họ hàng ở các nơi (kể cả ở Lào) đều tìm về gặp mặt để chúc phúc cũng như cầu mong tổ tiên phù hộ cho mùa màng tốt tươi. Thế nhưng, năm nay, dịch Covid-19 tại Lào và Việt Nam bùng phát và diễn biến phức tạp, bởi vậy, các hoạt động tập trung đông người đều tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Sau khi được chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Hướng Phùng, BĐBP Quảng Trị tuyên truyền, vận động, anh Hồ Văn Đinh (thôn Bụt Việt, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã hoãn tổ chức đám cưới với chị Hồ Thị Pi (bản Tà Rìa, huyện Sê Pôn, tỉnh Sa Vẳn Nạ Khệt, Lào) dù anh Đinh cũng chuẩn bị đủ bò, lợn để mời họ hàng 2 bên về ăn mừng.

Ông Hồ Văn Liên ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng cũng đồng ý với Đại úy Hồ Văn Nhi, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng và Trung tá Hồ Văn Sơn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hướng Phùng khi vận động gia đình cúng chay chỉ có anh em trong bản mà không mời họ hàng ở Lào về. Lúc này, mọi người đều hiểu rằng, tất cả phải ưu tiên cho việc chống dịch.

Chi viện cho chính quyền nước bạn chống dịch

Sau Tết cổ truyền Bun Pi May của Lào (tháng 4-2021), nhiều tỉnh, thành phố của Lào liên tục phát hiện ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng. Để giúp người dân nước bạn phòng, chống dịch, nhiều địa phương của Việt Nam đã tổ chức các đợt hỗ trợ khẩn cấp. Điển hình như: Tháng 5-2021, UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ tỉnh Sê Kông (Lào) 2 máy thở, 10 máy đo thân nhiệt, 50.000 chiếc khẩu trang vải và khẩu trang y tế, 500 bộ bảo hộ, 100 chai dung dịch sát khuẩn cùng nhiều dung dịch Chlorine, nước súc miệng? với tổng giá trị hơn 500 triệu đồng.

Không chỉ gửi vật tư y tế, tháng 10-2021, UBND tỉnh Quảng Bình còn cử đoàn công tác gồm 11 y, bác sĩ lên đường hỗ trợ chính quyền tỉnh Khăm Muộn (Lào) phòng, chống dịch Covid-19. Đoàn công tác mang theo 2 hệ thống máy xét nghiệm RT-PCR, số lượng sinh phẩm đủ cho khoảng 15.000 mẫu gộp, 1.000 test tay và nhiều thiết bị y tế hiện đại khác để hỗ trợ tỉnh bạn. Dịp này, tỉnh Quảng Bình cũng tặng tỉnh Khăm Muộn 1 ?Tủ an toàn sinh học cấp 2?. Trong quá trình xét nghiệm, do tỷ lệ người dân nhiễm Covid-19 cao, tiêu tốn sinh phẩm nên ngày 19-10, tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ bổ sung cho tỉnh Khăm Muộn hóa chất, sinh phẩm trị giá khoảng 500 triệu đồng. Từ ngày 11 đến ngày 25-10, đoàn công tác của tỉnh Quảng Bình đã thực hiện xét nghiệm hơn 6.700 mẫu, ghi nhận 738 mẫu dương tính, qua đó, giúp chính quyền tỉnh Khăm Muộn kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

BĐBP Quảng Nam trao thiết bị y tế hỗ trợ tỉnh Sê Kông, Lào phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Từ tháng 3-2020, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, Chính phủ Lào đã quyết định cho tạm dừng việc xuất nhập cảnh phổ thông, điều đó đã gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân khu vực biên giới. Bởi lẽ, trước đó, do đường từ các bản về huyện lỵ không thuận lợi, người dân Lào thường sang các huyện giáp biên giới của Việt Nam để trao đổi hàng hóa. Nay, việc đi lại bị hạn chế, nông sản không bán được, nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, muối cũng khó mua nên khó khăn lại chồng khó khăn. Trước tình hình đó, bên cạnh việc tự đóng góp, BĐBP các tỉnh còn kêu gọi các đơn vị, nhà hảo tâm cùng chung tay chia sẻ, đồng hành với chính quyền và nhân dân Lào vượt qua đại dịch.

Tháng 11-2020, thông qua Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị, nhóm thiện nguyện Chia sẻ - Sharing của bà Mai Thị Hạnh, phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cùng đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đến Quảng Trị trao quà cùng tiền mặt cho người dân khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Điều đặc biệt, người dân ở các bản cụm bản Denvilay (huyện Noòng), Ka Túc (huyện Sê Pôn), tỉnh Sa Vẳn Na Khệt, Lào sinh sống dọc theo sông Sê Pôn cũng nhận được những phần quà gồm gạo, dầu ăn, cá khô như người dân tại 7 xã vùng Lìa, huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Hôm ấy, những chiếc đò nhỏ mà người Lào dùng để chở nhu yếu phẩm được tặng đã rời bến hướng về bờ bên kia sông Sê Pôn, chúng tôi vẫn còn nghe rõ những từ khọp chay (cảm ơn) không dứt.

Thế mới thấy, càng trong khó khăn, hoạn nạn, người Lào, người Việt càng thương và nhớ đến nhau.

Bài 5: Nghĩa tình sắt son chưa bao giờ cũ

Trúc Hà

Bình luận

ZALO