Biên phòng - Tà Păng là bản giáp biên, xa xôi nhất của xã Hướng Lập (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), bởi vậy mà người ta thường liên tưởng đến những khó khăn, vất vả và thiếu thốn. Thế nhưng, trái ngược với những “suy đoán” ấy, khi đến Tà Păng, chúng tôi choáng ngợp trước vẻ đẹp yên bình có phần trù phú của bản làng người Vân Kiều nhờ sự nỗ lực xây dựng cuộc sống mới của quân và dân biên giới.

Hành trình từ đường Hồ Chí Minh vào bản Cù Bai (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa) thật gian truân, bởi sau mỗi trận mưa lũ, con đường bị biến dạng, gập ghềnh vì sạt lở. Thế nhưng từ bản Cù Bai vào Tà Păng đường lại rất đẹp. Xe chúng tôi cứ thế bon bon trên đường bê tông uốn lượn theo những sườn núi mà không gặp trở ngại gì. Và rồi, Tà Păng hiện ra với những mái nhà sàn truyền thống của người Vân Kiều ẩn hiện dưới tán cây cổ thụ và thấp thoáng bóng cờ Tổ quốc. Bao nhiêu lần nhìn cờ đỏ sao vàng là bấy nhiêu lần cảm xúc dâng lên vẹn nguyên niềm tự hào với Tổ quốc, tự hào là người Việt Nam.
Tháng 5, thời tiết càng trở nên nóng nực khi những quả đồi bị đốt trụi. Những cơn gió mùa Hè “quạt lửa” từ những đám rẫy cháy bừng bừng khiến ai nấy đều trở nên ngột ngạt. Đại úy Nguyễn Thái Bình (Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Hướng Lập) - người dẫn đường cho chúng tôi nói rằng, những quả đồi đó thuộc địa phận nước bạn Lào và người dân các bản Lào ở giáp biên đốt nương để chuẩn bị cho mùa gieo hạt mới. Ở Việt Nam, việc đốt nương còn rất ít vì người dân đã quen với cây lúa nước và việc du canh, du cư vì thế mà không còn.
Khi bước vào địa phận bản Tà Păng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người lính Biên phòng cần mẫn, khuân gạch, vác xi măng, trộn vữa. Chưa tới 7 giờ sáng nhưng mồ hôi đã chảy ròng ròng trên những khuôn mặt sạm đi vì nắng gió đủ để thấy sức nóng và sự vất vả của công việc. Các anh đang xây dựng công trình nước sạch do đơn vị kêu gọi các mạnh thường quân đóng góp đã bước vào giai đoạn nước rút. Tất cả đều khẩn trương vì sớm ngày nào bà con được hưởng lợi sớm ngày đó. Công trình nước sạch do Đồn Biên phòng Hướng Lập triển khai gồm đường dẫn nước, bể nước, nhà tắm và vệ sinh cũng hứa hẹn góp phần mang lại diện mạo mới cho bản giáp biên này.
Trung tá Hồ Lê Luận, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập cho biết: “Những năm trở lại đây, chúng tôi tập trung kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ xây dựng các công trình dân sinh để nhiều người được hưởng lợi. Đơn vị đã kêu gọi thi công được 10 giếng khoan tại các bản trên địa bàn 2 xã do đơn vị quản lý là Hướng Việt, Hướng Lập. Tại bản Tà Păng, chúng tôi có kế hoạch khoan giếng nước sạch cho bà con, tuy nhiên, do địa chất không thể khoan được nên đơn vị quyết định chuyển sang xây bể rồi dẫn nước về. Công trình nước sạch này giúp bà con đỡ vất vả, nhưng sâu xa hơn đó là nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống”.

Cũng theo Trung tá Hồ Lê Luận, thời gian qua, các công trình do đơn vị triển khai được cán bộ, chiến sĩ “nâng tầm” bởi số tiền của các nhà hảo tâm chỉ dùng mua nguyên vật liệu, còn công xây dựng do cán bộ, chiến sĩ đơn vị và nhân dân đóng góp. Chính điều này đã khiến các nhà hảo tâm sẵn sàng đồng hành, ủng hộ lời kêu gọi của BĐBP trong việc chung tay giúp đồng bào.
