Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 28/05/2023 05:03 GMT+7

Nghĩa tình sâu nặng bên dòng Sê Pôn

Biên phòng - Sau những ngày dâng trào lũ dữ, dòng sông biên giới Sê Pôn lại trở về với nhịp chảy bình lặng như tình nghĩa thủy chung bao đời nay giữa người dân bản Xi Ra Man, xã Xy, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và bản Xi Ổi, huyện Noòng, tỉnh Savannakhet (Lào). Dọc đôi bờ con sông này, rừng cây săng lẻ sau mùa thay lá đang trỗi ra vô vàn lộc non xanh biếc để chờ đón tiết Xuân mang nắng ấm trở về.

Thiếu úy Hồ Văn Huy (nay là Thượng úy) dạy chữ cho phụ nữ ở bản Xi Ổi vào năm 2011. Ảnh: Nguyễn Thành Phú

Nhịp chèo nối nghĩa tình

Thực hiện phong trào “Kết nghĩa bản-bản hai bên biên giới”, ngày 18-7 -2007, bản Xi Ra Man, xã Xy đã tổ chức kết nghĩa với bản Xi Ổi, huyện Noòng với nhiều nội dung được nhân dân hai bản cam kết với nhau cùng thực hiện như: Cùng nhau bảo vệ đường biên, cột mốc và dấu hiệu vành đai, khu vực biên giới, không làm hư hỏng, xê dịch cột mốc biên giới, dấu hiệu đường biên giới, biển báo khu vực biên giới, vành đai biên giới, vùng cấm. Bảo vệ nguyên trạng, không làm thay đổi dòng chảy sông suối; Chấp hành nghiêm việc qua lại biên giới, không xâm canh, xâm cư qua biên giới; bảo vệ môi trường sinh thái; không gây cháy nổ, không đốt nương rẫy trong vành đai biên giới. Không tham gia hoặc khuyến khích việc lấy vợ, lấy chồng trái phép hai bên biên giới. Không chứa chấp, che dấu, đưa đón, dẫn đường người xuất, nhập cảnh trái phép...

Đồng thời, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế; xử lý những vấn đề nảy sinh có liên quan đến hai bên biên giới trên tinh thần cảm thông, chia sẻ giữa cộng đồng dân cư với nhau; không ngừng củng cố, xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt từ bao đời nay giữa nhân dân hai bên biên giới...

Với già làng Hồ Ray, khi ông còn làm trưởng bản thay mặt cho 146 hộ dân với 777 nhân khẩu của bản Xi Ra Man đặt bút cùng ký vào bản quy chế kết nghĩa là một kỷ niệm chẳng thể nào quên. Ông chia sẻ: “Từ lâu, hai bản đã thương nhau như anh em một nhà, khi có cái ăn, lúc mất mùa đều chia sẻ với nhau nhưng chủ yếu là bà con thân tộc với nhau thôi. Từ khi, được chính quyền và Đồn Biên phòng Thanh đồng ý cho hai bản kết nghĩa với nhau thì tình đoàn kết lại càng gắn bó hơn”.

Sau lễ kết nghĩa, cứ khoảng vài ngày là già làng Hồ Ray lại chèo thuyền sang thăm bà con bản Xi Ổi một lần, khi thì ông đem theo mấy trăm hom giống cây sắn KM94, lúc thì vài cân hạt ngô giống, cũng có hôm ông sang để hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây sắn cho năng suất cao... Vì thế, những người dân ở bản Xi Ổi luôn xem ông Hồ Ray như già làng, trưởng bản của mình.

Năm nay già Hồ Ray đã 82 tuổi, dẫu không còn làm trưởng bản nữa song đều đặn hằng tuần, ông vẫn một mình chèo chiếc thuyền nhỏ sang chuyện trò, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, sản xuất với bà con bản Xi Ổi, chỉ từ khi dịch Covid-19 xảy ra thì ông mới tạm dừng việc sang thăm những người anh em kết nghĩa.

