Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 09/06/2023 06:34 GMT+7

Nghĩa tình quân dân ở Ia Lốp

Biên phòng - Ia Lốp là xã biên giới của huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk có khí hậu rất khắc nghiệt nên cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn vất vả. Vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc, Đồn BP Ea H'Leo, BĐBP Đắk Lắk còn thường xuyên cử cán bộ, chiến sĩ bám dân, bám địa bàn, phát huy có hiệu quả công tác vận động quần chúng giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

b2a6_11a-1.jpg
Công trình nước sinh hoạt do BĐBP Đắk Lắk xây dựng được người dân xã Ia Lốp vui mừng đón nhận.
 
Tín hiệu vui

Tây Nguyên đang bước vào mùa khô, dưới cái nắng nóng như đổ lửa, chúng tôi lên xe rời thành phố Buôn Ma Thuột để tiến thẳng về huyện biên giới Ea Súp. Và từ đây, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình hơn 60km nữa mới vào đến xã biên giới Ia Lốp, khi mặt trời đã lẩn sau những cánh rừng già của Vườn quốc gia Buôn Đôn. Điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy là sự đổi thay vượt bậc cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần của các hộ dân từ các tỉnh Thanh Hóa, Bến Tre đến Ia Lốp xây dựng vùng kinh tế mới.

Những ngày sống khó khăn, thiếu thốn, biệt lập đã dần lùi xa, thay vào đó là những ngôi nhà tường vôi kiên cố, tiếng cười nói bi bô của trẻ thơ vang trong làng. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn khang trang, vững chãi của gia đình, ông Hà Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Ia Lốp báo tin mừng: "Trước kia, Ia Lốp thường hạn hán về mùa khô, còn mùa mưa thường xảy ra ngập lụt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Đời sống của người dân nơi đây nghèo nàn quanh năm đeo bám, đường sá thì toàn đất đỏ lầy lội. Giờ đây đã khác rồi...".

Tuy đã có nhiều chuyển biến như lời ông Thanh nói, nhưng Ia Lốp còn có tới 72% số hộ hiện là hộ nghèo, khiến cho chương trình xóa đói, giảm nghèo ở địa phương này thêm khó khăn chồng chất khó khăn. Ở xã vùng biên giới Ia Lốp, tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô là câu chuyện "biết rồi, nói mãi" nên chẳng lạ lẫm với người dân nơi đây. Để có nước, họ đã phải bỏ công việc nương rẫy, chạy xe máy hàng chục ki-lô-mét ra tận sông Ea H'leo chở từng can nước về mới có nước sinh hoạt.

Thấy được sự vất vả, khó nhọc của người dân, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Ea H'Leo đã vận động hỗ trợ kinh phí và trực tiếp khoan giếng, xây bể chứa, đào đường ống, dẫn nước về tận từng nhà dân để "giải cứu" cơn khát cho hàng ngàn người dân. Trước sự tận tâm, tận lực của những người lính mang quân hàm xanh, người dân nơi đây đã gọi giếng nước với một cái tên trìu mến "Giếng nước tình quân dân".

Cách làm hiệu quả

Từ thực tế khó khăn như vậy, được sự đầu tư của Nhà nước, sự vào cuộc của Bộ Quốc phòng đã giải quyết đất ở, đất sản xuất, xóa nhà tạm, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cũng phần nào tạo điều kiện cho người dân nghèo ở xã Ia Lốp vươn lên ổn định cuộc sống.

Thiếu tá Đặng Văn Cần, Đội phó Đội vận động quần chúng, Đồn BP Ea H'Leo tâm sự: "Làm công tác vận động quần chúng không mềm dẻo và sâu sát là thất bại ngay, nhất là đối với một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao như Ia Lốp. Từ thôn này đến thôn khác cách nhau mấy chục ki-lô-mét, dân lại hay lên rẫy nên nhiều khi cán bộ xuống phải làm việc vào ban đêm. Chúng tôi phải phối hợp với các cơ quan, ban, ngành để giải thích nhằm tránh thắc mắc, kiện cáo trong bà con, đồng thời có cơ sở giúp họ thoát nghèo hiệu quả, từ đó đả thông tư tưởng cho họ nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững".

Chỉ tay vào rẫy sắn trải dài một màu xanh ngút mắt, anh Lang Văn Hướng, ở thôn Đừng, thổ lộ: "Thú thật với anh, mấy năm trước cả xã này, lâm tặc nhan nhản, chỉ chăm chăm đi phá rừng xuyên biên giới. Giờ tư tưởng của họ đã thông suốt nên chăm chỉ làm ăn rồi, bây giờ không còn lo đói ăn nữa mà chỉ tập trung làm giàu, lo cho con cái ăn học thôi".

zhns_11b-1.JPG
Công tác khám chữa bệnh cho nhân dân cũng được BĐBP Đắk Lắk đặc biệt chú trọng. 
 
Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, đặc biệt là sự vào cuộc của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Ea H'Leo, đến nay, hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Ia Lốp đã có đường nhựa để đi, điện thắp sáng đến từng gia đình. Từ ngày con đập thủy lợi Ea Súp Thượng được sửa chữa kiên cố đi vào hoạt động đã tạo điều kiện cho hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp ở đây có đủ nước tưới tiêu, phục vụ sinh hoạt, đời sống của người dân cũng từng bước được cải thiện đáng kể. Bà con một lòng tin tưởng vào Đảng, vào các chính sách đúng đắn của Nhà nước về phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi biên giới xa xôi.

Một trong những hoạt động hết sức ý nghĩa, giúp hàng trăm gia đình yên tâm gắn bó với vùng biên giới chính là cuộc vận động xây "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới" tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Anh Hà Văn Minh, Trưởng thôn Đừng cho biết: "Muốn cuộc sống ấm no thì phải đoàn kết, là người sinh ra trên mảnh đất này nên tôi thấu hiểu, ngoài đất, thủy lợi thì phải tạo điều kiện cho người dân có cái tổ ấm. Cuộc vận động "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới" được triển khai, nhiều căn nhà dột nát đã được thay thế bằng nhà kiên cố".

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cuộc vận động do Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh Đắk Lắk phát động đã quyên góp được gần 10 tỷ đồng. Từ số tiền này đã xây dựng 166 "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới"; nhà "Nghĩa tình Trường Sơn" tặng hộ nghèo trên địa bàn các xã biên giới; xây dựng 16 công trình dân sinh, giếng nước sạch, phòng học, phòng khám quân dân y kết hợp… phục vụ nhu cầu sinh hoạt, học tập, khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn huyện biên giới Ea Súp.

Có thể nói, với sự góp sức của BĐBP, cuộc sống của người dân Ia Lốp ngày một khấm khá, bộ mặt nông thôn mới vùng biên giới đang được khởi sắc từng ngày. Đúng như lời ông Bí thư Đảng ủy xã Ia Lốp nói, "cả một vùng khô cằn giờ đây đang bừng nở một màu no ấm".
Lê Đồng

Bình luận

ZALO