Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:17 GMT+7

Nghĩa tình không biên giới

Biên phòng - Bao đời nay, ở vùng biên giới huyện Tây Giang (Việt Nam) và Kà Lừm (Lào), dù cách trở bởi núi cao, vực sâu, nhưng các bản làng Việt – Lào vẫn luôn đùm bọc, chở che nhau như ruột thịt. Khi mùa giáp hạt đến, những người lính Biên phòng Việt Nam lại sẻ chia cho đồng bào anh em bên kia biên giới những gùi gạo trắng thơm để bà con không bị đứt bữa. Và người Lào gọi đó là “hạt gạo nghĩa tình”.

f0rz_21a
Người dân Lào nhận gạo hỗ trợ từ BĐBP Quảng Nam. Ảnh: Hồng Anh

Có gạo, không ăn sắn nữa!

Ông A Lăng Pưi, Phó bản A Bưl, huyện Kà Lừm (tỉnh Sê Kông, Lào) có dáng cao gầy, khuôn mặt chất phác. Ông A Lăng Pưi cho biết, cả bản A Bưl có tổng cộng 228 nhân khẩu, chủ yếu sống nhờ làm lúa nước. Nhưng do hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng cơ bản nên mỗi khi trời nắng nóng kéo dài, sâu bệnh, chuột bọ hoành hành khiến vụ mùa thất bát, nhiều nhà phải ăn sắn, măng thay cơm.

Bà con trong bản đa số là đồng bào Cơ Tu, có mối quan hệ họ hàng thân thiết với đồng bào các xã biên giới Tây Giang nên gần đây, mỗi khi đến mùa giáp hạt, nhiều người trong bản sang nhà họ hàng ở Tây Giang nhờ hỗ trợ sắn, gạo. Trước tình hình thực tế và từ đề xuất của chính quyền, nhân dân các bản của huyện Kà Lừm, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam hằng năm đều xuất gạo hỗ trợ bà con các bản thuộc huyện Kà Lừm. 

Gia đình bà Bling Priêu có 8 người con, nhiều đứa còn đang tuổi ăn tuổi lớn, chưa xuống ruộng, lên rẫy phụ bố mẹ được. Năm nay, bản A Bưl lại mất mùa, gạo thu không bằng một nửa năm trước, vậy nên nhà bà nhanh chóng hết gạo và cái đói kéo đến. Bà Bling Priêu bảo, cả nhà nhiều hôm rồi phải ăn sắn thay cơm, nhưng sắn dần cũng hết nên khi được BĐBP Quảng Nam hỗ trợ gạo, không chỉ nhà bà mà cả bản vui như trẩy hội.

“Nhà mình nghèo lắm, mấy bữa nay toàn ăn sắn thôi. Nhận được số gạo này, cả nhà mình lại được ăn cơm rồi. Mình cảm ơn BĐBP Việt Nam nhiều lắm” - Bà Bling Priêu miệng cười nói, tay mân mê chiếc gùi chứa đầy gạo trắng. Không riêng gì bà Bling Priêu hay ông A Lăng Pưi, mà nhiều gia đình thuộc các bộ tộc Lào ở những bản A Bưl, Pa Non, Ta Long, Tà Vàng, Keo – A Ching... của huyện Kà Lừm đều được nhận hỗ trợ gạo của BĐBP Quảng Nam mỗi khi đến mùa giáp hạt. Nhận những bao gạo trắng ngần, ai nấy đều cảm ơn trước tấm lòng của những người lính Biên phòng Quảng Nam.

Thật đúng là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, những hạt gạo nghĩa tình của những người lính Biên phòng Việt Nam đến với bà con thật đúng lúc.

Tấm lòng của Bộ đội Việt Nam

Đường lên Đồn Biên phòng GaRy trên dưới 200 cây số song mọi người không chỉ ngại dốc cao, vực sâu, mà còn ngại những đoạn đường bùn ngập tới đầu gối mỗi khi những cơn mưa rừng bất ngờ ập đến. Những lúc ấy, kể cả xe tải cũng chịu cứng, không lái xe nào dám “liều” để đi tiếp.

