Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:36 GMT+7

Nghĩa tình cựu binh Trường Sa

Biên phòng - Lên đường nhập ngũ ở tuổi đôi mươi, những chàng trai ngày ấy nhận lệnh ra Trường Sa với tâm thế sẵn sàng xả thân, hy sinh cho Tổ quốc. Trong trận hải chiến Gạc Ma, có những người đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển sâu, những người trở về đã sống trọn tình trọn nghĩa, thắp sáng niềm tự hào của người lính Trường Sa.

c6mj_12a
Cựu binh Trường Sa gặp lại đồng đội trong ngày kỷ niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma. Ảnh: Phương Oanh

Vượt chặng đường 120 cây số từ Khánh Hòa ra Phú Yên với những đồng đội  Trường Sa trong ngày gặp mặt 14-3, kỷ niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma, cựu binh Nguyễn Văn Dũng được nhiều người biết đến là người có tình nghĩa, “nặng lòng” với mảnh đất này. “Đây là quê hương của liệt sĩ Phan Tấn Dư, 1 trong 64 liệt sĩ trong cuộc chiến bảo vệ Gạc Ma. Dư chính là người đồng đội “ăn cùng mâm, ngủ cùng giường”, gắn bó với tôi hơn cả ruột thịt và đã hy sinh trong cuộc chiến giữ đảo 30 năm trước” - Anh Dũng nói.

Khắc khoải niềm thương nhớ bạn, năm 1993, xuất ngũ về Nha Trang, anh Dũng đã quyết tâm ra Phú Yên để tìm cho bằng được nhà liệt sĩ Phan Tấn Dư. “Giữa thời buổi từ phương tiện liên lạc đến đường sá đi lại đều hạn chế, trong khi thông tin mà tôi biết chỉ có vẻn vẹn mỗi tên Phan Tấn Dư, ở Phú Yên, từng đi bộ đội Trường Sa. Hơn nữa, tiền nong eo hẹp... khiến tôi bí đủ điều. Vậy là, vừa gây dựng làm ăn, vừa lập kế hoạch đi tìm nhà đồng đội” - Anh Dũng chia sẻ.

Anh Dũng mở cửa hàng ăn uống hải sản ở thành phố Nha Trang, cứ mùa nắng thì lo buôn bán, mùa mưa ít khách, anh lại đóng cửa, chạy xe ra Phú Yên tìm kiếm gia đình đồng đội cũ. Mấy năm đó, Phú Yên còn khó khăn lắm, vùng quê của anh Dư lại càng nghèo. Những con đường toàn đất bùn rải sỏi, mùa nắng bụi mịt mù nhưng mưa xuống thì ngập bùn, lầy lội. Gần 2 năm, những chuyến đi rồi về không, hỏi ai cũng thấy cái lắc đầu, không một chút hy vọng.

Anh Dũng kể: “Năm 1995, tôi tiếp tục ra Phú Yên. Mùa mưa năm đó dai dẳng, xe tôi sa vào bãi lầy, không thể tự thoát được. Tôi bỏ xe, đi vào những nhà hai bên đường nhờ người giúp đẩy xe ra khỏi bãi lầy. Một anh thanh niên trong nhóm gọi người xe ôm ngay góc đường, như mọi lần, tôi liền hỏi thăm gia đình Phan Tấn Dư, lính Trường Sa. Thật may mắn, anh xe ôm này có biết láng máng và nhận lời dẫn tôi đến đầu ngõ. Tôi bước vào nhà, thấy một bà má độ 80 tuổi ngồi trước cửa. Nhìn thấy phía trên cao ở bức tường bên hông, có tấm hình Dư, tôi run run hỏi: “Má ơi, hình ai đây má?”. Má bảo: “Nó là thằng Dư, con của má”. Tôi hỏi tiếp: “Dư đi bộ đội Trường Sa phải không má? Con là đồng đội của Dư nè má!”. 

Từ ngày tìm được nhà, đều đặn hằng tháng, anh Dũng về thăm mẹ của liệt sĩ Phan Tấn  Dư, bà vui lắm. “Tôi đã nhẹ lòng hơn, dẫu sao cũng làm được điều mình mong muốn, thỉnh thoảng thay Dư về chăm sóc má” - Anh Dũng tâm sự.

Vượt chặng đường hơn 20 cây số, chúng tôi cùng với những cựu binh Trường Sa lên xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa trong cái nắng hầm hập của vùng quê lúa Tây Hòa đúng ngày giỗ của liệt sĩ Phan Tấn Dư. Ngôi nhà của người liệt sĩ Gạc Ma này nằm ở cuối xóm, trên một gò đất cao nhìn ra đồng ruộng ngát xanh. Những cụm hoa rực rỡ sắc màu được trồng dọc hai bên lối đi dẫn vào nhà như xua bớt cảnh quạnh quẽ nơi ngôi nhà có người mẹ lưng còng, nhiều năm ngóng đợi đứa con từ Trường Sa trở về.

Mẹ Lê Thị Niệm mừng quýnh, từng bước xuống sân đón những đứa con Trường Sa. Những người đàn ông trung niên sà xuống hiên nhà, quây quần, ríu rít bên mẹ Niệm như đứa trẻ mới lớn. Những đôi tay đàn ông gân guốc soạn túi đồ cúng vừa đem về, tỉ mỉ cắm từng cành hoa, xếp những đĩa trái cây, bánh ngọt lên bàn thờ người đồng đội.

Anh Huỳnh Văn Trông, Trưởng ban liên lạc cựu binh Trường Sa ở Phú Yên cho biết, trong trận hải chiến năm 1988 ở Gạc Ma, Phú Yên có 2 liệt sĩ hy sinh là Trương Văn Thịnh (ở phường 9, thành phố Tuy Hòa) và Phan Tấn Dư (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa). Sau bao năm lưu lạc, kiếm sống, từ năm 2005 đến nay, năm nào, dịp 14-3, ngày sự kiện Gạc Ma, anh em cựu binh Trường Sa cũng tụ hội về, cùng làm giỗ cho 2 liệt sĩ rồi tổ chức họp mặt, tưởng nhớ tất cả những đồng đội đã hi sinh.

Cũng theo anh Trông, nhập ngũ cùng đợt với anh Thịnh và anh Dư, Phú Khánh (nay là 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) có đến hơn 450 chiến sĩ bổ sung cho các đơn vị ở Vùng 4 Hải quân. Nhiều năm qua, những cựu binh Trường Sa ở hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đã nỗ lực kết nối, vận động những người cùng tâm huyết lập quỹ đồng đội nhằm giúp đỡ thương binh, thân nhân liệt sĩ Trường Sa xây, sửa  nhà; lập sổ tiết kiệm cho các bà mẹ của liệt sĩ và làm được nhiều việc thiết thực giúp gia đình đồng đội còn khó khăn.

Phương Oanh

Bình luận

ZALO