Bản Tà Păng không giống như một số bản làng khác ở vùng cao, có vị trí bằng phẳng nên thuận tiện cho người dân làm nhà, sống tập trung. Con đường bê tông uốn lượn theo các ngôi nhà sàn để người dân được thuận tiện nhất trong việc đi lại. Trâu bò đã được “ra ở riêng” nên bản khá sạch sẽ. Tháng 3 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Truyền thống BĐBP (3/3/1959 - 3/3/2023) và 34 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2023), Đồn Biên phòng Hướng Lập đã khánh thành và bàn giao cho nhân dân bản Tà Păng công trình “Ánh sáng vùng biên”. Những cột đèn kim loại với những bóng điện sáng trưng là điều mà người Tà Păng chưa khi nào nghĩ đến một ngày nào đó bản Tà Păng này sẽ có.
Già làng Hồ Xưng (tên thường gọi là Pạ Diều) cũng là người có uy tín trong bản đón chúng tôi bằng tình cảm như đón người thân. Già làng Hồ Xưng kể rằng, trước năm 1977, bản Tà Păng ở phía sau ngọn núi cao cũng là đường biên giới Việt Nam - Lào bây giờ. Sau hoạch định biên giới, những người chọn về Việt Nam thì mang theo tài sản của mình chuyển về đây. Đồn Biên phòng Cù Bai (nay là Đồn Biên phòng Hướng Lập) khi ấy ít quân số lắm nhưng vẫn cắt cử cán bộ cùng chính quyền địa phương giúp dân dựng nhà để bắt đầu cuộc sống mới. Ngày ấy, Hướng Lập và các vùng xung quanh đều nghèo lắm. Đồng bào Vân Kiều luôn giữ vững niềm tin đối với Đảng, Bác Hồ, là động lực để đồng bào nơi đây vượt khó cùng BĐBP xây dựng đất nước sau những năm bom đạn chiến tranh tàn phá.
Từ nhà tranh vách nứa, nay người dân đã làm nhà gỗ, lợp mái tôn. Nhà nước quan tâm làm đường, xây trường học ngay tại bản. Có điện, bà con lắp bóng đèn thắp sáng, buổi đêm không còn tối như lúc trước. Rồi mọi người mua tivi về xem. Những tin tức, kiến thức được xem qua tivi khiến bà con thấy mình được “đi xa” hơn dù vẫn ở Tà Păng. Trẻ con đi học, lớn lên thì về xã, huyện, tỉnh tiếp tục học tập. Đã có những thanh niên thoát ly, đi làm ăn xa. Cũng chính những thanh niên này đã mang “luồng sinh khí mới” cho Tà Păng. Ngày càng có nhiều thanh niên lựa chọn cho mình theo lối đi này. Đây là một cách giải quyết khi cuộc sống của đồng bào vốn phụ thuộc nhiều vào rừng ngày càng bị bó hẹp vì những chính sách bảo vệ rừng.
“Không kẻ xấu nào có thể chia rẽ tình cảm của bà con Vân Kiều ở Tà Păng với BĐBP. Không kẻ xấu nào có thể khiến người Vân Kiều ở Tà Păng mất đi lòng tin với Đảng, Nhà nước, với chính quyền địa phương, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập. Bởi vì niềm tin ấy, mối quan hệ ấy được xây dựng trên cơ sở những người làm có thật, được qua thử thách”. Già làng Hồ Xưng nói
Già làng Hồ Xưng bảo rằng, sau hòa bình, cuộc sống của dân bản gặp vô vàn khó khăn. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đời sống đồng bào Vân Kiều ở Tà Păng đã tốt hơn từng ngày. Đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, cuộc sống khó khăn không gì diễn tả hết, nhưng đó cũng là lúc để thấy rõ được tấm lòng của BĐBP với nhân dân và ngược lại.
Những ngày đầu, BĐBP phải dựng lán tạm sát đường biên để làm nhiệm vụ. Người dân góp sức giúp bộ đội dựng lán. Quả bí, quả bầu trong góc nhà vốn là “của để dành” cũng được các mẹ, các chị mang ra “góp” cho BĐBP ăn những ngày chống dịch. Không phụ lòng người dân, những người lính Biên phòng không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ "kép", mà còn kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ lương thực, thực phẩm, giúp đỡ nhân dân vượt qua đại dịch làm bằng cả tình thương và trách nhiệm.
Đại dịch đi qua, người dân Tà Păng càng nhận thức sâu sắc hơn tình quân dân cá nước, tích cực, hăng say lao động sản xuất và chung tay cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, góp phần xây dựng vùng biên ngày càng giàu mạnh.
Trúc Hà