Thế nhưng lương thực, thực phẩm của bộ đội thì không thể chờ đường khô, vậy nên những lúc như thế, tất cả đều trông chờ vào chiếc xe U-ran của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh - chiếc xe vẫn được cán bộ, chiến sĩ gọi bằng cái tên “xe bất chấp mọi địa hình”. Kể từ khi lên biên giới có đường xe ô tô, Thượng úy Đặng Phước Nhựt đã gắn bó với chiếc U-ran này. Cho đến giờ, anh vẫn chở lương thực, hàng hóa cho các đồn Biên phòng, thế nhưng những chuyến chở gạo hỗ trợ cho đồng bào Lào luôn mang lại cho anh niềm cảm xúc khó tả, bởi chuyến xe chở cả nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Nam đến với đồng bào Lào anh em ở bên kia biên giới.

Trung úy Zơ Râm Nhiều, nhân viên vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ga Ry sinh ra và lớn lên ở bản A Rooi, xã Ga Ry này. Từ bé, Zơ Râm Nhiều chứng kiến nhiều lần những người Lào đến thăm họ hàng trong bản. Mẹ anh bảo, nói là người Lào, người Việt, nhưng mọi người vẫn dùng chung tiếng Cơ Tu, con gái ở bản Việt vẫn lấy con trai ở bản Lào và ngược lại.

Khi về, mọi người trong bản lại góp gạo, thực phẩm cho họ đi đường. Tình anh em Việt - Lào đã thấm vào tâm hồn cậu bé Zơ Râm Nhiều từ lúc ấy. Sau này, như một điều hiển nhiên, bà con ở Ga Ry, A Xan hay Ch’Hy khi nhận được gạo, hàng cứu trợ từ chính quyền địa phương hay các đoàn thiện nguyện, dù ít hay nhiều đều “phần lại” cho những người bạn Lào.

Với Trung úy Zơ Râm Nhiều, chính tình cảm gắn bó này là sợi dây vững chắc góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới cũng như tình hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào những năm qua. Vừa chia gạo cho bà con, vừa giúp bà con cột lại những bao gạo cho chặt để tiếp tục hành trình vượt núi trở về nhà, tâm trạng Trung úy Zơ Râm Nhiều mang niềm vui rất khó tả, tựa như anh đang giúp đỡ chính người thân của mình. 

Trung tá Hoàng Thanh Hà, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ga Ry đã có gần 3 năm gắn bó với mảnh đất biên viễn này, bởi vậy, anh không chỉ thấu hiểu nỗi vất vả người dân trên địa bàn mà cả những khó khăn của những người dân nước bạn. Người ở A Bưl cũng như ở Ga Ry đa số là đồng bào Cơ Tu, có mối quan hệ họ hàng thân thiết với đồng bào các xã biên giới Tây Giang nên thường xuyên qua lại thăm thân.

Mỗi lần đến mùa giáp hạt, bà con ở Tây Giang lại sẵn sàng giúp đỡ bà con nước bạn ở bên kia biên giới. Đây là việc làm đầy nhân văn, gắn chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa chính quyền, quân và dân hai bên biên giới, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của quốc gia.

Buổi sớm, khi mặt trời lên cao, ánh nắng xua tan đi những đám sương mù, núi Tà Xiên – ngọn núi cao nhất, tượng trưng cho lòng thủy chung, son sắt của người Lào và người Việt ở vùng biên viễn này hiện ra lừng lững cũng là lúc những người dân cuối cùng của bản A Bưl nhận được gạo của mình.

Trên gương mặt mỗi người, ai cũng như nở nụ cười hạnh phúc không chỉ bởi những hạt gạo đến đúng lúc họ cần, mà còn vì ân tình mà những người anh em Việt Nam đã dành cho họ trong gian khó.

Hồng Anh - Trúc Hà

Bình luận

ZALO