Biên phòng - “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Lá lành đùm lá rách” là đạo lý của dân tộc Việt Nam hàng nghìn đời nay. Mỗi khi đất nước gặp biến cố, người dân gặp hoạn nạn, khó khăn, tinh thần ấy lại lan tỏa rộng khắp tới từng người. Mảnh đất miền Trung những tháng vừa qua đang phải oằn mình vì mưa bão, nhà cửa, vườn tược, tài sản nhiều hộ dân bị mất trắng. Thế nhưng, đúng lúc gần như tuyệt vọng ấy, mảnh đất miền Trung lại một lần nữa nhận được sự chung tay, giúp đỡ của nhân dân cả nước để cho người dân vùng lũ vơi đi phần nào những khó khăn trước mắt…

Tang thương trên từng giải đất
Trong những tháng vừa qua, mảnh đất miền Trung, nơi vẫn được coi là nơi “nặng gánh” hai đầu đất nước phải hứng chịu những cơn bão lớn, “bão chồng lên bão, lũ chồng lên lũ”. Một vùng đất quanh năm nghèo khó nay lại càng khó hơn, các tỉnh, như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, phải hứng chịu đợt thiên tai khốc liệt chưa từng thấy trong lịch sử. Những trận mưa xối xả, liên tiếp do ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão tố, áp thấp nhiệt đới, gió mùa đông bắc đã nhấn chìm nhiều vùng rộng lớn, gây ra những trận lũ quét, lũ ống, sạt lở đất kinh hoàng.
Đau thương hơn, những ngày đầu tháng 10 mưa lũ lịch sử diễn ra trong thời gian dài đã gây ra những trận sạt lở đất kinh hoàng. Hai trong số những trận sạt lở đất đó đã cướp đi sinh mạng của 13 cán bộ, chiến sĩ của đoàn cứu nạn tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) và 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4 đang làm nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ngoài ra, hằng trăm hộ dân mất trắng nhà cửa, vườn tược hoa màu. Nhiều gia đình phải sống trong cảnh màn trời, chiếu đất.
Chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trên địa bàn các tỉnh miền Trung đã cố gắng, nỗ lực hết mình để cứu dân, đặc biệt các lực lượng vũ trang sơ tán, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản nhân dân. Việc hỗ trợ, ủng hộ để đồng bào vùng lũ không bị đói, khát cũng cấp bách được triển khai. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chính quyền cùng các cơ quan, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương đang khẩn trương thực thi những nhiệm vụ cấp bách này. Đặc biệt, sự sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau trong cơn hoạn nạn, lúc khó khăn lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân. Mỗi người dân, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của mình đều đồng lòng hướng về miền Trung thân yêu. Các tập thể, cá nhân đã có những nghĩa cử, việc làm thiết thực để giúp đỡ, đồng bào bị mất mát, thiệt hại.
Đồng lòng hướng về miền Trung
Không khỏi xúc động trước việc hàng nghìn người dân thuộc nhiều tầng, nhiều giới đã gác công việc, gia đình sang một bên để quyên góp, vượt đường sá xa xôi có để mang lương thực, thực phẩm, áo phao, thuốc men tới tận những nơi cô lập, ngập sâu nhiều ngày trong mưa lũ. Ai cũng cảm thấy ấm lòng trước việc người dân thức trắng đêm nấu cơm, làm bánh chưng… để đưa tới tận nơi những đồng bào mà nhà cửa, ruộng vườn bị ngập trắng. Nhiều tổ chức thiện nguyện được lập ra, gây quỹ ủng hộ cho nhân dân các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề do mưa bão, hành động ấy làm ấm lên nghĩa tình đồng bào, giúp đỡ nhau những khi hoạn nạn.
Chị Phương Hạnh, tại phường Nam Đồng, thành phố Hà Nội, trưởng nhóm tổ chức thiện nguyện “Biên cương trong tôi” chia sẻ: “Ngay những ngày đầu tháng 10, khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về mưa lớn tại miền Trung gây ra gập lụt. Nhóm chúng tôi đã quyết định kêu gọi bạn bè thân quen, rồi mọi người cùng chia sẻ cùng nhau lan tỏa để thực hiện một chương trình hướng về miền Trung đang gặp mưa lũ. Hàng trăm tấn gạo cùng các nhu yếu phẩm cần thiết như mì tôm, nước lọc, dầu ăn, chăn màn, quần áo đã được chúng tôi nhanh chóng chuyển đến các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Chúng tôi đều kết hợp cùng chính quyền địa phương, các đồn Biên phòng tuyến biển và đất liền đến tận nơi gửi tặng cho bà con. Đó là những món quà xuất phát từ tấm lòng của tất cả mọi người có chung mong muốn “hướng về miền Trung ruột thịt”.
Cũng như chị Phương Hạnh, chị Oanh Oanh, một người đã có kinh nghiệm hoạt động thiện nguyện nhiều năm nay, ngay từ khi cơn bão số 9 ấp đến gây mưa lớn và lụt trên diện rộng ở các huyện Hải Lăng, Vĩnh Linh, thành phố Đông Hà của tỉnh Quảng Trị, chị cùng những người bạn kêu gọi và ủng hộ hơn 1.000 chiếc áo phao, hơn 50 tấn gạo và các nhu yếu phẩm khác gửi tới BĐBP Quảng Trị tặng cho các hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề sau mưa lũ. Ngoài ra, sau khi mưa lũ kết thúc chị đã tự tay kêu gọi một số tiền không nhỏ mua dê, lợn, cây giống tặng cho các hộ dân của 2 xã Hướng Lập và Hướng Việt nơi bị lũ quét tàn phá nặng nề. Chính những kế sinh nhai cấp thiết ấy đã tạo niềm hy vọng cho bà con nhân dân sớm khôi phục lại cuộc sống.
Kim Nhượng