Biên phòng - Với sự tận tâm và tinh thần trách nhiệm, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Cà Mau đã xây dựng nhiều mô hình giúp dân hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng cường mối đoàn kết quân dân một ý chí, nhất là ở vùng biển, đảo xa.
Vào mùa mưa, với những trận mưa như trút nước xuống xóm nghèo ven biển. Trong căn nhà mới ở khóm 6B, thị trấn sông Đốc, anh Ngô Văn Màu tâm sự: Tháng trước nhà tôi dột nát lắm. May có mấy chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Đốc đến thăm, thấy nhà cửa như vậy, các anh liền mua cột, kèo và tấm lợp đến sửa sang lại. Nếu không được sửa chữa kịp thời, gặp trận mưa như hôm nay thì không biết chui vào đâu cho khỏi ướt.
Cách đây hơn 15 năm, anh Màu từ một thanh niên cường tráng là trụ cột của gia đình, bỗng mắc bệnh nặng, phải nằm một chỗ. Họa vô đơn chí, người vợ cũng bỏ anh và 3 đứa con còn thơ dại bơ vơ. Trong mái tranh nghèo, 4 cha con anh sống lay lắt nhờ tình thương của bà con chòm xóm và tiền bán vé số của mấy đứa nhỏ. Biết được tình cảnh của gia đình, hơn 10 năm trước, Đảng ủy, Chỉ huy Đồn Biên phòng Sông Đốc họp và quyết định đưa 2 cháu nhỏ là Thu và Phượng về đồn nuôi dạy, còn cháu lớn Ngô Thị Trang ở nhà chăm sóc cha. Hằng tháng, đồn còn hỗ trợ gạo, thực phẩm giúp gia đình; cán bộ, chiến sĩ còn xây tặng gia đình anh ngôi nhà Đại đoàn kết trị giá 15 triệu đồng.
Từ đó, những giờ nghỉ, ngày nghỉ, trong doanh trại Đồn Biên phòng Sông Đốc lại vang lên tiếng ê a học bài, tiếng nô đùa của trẻ nhỏ. Được các chú bộ đội chăm lo, dạy dỗ, Thu và Phượng đã biết đọc, biết viết, biết làm các phép tính. Hiện, cả hai đã lập gia đình. Nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, vì vậy, hằng tháng, đơn vị vẫn chu cấp gạo cho ông Màu và thường xuyên thăm hỏi, động viên và sửa sang lại nhà cửa cho ông.
Rời cửa biển sông Đốc, chúng tôi ra đảo Hòn Chuối trong nắng chiều. Đảo Hòn Chuối nằm cách cửa biển sông Đốc khoảng 17 hải lý, Ngoài lực lượng Biên phòng, Hải quân đóng trên đảo, còn có hơn 50 hộ dân trong đó có hơn 20 gia đình là người dân tộc Khmer, đều là hộ nghèo. Ở đảo có điều rất đặc biệt là mỗi năm, người dân phải di chuyển nhà ở 3 lần từ ghềnh Chướng, sang ghềnh Nồm và ghềnh Nam, để tránh sóng gió.
Dịp này đã bắt đầu vào mùa gió Nam. Sau hơn 3 giờ vượt biển, các mái nhà lụp xụp nằm chênh vênh trên vách đá đã hiện ra trong tầm mắt. Bên kia ghềnh Chướng, chỉ còn là vài mái nhà làm bằng cây tạm với các vật dụng che chắn đơn sơ.
Gia đình anh Thạch Kim Tuấn, Thạch Kim Tính và các hộ dân trên đảo đang tranh thủ gom nốt những vật dụng trong căn nhà cũ để chuyển đến nơi ở mới, cho biết: Chuyển nhà cực lắm! May nhờ có BĐBP trên đảo, nếu không đành phó mặc số phận cho trời, chứ một mình chúng tôi làm sao nổi.