Qua hơn 13 năm kết nghĩa, người dân bản Xi Ra Man đã hỗ trợ người dân bản Xi Ổi hơn 5.000 hom giống cây sắn cao sản KM94, 15kg hạt giống ngô lai, 200 cây giống ăn quả, 1.000 cây giống tràm hoa vàng... Trong đợt lũ lịch sử vừa qua, bà con bản Xi Ra Man đã tự nguyện trích bớt số hàng cứu trợ để chia sẻ khó khăn với người dân ở bản Xi Ổi với hơn 100 két mỳ tôm, 500kg gạo cùng nhiều nhu yếu phẩm khác như: Muối, mỳ chính, dầu ăn, bột nêm...

Nét chữ Việt trên đất Lào

Thượng úy Hồ Văn Huy bây giờ đã chuyển công tác đến Đồn Biên phòng Ba Nang, song bao kỷ niệm về những tháng ngày làm nhiệm vụ dạy tiếng Việt cho người dân ở bản Xi Ổi khi anh còn giữ chức vụ nhân viên Vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Thanh, BĐBP Quảng Trị vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của người cán bộ này.

Tháng 6-2010, khi mới về nhận công tác tại Đồn Biên phòng Thanh, do là người dân tộc Vân Kiều nên anh được chỉ huy đơn vị bố trí đặc cách sang bản Xi Ổi để dạy tiếng Việt cho chị em phụ nữ bên ấy. Chưa kịp làm quen với đồng đội, anh đã khoác ba lô, vượt sông Sê Pôn trên chiếc thuyền của ông Hồ Ray để đưa nét chữ Việt neo lại trên đất Lào.

Ông Hồ Ray chuẩn bị hom giống cây sắn KM94 để gửi sang cho người dân bản Xi Ổi vì sau thời gian mưa lũ vừa qua toàn bộ nương sắn của bản Xi Ổi đã bị thối và chết rục. Ảnh: Nguyễn Thành Phú

Ban đầu, lớp học của Huy chỉ có 10 học viên, lại được tổ chức vào buổi tối nên sĩ số cứ thưa dần. Tiến hành tìm hiểu thì được biết, phụ nữ ở đây thường đi làm rẫy về tới nhà lúc gần 18 giờ, rồi còn phải lo cơm nước, dọn dẹp nên việc đến lớp vào lúc 19 giờ là không phù hợp. Thế là anh bàn với trưởng bản chuyển thời gian học từ 7 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút và từ thời điểm ấy, lớp học tăng dần sĩ số lên tới 26 người.

Do đang có dịch Covid-19 nên tôi không thể sang bản Xi Ổi để trò chuyện với những người dân trong bản, may sao Thiếu tá Nguyễn Văn Ngọc, cán bộ Trạm kiểm soát Biên phòng Xy, Đồn Biên phòng Thanh kết nối điện thoại với chị Nang A Nghê để được nghe chị nói: “Mình với mọi người bản Xi Ổi vẫn còn nhớ thầy Huy nhiều lắm. Nhờ thầy Huy dạy mà mình và chị em ở đây biết tiếng Việt, nhờ đó thuận lợi hơn trong việc trao đổi với bà con bên Việt Nam để phát triển kinh tế gia đình. Cũng nhờ thuận lợi trong giao tiếp mà gùi hàng sang Việt Nam bán cũng dễ hơn”.

Ông Ten On Chăn Tha La Noong, Phó Huyện trưởng huyện Noòng, tỉnh Savanankhet khẳng định: “Kết nghĩa bản-bản hai bên biên giới là một phong trào mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Từ phong trào này đã tăng cường tình đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, xoá đói giảm nghèo... Đồng thời, chủ động phòng ngừa, phát hiện, giải quyết được nhiều vụ việc xảy ra trên biên giới 2 nước Lào - Việt Nam.”

Nguyễn Thành Phú

Bình luận

ZALO