Ở đảo Hòn Chuối, từ chuyện thiếu gạo, nước ngọt, bịch muối, hay chuyện ốm đau; chuyện tàu, thuyền của cư dân gặp sự cố... tất cả đều được BĐBP giúp đỡ. Ngày trước, trẻ em trên đảo Hòn Chuối mới lên 5, 6 tuổi đã phải phụ việc gia đình, nhiều em đến tuổi vào cấp 2 mà vẫn chưa biết con chữ, thì nay đã có lớp học Tình thương của đồn Biên phòng trên đảo giúp các em biết chữ. Từ lớp học này, nhiều em đã vào bờ học lên đại học và trưởng thành trong cuộc sống.
Thượng tá Phạm Minh Giang, Phó Chính ủy BĐBP Cà Mau cho biết: Hằng ngày, trên vùng biển rộng 80.000km2 của tỉnh Cà Mau có hàng nghìn tàu cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh đánh bắt hải sản. Để hỗ trợ ngư dân khi gặp sự cố trên biển, các đồn Biên phòng đều có tần số đài, trạm liên lạc riêng với các tàu 24/24 giờ. Ngoài những tai nạn do thiên tai, tai nạn lao động, hư hỏng tàu trên biển... thì vấn đề đâm va, tranh chấp ngư trường cũng thường xuyên xảy ra. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các đồn Biên phòng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng mô hình hoạt động “Đội tàu an toàn” hoạt động dưới sự kiểm tra, giám sát của BĐBP để tạo sợi dây liên kết với ngư dân.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Việt, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sông Đốc, khi bắt đầu vận động các chủ tàu vào “Đội tàu an toàn” cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều chủ tàu cho rằng, vào đội sợ lộ lọt thông tin vùng đánh bắt; số khác băn khoăn vì phải tốn kinh phí sửa chữa tàu cho đạt chất lượng. Thế nên, thời gian đầu thực hiện chủ trương chỉ thành lập được 2 đội với 21 tàu tham gia.
Từ khi vào “Đội tàu an toàn”, các chủ tàu được tạo thuận lợi về vốn vay, giảm bớt thời gian về thủ tục khi đi đánh bắt ngoài biển. Hơn hết là các chủ tàu và ngư dân tăng cường đoàn kết, chia sẻ thông tin, ngư trường, giảm thiệt hại, rủi ro trong đánh bắt hải sản ngoài khơi xa... tạo được ấn tượng tốt đẹp về “Đội tàu an toàn” đối với chủ tàu khác. Đến nay, riêng ở thị trấn Sông Đốc đã thành lập được 5 đội với 68 tàu và 967 thuyền viên tham gia. Ngoài thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời thì trên dọc tuyến biên giới biển của tỉnh, BĐBP đã thành lập được tổng số 35 đội tàu thuyền an toàn với 310 thành viên.

Ông Lê Phong, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời phấn khởi nói: Việc thành lập “Đội tàu an toàn” đã hạn chế rất nhiều cảnh làm ăn chụp giật trên biển. Từ khi có “Đội tàu an toàn”, hàng trăm người dân bị nạn trên biển đã được cứu sống. Đặc biệt, nhờ họp mặt định kỳ hằng tháng, lực lượng Biên phòng đã giúp địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Biển Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia và các văn bản liên quan đến chủ quyền vùng biển, nhất là những năm gần đây làm tốt công tác tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt thủy sản.
Cùng với việc giúp dân xóa đói nghèo, từ năm học 2014-2015, BĐBP Cà Mau đã nhận đỡ đầu 38 em học sinh nghèo hiếu học từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông; hỗ trợ kinh phí mua sách, vở, đồ dùng học tập mỗi em 500.000 đồng/tháng; duy trì 1 lớp học Tình thương cho 22 cháu là con em của cư dân trên đảo Hòn Chuối.
Mỗi năm, các cơ quan, đơn vị BĐBP Cà Mau còn vận động các mạnh thường quân ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho công tác an sinh xã hội; huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp dân và chính quyền địa phương làm đường, làm cầu, làm nhà Tình thương, Tình nghĩa. “Sống có tình thương, đề cao trách nhiệm” đã góp phần để các đồn Biên phòng trở thành "điểm tựa" vững chắc cho nhân dân khu vực biên giới biển tỉnh Cà Mau bình yên, đổi mới đi lên.
Lê Khoa